Từ giã mảnh đất Syria, ông Trump để mặc Israel chơi vơi giữa "hai con hổ" Nga, Iran?

Quốc Vinh |

Quyết định rút quân khỏi Syria là "món quà Giáng sinh buồn" mà ông Trump tặng cho Israel. Giờ đây, khi Tel Aviv không còn người Mỹ, trong khi căng thẳng với Nga gia tăng, việc đối đầu với Iran là vô cùng khó.

Nguồn cơn quyết định bất ngờ của ông Trump

Thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc quân đội Mỹ đang rút khỏi Syria có tầm quan trọng chiến lược đối với Syria và toàn bộ khu vực. Nó có thể có ý nghĩa đối với toàn bộ Trung Đông và trong cuộc chiến gây dựng ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga tại đây, tờ Haaretz đánh giá.

Ngay từ khi mới bắt đầu tranh cử, Tổng thống Trump đã tỏ rõ thái độ phản đối sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ trong khu vực. Khi ông nói về chính sách "nước Mỹ trên hết" trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ý định của ông cũng là giảm đầu tư quân sự của Mỹ vào Trung Đông.

Nhưng ba tháng sau khi bước vào Nhà Trắng, Mỹ đưa ra cáo buộc về việc chính quyền Tổng thống Bashar Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân, một tuyên bố mà Damascus và Nga liên tục bác bỏ vào thời điểm đó.

Chính quyền Trump đã đáp trả bằng sự cứng rắn khác thường, đó là sử dụng tên lửa hành trình - một bước đi mà người tiền nhiệm Barack Obama đã quyết định không dùng vào phút cuối trong bối cảnh tương tự hồi năm 2013.

Sau đòn tấn công chấn động, tân Tổng thống đã chấp nhận lời khuyên của các tướng lĩnh trong việc tiếp tục duy trì lính Mỹ ở Syria . Khoảng hai tháng trước, thậm chí còn có báo cáo cho rằng ông đã ủy quyền tăng gấp đôi lực lượng, lên khoảng 4.000 binh sĩ ở quốc gia này.

Nhưng hiện tại, trong một quyết định chính thức, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ rời khỏi Syria trong vòng 48 giờ và những người lính cuối cùng sẽ đóng gói đồ đạc trở về trong một trăm ngày tới. Cuộc chiến chống IS đã kết thúc, lý do để lính Mỹ ở lại Syria đã không còn.

Theo Haaretz, lập luận mà ông Trump đưa ra hôm 19/12 là khá hợp lý. Cần phải nhớ lại rằng, cựu Tổng thống Obama gửi lính Mỹ đến Syria vào mùa hè năm 2014 là để bước vào cuộc chiến mà ông tuyên bố với khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Chiến dịch đó phần nào kết thúc, với một chiến thắng dành cho liên minh do Mỹ lãnh đạo. IS đã sụp đổ, cùng với việc Mỹ đã kiểm soát các thành phố từng là thành trì khủng bố như Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria sau các chiến dịch tấn công của liên minh.

Mặc dù hàng ngàn phiến quân IS vẫn đang hoạt động, những kẻ khủng bố đã không còn tập trung vào một khu vực kiểm soát duy nhất và liên kết chỉ huy của chúng đã bị tổn hại nặng nề.

Nỗ lực tập trung quân sự của Mỹ chống lại IS cũng được đánh giá là phần nào đó giúp cho chính quyền Assad dễ dàng giành lại quyền kiểm soát các phần lãnh thổ bị mất của Syria.

Israel bị bỏ rơi

Từ giã mảnh đất Syria, ông Trump để mặc Israel chơi vơi giữa hai con hổ Nga, Iran? - Ảnh 1.

Quyết định rút quân khỏi Syria là "món quà Giáng sinh buồn" cho Israel.

Sau khi IS bị đánh bại, Mỹ duy trì sự hiện diện ở hai khu vực chính của Syria: Khu vực người Kurd ở phía đông bắc và khu vực al-Tanf bao quanh một căn cứ không quân của Mỹ ở miền Nam Syria, gần biên giới với Iraq và Jordan.

Sự hiện diện của Mỹ được coi là ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Iran ở quốc gia này. Đó cũng là điều mà đồng minh Israel vô cùng quan tâm.

al-Tanf nắm vài trò như một ốc đảo quân sự quan trọng khiến người Iran gặp khó khăn trong việc khai thác tình hình mới và thiết lập một hành lang đất liền hoạt động từ Iran, qua Iraq và Syria, đến Lebanon.

Theo Haaretz, trong những tháng qua, Nga đã thúc ép Iran giảm các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Hezbollah qua lãnh thổ Syria. Về phần Mỹ, al-Tanf, nơi cố thủ mạnh mẽ của nước này cũng đóng vai trò hỗ trợ răn ​​đe.

Trong những tuần gần đây, các quan chức quốc phòng cấp cao của Israel luôn thể hiện mối quan tâm sát sao đến vấn đề lính Mỹ rời khỏi căn cứ này. Và hiện tại, Tổng thống Trump đã mang đến cho họ một "món quà Giáng sinh" không mong muốn.

Danh sách các quốc gia và các bên liên quan chịu ảnh hưởng trong quyết định của ông Trump còn dài. Nó bao gồm Israel, người Kurd, Jordan và Saudi Arabia.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết hôm 19/12 rằng, Tổng thống Trump đã thông báo cho ông về động thái này trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại hồi đầu tuần. Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố, Tel Aviv sẽ xem xét lại tình hình và hành động để đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong hai năm qua, Thủ tướng Netanyahu đã được hưởng nhiều quyền lợi dưới sự bảo hộ của chính quyền Trump và có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc với ông chủ Nhà Trắng. Các quyết định của chính quyền Washington liên quan đến Trung Đông – như thái độ tha thứ đối với Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, việc chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran - dường như đã được ông Trump lấy ra từ danh sách mong muốn của ông Netanyahu.

Dẫu vậy, thông báo mới nhất của ông Trump (được đăng tải trên Twitter như thường lệ) đang gây thất vọng sâu sắc cho Tel Aviv. Israel đã tin tưởng vào al-Tanf như một con bài thương lượng với các đối thủ của mình như Iran, Nga. Trước đó, Lầu Năm Góc đã hứa với họ rằng các binh sĩ Mỹ sẽ chỉ rời đi như một phần của thỏa thuận mà theo đó các lực lượng Iran cũng rút khỏi Syria.

Ngay sau quyết định bất ngờ của ông Trump, đã có quan điểm cho rằng, việc Mỹ rút quân là một phần của thỏa thuận toàn diện với Nga. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc, Washington đã trao lại toàn bộ lá bài cho Moscow ở Syria.

Từ quan điểm của Israel, điều này có hai hàm ý: Thứ nhất, họ bị cô lập hơn trước trong nỗ lực loại bỏ người Iran khỏi Syria, vì vẫn còn căng thẳng với người Nga sau sự cố máy bay rơi vào tháng 9.

Thứ hai, Tổng thống Trump, mặc dù luôn được cho là người thấu hiểu Thủ tướng Netanyahu nhất, đang thực hiện một bước đi hoàn toàn mâu thuẫn với mong muốn của nhà lãnh đạo Israel.

Nó cũng đặt ra câu hỏi về tương lai quan hệ hai nước, đặc biệt là vào thời điểm chính quyền Trump đang bận tâm với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại