Căng thẳng Nga-Ukraine: Lo ngại Moscow "thử" mình, phương Tây vẫn đang tính toán?

Quốc Vinh |

Mặc dù hiểu rằng vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine có thể chỉ mới là khúc dạo đầu cho những căng thẳng khác, Mỹ và NATO vẫn đang loay hoay trong việc đưa ra một phương án đồng nhất.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhiều lần cảnh báo rằng, Ukraine đang lên kế hoạch "khiêu khích vũ trang" để phản ứng với các hành động của Điện Kremlin ở Crimea.

Về phần mình, Kiev tuyên bố rằng Moscow đang lên kế hoạch cho hành vi "xâm lược". Cuộc tranh cãi giữa hai nước đang khiến cho khủng hoảng có nguy cơ tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, các đối tác NATO của Kiev vẫn đang loay hoay trong việc đưa ra một phản ứng cụ thể đối với tình hình hiện tại. Đã có nhiều lời kêu gọi từ các nước thành viên về việc tăng cường phản ứng đối đầu với Nga, tuy nhiên điều này vẫn còn đang là vấn đề chưa đi đến thống nhất.

NATO cảnh báo chống "leo thang"

Sau vụ bắt giữ tàu Ukraine ở eo biển Kerch hôm 25/11, các nước NATO đã lên tiếng ủng hộ Kiev, đồng thời có những động thái kêu gọi các thành viên cần có biện pháp đáp trả.

Dẫu vậy, cho đến lúc này phương Tây vẫn chưa có bước đi nào thể hiện bằng hành động đối với Ukraine, khiến cho nhiều ý kiến của các thành viên bày tỏ sự quan ngại.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu lưu ý rằng sức mạnh không quân bổ sung của Nga ở Crimea sẽ chỉ là bước đi mới nhất trong cái mà bà gọi là "quá trình xây dựng quân sự quan trọng" của Moscow trong khu vực.

"Nga đang tiến hành quân sự hóa Crimea, Biển Đen và Biển Azov để đe dọa Ukraine và làm suy yếu sự ổn định của khu vực rộng lớn hơn", bà Lungescu nói với DW. "Leo thang căng thẳng sẽ không có lợi cho bất kỳ ai".

Người phát ngôn NATO chỉ ra sự tăng cường của liên minh ở Biển Đen kể từ năm 2014 và thông báo vào đầu tuần này rằng họ sẽ cung cấp một hệ thống liên lạc an toàn cho các lực lượng vũ trang Ukraine vào cuối năm nay. NATO đang theo dõi tình hình trong khu vực và sẽ vẫn "cảnh giác", bà Lungescu tuyên bố.

Trong những ngày qua, Chính phủ Ukraine cáo buộc rằng Nga đang tiếp tục huy động một lực lượng mới, dọc theo biên giới phía Nam nước Nga với Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng hàng chục ngàn binh sĩ Nga đã được tập hợp lại, đồng thời tuyên bố tình trạng thiết quân luật ở nhiều nơi trên đất nước với lo ngại về cái gọi là "cuộc xâm lược" của Nga có thể xảy ra.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Kiev sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích tại khu vực biên giới giữa hai nước và nắm được thông tin Tổng thống Petro Poroshenko đang lên kế hoạch gây ra sự cố khiêu khích vào cuối tháng này.

Ông tuyên bố Nga sẽ có đòn đáp trả cứng rắn trong trường hợp Tổng thống Poroshenko xúc tiến kế hoạch như vậy.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh với Ukraine", đồng thời khẳng định không cần thiết phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, vì "người dân Ukraine không đáng bị chỉ trích".

Đồng minh do dự

Căng thẳng Nga-Ukraine: Lo ngại Moscow thử mình, phương Tây vẫn đang tính toán? - Ảnh 1.

Phương Tây chưa đưa ra một động thái cụ thể nào sau vụ đụng độ ở eo biển Kerch.

Trong khi các đối tác phương Tây đã đưa ra lời chỉ trích về cuộc tấn công bắt tàu Ukraine ở eo biển Kerch vào tháng trước, đã không có bất kỳ cam kết nào từ các nước NATO xác nhận sẽ ứng phó với hoạt động gần đây của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với DW, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison thừa nhận đây là mối quan tâm của tất cả các nước phương Tây, đồng thời nhấn mạnh sự cố Azov có thể chỉ mới là khúc dạo đầu.

"Nga đang thăm dò ở nơi họ nghĩ rằng liên minh của chúng ta có sự kháng cự yếu ớt. Chúng ta không thể cho phép điều đó xảy ra", bà nói. "Chúng ta phải sẵn sàng trong trường hợp họ làm điều gì đó một lần nữa, điều gì đó khiêu khích hơn".

Để đưa ra một hành động cụ thể, Mỹ cần phải có đồng ý của 29 quốc gia thành viên NATO. Hutchison giải thích rằng chưa có gì được quyết định ở thời điểm này nhưng cho biết "có rất nhiều phương án đang ở trên bàn".

"Chúng tôi đã gửi mọi tín hiệu có thể để Nga làm điều đúng đắn", bà nói thêm.

Phản ứng yếu của phương Tây

Trong quan điểm của mình, Kurt Volker - Đại diện đặc biệt của Chính quyền Trump tại Ukraine tin rằng, Moscow đang đánh giá cách phản ứng của phương Tây sau vụ việc ở eo biển Kerch.

"Phương Tây đã hoàn toàn không làm gì cả", Volker thừa nhận. "Không có phản ứng quân sự hay trừng phạt. Chúng tôi đã đưa ra một vài tuyên bố nhưng không có phản ứng cụ thể nào để giải quyết những gì Nga đã làm hoặc ngăn cản họ làm lại".

Niklas Novaky, một nhà phân tích an ninh của Trung tâm Martens ở Brussels, nói rằng phương Tây đang vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng cách làm nguy hiểm.

"Nếu phương Tây, châu Âu, Mỹ, NATO nghiêm túc trong việc bảo vệ Ukraine, thì đến một lúc nào đó, họ cần phải đứng lên chống lại Nga khi Moscow làm điều gì đó giống như ở eo biển Kerch", Novaky nói với DW.

"Những minh chứng trong lịch sử đã cho thấy rằng nếu chính sách của bạn cứ khuyến khích nhiều lần liên tiếp, bạn chỉ tạo cơ hội cho sự gây hấn hơn nữa từ phía đối thủ của mình".

Đồng ý với điều này, Volker cho rằng vụ việc ở eo biển Kerch chỉ là mở đầu cho những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine. "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên chuẩn bị cho điều đó và cố gắng ngăn chặn nó trong vài tuần tới", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại