Khoảng trống hớ hênh Mỹ để lọt giúp Trung Quốc kiếm bộn tiền ở Trung Đông

Vy Lam |

Bắc Kinh đã hơn một lần tuyên bố nước này không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột khu vực. Do đó, tất cả các quốc gia đều trở thành khách hàng tiềm năng của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đóng vai trò lớn trong việc cung cấp máy bay không người lái (UAV) quân sự cho các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là những nước bị cấm nhập khẩu thiết bị tương tự từ Mỹ.

Trong bản báo cáo của mình, Viện Royal United Services của Anh cho biết, Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lọt, do Washington có xu hướng chọn lọc khách hàng nhiều hơn khi xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang và các công nghệ có liên quan tới khu vực này.

"Trung Quốc thường được mô tả là một nhà xuất khẩu UAV ‘không hỏi gì bao giờ’, họ đang và có vẻ như sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng là nguồn cung cấp UAV cho Trung Đông" – Bản báo cáo viết.

Bắc Kinh tuân theo 2 nguyên tắc là chỉ giao dịch với các chủ thể nhà nước, và ưu tiên sử dụng cho mục đích chống khủng bố.

Trung Quốc đã bán các UAV vũ trang tiên tiến cho một số nước Trung Đông, trong đó có Jordan, Iraq, Saudi Arabia và UAE dựa trên cơ sở là các máy bay này sẽ được sử dụng để chống khủng bố.

Bắc Kinh đã hơn một lần tuyên bố nước này không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột khu vực. Do đó, tất cả các quốc gia đều trở thành khách hàng tiềm năng của Trung Quốc.

Khoảng trống hớ hênh Mỹ để lọt giúp Trung Quốc kiếm bộn tiền ở Trung Đông - Ảnh 1.

CH-4B Rainbow được tờ Xinhua ví là "AK-47" trong số các mẫu máy bay không người lái của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc cũng chưa từng ký kết Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa năm 1987. Đây là hiệp ước kiểm soát các giao dịch vũ khí như tên lửa và phương tiện không người lái vũ trang; trong đó hạn chế mua bán tên lửa (và những công nghệ liên quan) có khả năng mang theo đầu đạn nặng 500kg, tầm bắn từ 300km trở lên.

Bắc Kinh từng đề nghị tham gia hiệp ước này vào năm 2004 nhưng bị từ chối. Kể từ đó, họ cam kết tự nguyện tuân thủ các quy định do chính mình đặt ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng một số loại UAV vũ trang đã rơi vào "vùng xám" của thỏa thuận này (ranh giới giữa hợp lệ và bất hợp lệ).

Chẳng hạn, CH-4B Rainbow – UAV do Tập đoàn Khoa học & Công nghệ Trung Quốc sản xuất, có phạm vi hoạt động chỉ 150km nếu được điều khiển từ mặt đất, nhưng con số này có thể tăng lên tới 1.000km nếu nó được trang bị chức năng dẫn đường bằng vệ tinh.

Hiện không rõ liệu công ty của Trung Quốc đã bán UAV Rainbow với khả năng mở rộng cho bất cứ khách hàng nào hay chưa.

Mặc dù UAV của Mỹ nhìn chung được đánh giá là có công nghệ vượt trội hơn UAV Trung Quốc, nhưng các quốc gia Trung Đông thường không thể mua được của Mỹ, trong khi mua từ Trung Quốc lại có giá rẻ hơn đáng kể.

Khoảng trống hớ hênh Mỹ để lọt giúp Trung Quốc kiếm bộn tiền ở Trung Đông - Ảnh 2.

Máy bay không người lái CH-4B Rainbow của Iraq. Ảnh: Flight Global

Iraq đã mua ít nhất 4 UAV Rainbow từ Trung Quốc vào năm 2015 sau khi không đạt được thỏa thuận mua UAV MQ-1 Predator của Mỹ.

Theo báo cáo của Không quân Iraq, trong nửa sau năm 2018, các UAV Rainbow đã được sử dụng để tiến hành hơn 260 cuộc tấn công chống lại tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS).

Tương tự, UAE đã mua 2 mẫu UAV Wing Loong khác nhau do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô của Trung Quốc chế tạo, sau khi không đạt được thỏa thuận mua mẫu Predator.

Khoảng trống hớ hênh Mỹ để lọt giúp Trung Quốc kiếm bộn tiền ở Trung Đông - Ảnh 4.

UAV Wing Loong của Trung Quốc. Ảnh: Air Force Technology

Bản báo cáo của Viện Royal United Services cho biết, Trung Quốc còn đề nghị hỗ trợ một số quốc gia, trong đó có Saudi Arabia, tự chế tạo UAV.

"Sự gia tăng các UAV vũ trang tại Trung Đông có vẻ chưa dừng lại, thậm chí có thể tăng nhanh hơn nữa, thông qua sự xuất hiện của các UAV nội địa hoặc các nhà cung cấp bên ngoài, như Bắc Kinh" – Bản báo cáo viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại