Hệ miễn dịch suy yếu do lão hoá
Dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn cầu và số lượng người tử vong cao thường tập trung ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Vì vậy, việc bảo vệ người cao tuổi, người có bệnh lý nền trong đại dịch Covid-19 sẽ giảm được nguy cơ tử vong ở nhóm đối tượng này.
TS.BS Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, ở người cao tuổi quá trình lão hóa khiến hệ miễn dịch (hàng rào phòng chống nhiễm khuẩn của cơ thể) bị suy giảm. Số lượng tế bào hệ miễn dịch giảm làm khả năng chống đỡ với nhiều loại tác nhân gây nhiễm, trong đó có virus SARS-CoV-2 bị suy giảm.
Để chống lại tác nhân virus cơ thể phải tạo ra kháng thể chống lại, tuy nhiên loại virus mới này chưa từng tiếp xúc cộng đồng trước đó nên cơ thể chưa tạo được kháng thể. Điều này khiến cho người cao tuổi nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có triệu chứng nặng hơn, cần nhiều thời gian dài để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể.
Ảnh minh hoạ.
Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính kèm theo như: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, ung thư, thoái hóa khớp, béo phì…
Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch suy giảm, do đó cơ thể chống đỡ kém hơn và dễ suy giảm chức năng các cơ quan hơn.
Đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý và phải dùng nhiều loại thuốc như: thuốc có chứa corticosteroids kéo dài, thuốc điều trị ung thư, thuốc gây ức chế hệ miễn dịch… khiến hệ miễn dịch càng giảm sút.
"Người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nguy cơ rất cao dẫn đến diễn tiến nặng. Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ đáp ứng đầu tiên khi cơ thể bị virus tấn công nhưng lại rất suy yếu ở người cao tuổi, nên dễ dàng dẫn đến viêm phổi.
Viêm phổi tiến triển nặng sẽ nhanh chóng dẫn đến viêm toàn bộ đường hô hấp, gây khó thở nhiều, suy hô hấp cần phải thở máy, suy đa cơ quan cần phải chạy thận lọc máu. Do đó, người cao tuổi có sức khỏe đã suy yếu rất khó vượt qua giai đoạn này để phục hồi", TS.BS Ngọc Thể lưu ý.
Những giải pháp nâng cao hệ miễn dịch:
Để giúp cho người cao tuổi có miễn dịch tốt vượt qua mùa dịch TS.BS Ngọc Thể lưu ý những điều sau:
Uống đủ nước mỗi ngày: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cơ thể con người đủ nước sẽ hỗ trợ hệ bài tiết đào thải các chất cặn bã, giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sẽ sớm phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài nước lọc, người cao tuổi có thể uống theo sở thích các loại nước trái cây, sữa, tuy nhiên cần tránh các đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia rượu… Cần đảm bảo ăn chín uống sôi, đủ chất, nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.
Trong trường hợp bị sốt người cao tuổi rất nhạy cảm với việc mất nước, do đó việc bổ sung nước bằng đường uống là rất quan trọng.
Ăn các loại thực phẩm giàu đạm: Hệ miễn dịch được xây dựng phần lớn từ chất đạm cơ thể không thể tự tổng hợp được. Với người cao tuổi nên ưu tiên các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu như: ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa…
Người cao tuổi có thể bổ sung các loại rau, củ, gia vị vào món ăn. Chẳng hạn, tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh và các loại rau thơm (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao.
Bổ sung vitamin và khoáng chất: Nguồn vitamin, khoáng chất tốt nhất là từ rau xanh và hoa quả tươi giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực và hiệu quả tối ưu.
Cụ thể, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng; Vitamin nhóm B hỗ trợ chuyển hóa chất đường, tổng hợp protein; Vitamin A giúp xây dựng hàng rào phòng thủ, tái tạo, phục hồi niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu bị tổn thương; Vitamin D để chuyển hóa canxi cho các hoạt động của tế bào…
TS.BS Ngọc Thể khuyến cáo, người cao tuổi nên hạn chế ăn các thức ăn: nhiều dầu mỡ, chiên xào, có vị ngọt. Những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng nhưng gây đầy bụng, khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Duy trì tập luyện phù hợp:
Bác sĩ Ngọc Thể đang khám bệnh.
TS.BS Ngọc Thể cho biết, trong mùa dịch, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ luyện tập để tăng cường sức đề kháng. Thay vì ra công viên, người cao tuổi có thể tập thể dục tại nhà.
Một số bài tập thích hợp với nhóm tuổi này như: Thái cực quyền, yoga, thể dục nhịp điệu hay các bài tập thể dục khác tùy theo khả năng và lời khuyên của bác sĩ điều trị.
Về đêm, người cao tuổi có thể tham khảo các bài tập xoa bóp, yoga tại giường nhẹ nhàng.
Với những người cao tuổi không thể đi lại, người nhà nên hỗ trợ các bài tập vật lý trị liệu được hướng dẫn bởi các kỹ thuật viên tại bệnh viện. Các bài tập có thể đơn giản tại giường hoặc chung quanh phòng.
Đối với người cao tuổi có các bệnh lý nền mạn tính phải tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn: không được dừng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài.
Hạn chế tái khám tối đa trong mùa dịch, ít nhất 2 tháng/lần nếu tình trạng bệnh ổn định. Trong trường hợp không thể trì hoãn như: cần điều chỉnh thuốc, có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh cao tuổi cần liên hệ ngay trạm y tế phường xã, bác sĩ gia đình và nên chọn hình thức khám online.
"Người cao tuổi, có bệnh lý nền cần thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, đến nơi đông người. Giảm tiếp xúc gần (khoảng cách dưới 2 mét) đối với người phải thường xuyên ra khỏi nhà. Ngoài ra, nên chuẩn bị đủ thực phẩm và thuốc cho khoảng thời gian ít nhất là 2 tuần để giảm việc phải ra khỏi nhà", TS.BS Ngọc Thể lưu ý.