Trung Quốc: Rúng động vụ “Tổng chỉ huy đóng tàu sân bay” bị thông báo bắt giữa đêm khuya

Thu Thủy |

Lúc 23h30 phút đêm 12/5, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc bất ngờ thông báo: Hồ Vấn Minh, nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Nặng - Tàu thuyền Trung Quốc, đang bị điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Thông tin này đã gây rúng động.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 13/5 nhận định, thông tin Hồ Vấn Minh bị "ngã ngựa" ngoài việc cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục chống tham nhũng mạnh mẽ trong năm 2020, cũng bộc lộ một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Tập đoàn Công nghiệp Nặng - Tàu thuyền Trung Quốc (The China Shipbuilding Industry Corporation, CSIC) là một doanh nghiệp siêu lớn đặt dưới sự quản lý của Quốc Vụ viện Trung Quốc.

Nó đảm nhận một loạt các nhiệm vụ từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí và thiết bị hải quân như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm thông thường, tàu mặt nước và vũ khí dưới nước.

Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc tự chế tạo và các tàu đang đóng đều là sản phẩm của CSIC. Hồ Vấn Minh từ năm 2010 là phó tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuyền Trung Quốc (trước khi sáp nhập với CSIC) cho đến khi nghỉ hưu năm 2019, là chủ tịch CSIC đã đóng vai trò tổng chỉ huy việc nghiên cứu chế tạo tàu Sơn Đông - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc.

Trung Quốc: Rúng động vụ “Tổng chỉ huy đóng tàu sân bay” bị thông báo bắt giữa đêm khuya - Ảnh 1.

Hồ Vấn Minh trả lời phỏng vấn CCTV trên công trường đóng tàu sân bay Sơn Đông (Ảnh: CCTV).

Hồ Vấn Minh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Ngoài Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, ông còn có kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn Công nghiệp Hàng không (AVIC), Binh khí Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc bao trùm việc nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị cho cả Hải, Lục, Không quân. Các dự án Tàu sân bay nội địa đầu tiên, tiêm kích tàng hình J-10, máy bay chở khách cỡ lớn C919...đều có sự tham dự của ông.

Theo thông tin công khai, Hồ Vấn Minh sinh năm 1957, quê tỉnh Giang Tô và tốt nghiệp Đại học Hàng không và vũ trụ Nam Kinh.

Ông ta nguyên là Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc; Bí thư và Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Binh khí Trung Quốc; Bí thư và Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc; Chủ tịch và Bí thư của Tập đoàn Công nghiệp nặng - Tàu thuyền Trung Quốc (CSIC) từ 2015 đến 2019, tháng 8 năm ngoái, ông đã bị miễn chức và nghỉ hưu.

Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc chưa thông báo Hồ Vấn Minh phạm những tội gì, nhưng việc một người có vị trí quan trọng như vậy "ngã ngựa" đã phơi bày lỗ hổng chết người trong ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Đáng lo ngại hơn nữa là Hồ Vấn Minh không phải là một kẻ tham nhũng đơn độc trong ngành công nghiệp quân sự. Trong mấy năm qua, CSIC đã có nhiều người lãnh đạo cấp cao bị quật ngã.

Trung Quốc: Rúng động vụ “Tổng chỉ huy đóng tàu sân bay” bị thông báo bắt giữa đêm khuya - Ảnh 2.

Hồ Vấn Minh khi còn giữ chức Chủ tịch Tập đoàn CSIC (Ảnh: Toutiao).

Tháng 9/2018, Kim Đào, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu 712 của CSIC và cựu Phó giám đốc của Viện nghiên cứu 704, đã bị điều tra.

Ngày 24/12 cùng năm, Bốc Kiến Kiệt, Đảng ủy viên và Viện trưởng Viện nghiên cứu 718 của CSIC, đã bị điều tra xem xét vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.

Trước đó, Tôn Ba, cựu Phó Bí thư, Tổng giám đốc của CSIC, đã bị điều tra vào tháng 6/2018, bị khai trừ Đảng và bãi chức vào tháng 12 cùng năm và bị bắt vào tháng 1/2019.

Theo thông báo, Tôn Ba "đã gian dối và làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước; che giấu sự thật và lừa dối tổ chức khi bị thanh tra; lý tưởng và niềm tin đã bị lung lay và thực hiện các hoạt động mê tín phong kiến trong một thời gian dài”.

Ngày 4/7/2019, Tôn Ba đã bị kết án 12 năm tù vì lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ. Theo thông tin chính thức được đưa ra bởi Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải, vụ án Tôn Ba liên quan đến bí mật nhà nước nên được xử kín.

Sau khi Tôn Ba bị ngã ngựa, hãng Sputnik Nga đã đưa tin sau khi hoàn thành việc hoán cải tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc, Tôn Ba, Tổng giám đốc của CSIC, người phụ trách việc đóng tàu, đã đem các thông tin bí mật như thiết kế và thông số kỹ thuật của Liêu Ninh bán cho CIA trong vài năm qua.

Sau đó, tờ South China Morning Post cũng dẫn lời các nguồn tin cho biết Tôn Ba bị nghi ngờ rò rỉ tài liệu mật của tàu sân bay Liêu Ninh cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Bài báo nói rằng vụ án Tôn Ba liên quan đến rất nhiều bí mật, vì vậy Trung Quốc không thể tiết lộ chi tiết.

Theo phân tích của truyền thông, sự ngã ngựa của Tôn Ba có thể liên quan đến chất lượng của chiếc hàng không mẫu hạm. Việc cải tạo tàu sân bay Liêu Ninh và thiết kế và chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên đều được thực hiện bởi Tôn Ba, nhưng cả hai tàu sân bay đều bị phát hiện có vấn đề về chất lượng.

Một tháng trước khi Tôn Ba bị quật ngã, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh vừa hoàn thành thử nghiệm trên biển đầu tiên. Trong hai tháng sau khi Tôn Ba bị đổ, CSIC ngày 22/8/2018 đã đưa ra cáo phó:

“Hoàng Quần, Viện phó Viện nghiên cứu 760 Đại Liên, Tống Nguyệt Tài, người phụ trách cơ sở thử nghiệm và Khương Khai Bân, Giám đốc cơ khí và điện cơ sở thử nghiệm, đã bị chết đuối ngày 20/8/2018”.

Mặc dù cơn bão “đả Hổ” từ sau Đại hội toàn quốc 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến thế giới bên ngoài nhận thức được mức độ và quy mô cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, nhưng tham nhũng trong lĩnh vực công nghiệp quân sự đặc biệt đáng cảnh giác.

Chống tham nhũng ban đầu vốn là một cách để chỉnh đốn chính trị, nhưng ngành công nghiệp quân sự liên quan đến an ninh quốc gia. Sự cám dỗ sẽ kích thích tham nhũng, và không nên xem nhẹ các vụ án riêng rẽ.

Mới đây, tướng Cơ Thắng Đức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu PLA, con trai cựu Phó thủ tướng Quốc Vụ viện Cơ Bằng Phi, đã được thả sau khi mãn hạn tù.

Năm 1999, mặc dù Cơ Bằng Phi, người được nhà nước Trung Quốc đánh giá cao về công lao, đã chạy vạy khắp nơi, thậm chí tự sát để cứu con, Cơ Thắng Đức vẫn bị kết án tử hình hoãn thi hành vì bị kết tội bán tin tình báo và dính líu đến vụ đại án buôn lậu Viễn Hoa.

Trung Quốc: Rúng động vụ “Tổng chỉ huy đóng tàu sân bay” bị thông báo bắt giữa đêm khuya - Ảnh 4.

Tôn Ba, Tổng giám đốc CSIC bị xét xử kín và nhận 12 năm tù giam tháng 7/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Một trường hợp gần đây hơn là Bành Vũ Hành, phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên, bị bắt tháng 4/2019 và bị điều tra do liên quan đến làm gián điệp cho nước ngoài.

Quay trở lại CSIC, từ cựu Tổ trưởng Ủy ban kiểm tra kỷ luật, cựu Tổng giám đốc đến Cựu chủ tịch, một loạt các nhân vật quan trọng ở các vị trí quan trọng đều có vấn đề.

Sự sụp đổ kiểu "bài Domino" quy mô lớn này gióng lên hồi chuông báo động cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Liệu có một nguy cơ lớn về an ninh quốc gia có hệ thống đằng sau những vụ này?

Trang tin Đa Chiều cho rằng, Khi chính sách ngoại giao của Trung Quốc nhấn mạnh việc tích cực hành động hơn, các quốc gia do Mỹ đứng đầu liên tục cảnh báo về thuyết “mối đe dọa của Trung Quốc”; đặc biệt là tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với trật tự quốc tế đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phán đoán tình hình thế giới đã thay đổi, buộc Trung Quốc phải đề phòng trường hợp xấu nhất.

Nhưng biểu hiện của chiến tranh nóng không chỉ là cuộc đọ sức quân sự trên đất liền, trên biển và trên không. Đằng sau đó là những cuộc đọ sức được ẩn giấu khác nhau - hoặc là cuộc chiến tranh giành tài nguyên quân sự công khai, hoặc lặng lẽ đánh cắp bí mật quân sự.

Nếu đọ sức quân sự thể hiện thái độ đối đầu cạnh tranh bề ngoài, thì cuộc chiến ẩn mình những một âm mưu bí mật và khó đề phòng hơn, nhưng lại là thủ đoạn cạnh tranh không thể thiếu trong việc xử lý các mối quan hệ bên trong và bên ngoài giữa các quốc gia khác nhau từ thời cổ đại cho đến hiện tại.

Khi Trung Quốc đối mặt với những thách thức quốc tế nghiêm trọng, tất nhiên điều quan trọng là phải giải quyết các mâu thuẫn bên ngoài, nhưng cũng phải luôn cảnh giác với ẩn họa bên trong và không thể bỏ qua quản lý nội bộ tốt.

Chính vì vậy, vào các năm 2014, 2015 và 2017, Trung Quốc đã liên tiếp thông qua ba đạo luật nặng ký là Luật Chống gián điệp, Luật An ninh Quốc gia mới và Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 nhằm tích cực ứng phó với các nguy cơ an ninh quốc gia.

Việc Hồ Vấn Minh bị điều tra có thể không chỉ liên quan đến vấn đề tham nhũng mà còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia như vụ Tôn Ba trước đây. Nếu như thế thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại