Dám thách thức TT Trump, Saudi lĩnh đòn đau nhớ đời: Làm đồng minh với Mỹ đâu phải dễ!

Tiêu Chiến |

Từ những gì đang diễn ra, việc Mỹ quyết định rút các hệ thống Patriot khỏi Saudi Arabia không chỉ đơn thuần là hạ nhiệt căng thẳng với Iran, mà còn là để nắn gân Riyadh.

Sự thật đằng sau quyết định rút Patriot khỏi Saudi Arabia

Ngày 7/5, truyền thông Mỹ đều đồng loạt đưa tin nước này sẽ rút một nửa các hệ thống phòng không Patriot khỏi Saudi Arabia, theo kế hoạch luân chuyển hàng năm của Lầu Năm Góc để đối phó với các thách thức toàn cầu.

Được biết, quyết định rút quân khỏi Saudi Arabia diễn ra chỉ vài tháng sau khi Quân đội Mỹ triển khai các đơn vị Patriot đầu tiên đến quốc gia Trung Đông này.

Cuối năm 2019, Washington đã đồng ý yêu cầu hỗ trợ an ninh từ Riyadh, bằng cách gửi thêm 3.000 binh sĩ tới Saudi. Cùng với việc tăng quân, Mỹ còn triển khai thêm các phi đội tiêm kích và hệ thống phòng không Patriot đến Trung Đông để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi.

Trước đó, vào tháng 9/2019, phiến quân Houthi đã phát động một cuộc tấn công lớn chưa từng có vào Abqaiq và Khurais - hai cơ sở lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia khiến quốc gia này thiệt hại nặng nề.

Theo giới chuyên gia, cuộc tấn công trên không chỉ phá hủy các cơ sở lọc dầu của Saudi, mà nó còn giáng một đòn "chí tử" vào niềm tin đang dần lung lay về "chiếc ô an ninh" mà Mỹ cam kết với các quốc gia đồng minh tại Trung Đông.

Từ trước đến nay, Trung Đông luôn là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại, là nơi có lợi ích sống còn đối với Mỹ. Khu vực này là vùng đất tiếp giáp của 3 châu lục: châu Á, châu Âu và châu Phi; có lợi thế địa-chiến lược trong Chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Dám thách thức TT Trump, Saudi lĩnh đòn đau nhớ đời: Làm đồng minh với Mỹ đâu phải dễ! - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ đứng trước một bệ phóng di động của hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ không quân Prince Sultan ở ngoại ô thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AP.

Với các căn cứ quân sự trong khu vực Mỹ có thể nhanh chóng triển khai lực lượng ứng phó với những biến động ở cả ba châu lục. Do đó, việc Mỹ rút một phần lực lượng khỏi Saudi Arabia được một số nhà quan sát đánh giá là hành động bất thường. Dưới đây sẽ là một số nguyên nhân được đưa ra để lý giải động thái này:

Thứ nhất, theo kế hoạch hàng năm về luân chuyển binh sỹ và phương tiện để đối phó với các thách thức toàn cầu; chính quyền Mỹ xác định Iran "không còn là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích chiến lược của Mỹ", vì vậy việc đặt các hệ thống Patriot ở Saudi Arabia là không cần thiết.

Thứ hai, việc triển khai Patriot tại Saudi Arabia trước đây chỉ là tạm thời; chủ yếu để bảo vệ lực lượng không quân Mỹ đóng tại căn cứ Prince Sultan khi căng thẳng Mỹ-Iran leo thang. Khi căng thẳng hạ nhiệt, khả năng xung đột xuống thấp, việc rút hệ thống này để ưu tiên khu vực khác là "hoạt động bình thường".

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump (06/5) đã phủ quyết Dự luật của Quốc hội Mỹ "ngăn cản Tổng thống phát động chiến tranh với Iran", do đó việc rút bớt lực lượng quân sự khỏi Saudi Arabia có thể xem như một động thái "trung hòa", "xoa dịu" các nghị sỹ, đặc biệt là trong liên minh cầm quyền.

Thứ tư, động thái của Mỹ cũng thể hiện sự bất mãn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Saudi Arabia khi nước này bắt đầu cuộc chiến dầu mỏ khiến giá dầu từ tháng 03/2020. Hàng loạt các nghị sỹ Mỹ tại các bang sản xuất dầu và đại diện cho ngành công nghiệp dầu đá phiến đe dọa sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác kinh tế, quân sự giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Ngày 30/4/2020, Tổng thống Trump đã gọi điện trực tiếp cho Thái tử Mohammed Bin Salman yêu cầu ngừng ngay cuộc chiến dầu mỏ với Nga nếu không Washington sẽ rút hết lực lượng quân sự khỏi nước này.

Tổng thống Trump thậm chí còn đe dọa Riyadh sẽ không tồn tại quá hai tuần sau khi Mỹ rút quân. Sức ép của Mỹ đã thúc đẩy OPEC (và Nga) đạt được thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng dầu (tháng 4/2020).

Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu ngừng xuất khẩu dầu thô sang thị trường Mỹ, Saudi Arabia vẫn vận chuyển một lượng dầu lớn tới Bắc Mỹ trong khi các kho chứa đã đầy ắp, khiến giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tháng 5/2020 tụt xuống mức âm (-37 USD/thùng). Đây được coi là giọt nước tràn ly khiến Tổng thống Trump phải có hành động cứng rắn.

Dám thách thức TT Trump, Saudi lĩnh đòn đau nhớ đời: Làm đồng minh với Mỹ đâu phải dễ! - Ảnh 3.

Cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga từ đầu tháng 3/2020 tác động không nhỏ đến thị trường năng lượng thế giới. Ảnh: TTXVN.

Để cứu vãn tình thế, tránh để quan hệ với Mỹ bị rơi vào khủng hoảng, ngày 08/5/2020, Quốc vương Salman đã điện đàm với Tổng thống Trump; qua đó tái khẳng định mối quan hệ đối tác quốc phòng vững chắc giữa Mỹ và Saudi Arabia; bày tỏ sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Trump cũng khẳng định, Mỹ cam kết bảo vệ lợi ích của mình cũng như an ninh của đồng minh; quyết tâm đối đầu với các nhân tố gây mất an ninh và ổn định khu vực; cam kết ủng hộ giải pháp chính trị cho Yemen.

Về phía Saudi Arabia, các sai lầm liên tiếp trong chính sách đối nội, đối ngoại khiến uy tín của Thái tử Mohammad Bin Salman bị sụt giảm nghiêm trọng; bất ổn trong nội bộ hoàng tộc gia tăng.

Một mặt, Thái tử Saudi Arabia phải dùng vũ lực đàn áp các nhân vật được coi là đối thủ, mặt khác đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch "Tầm nhìn 2030" (đang bên bờ vực phá sản) để cứu vãn uy tín cá nhân.

Do nguồn vốn chính để thực hiện các dự án trong "Tầm nhìn 2030" là từ dầu mỏ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch Corid-19 và giá dầu giảm sâu, thâm hụt ngân sách tăng, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, Saudi Arabia đứng trước yêu cầu cấp bách phải gia tăng nguồn thu từ dầu mỏ.

Sự rạn nứt trong liên minh Mỹ - Saudi Arabia

Việc Lầu Năm Góc quyết định rút hệ thống Patriot khỏi Saudi Arabia và các diễn biến thời gian qua cho thấy sự thay đổi trong bản chất quan hệ giữa Mỹ và một số nước đồng minh Trung Đông, đặc biệt là với Riyadh.

Trước đây, dầu mỏ Trung Đông là nguồn nhiên liệu cho nền kinh tế Mỹ, nước này xác định đảm bảo an ninh cho Trung Đông chính là để đảm bảo nguồn cung năng lượng, cũng như không để xung đột ở Trung Đông làm giá dầu leo thang.

Dám thách thức TT Trump, Saudi lĩnh đòn đau nhớ đời: Làm đồng minh với Mỹ đâu phải dễ! - Ảnh 4.

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia đang bị thách thức nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng giá dầu vừa qua. Trong ảnh là Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử kế vị Mohammad bin Salman của Saudi Arabia. Ảnh: VOA.

Nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia là "nguồn cung dầu mỏ" đổi lấy "an ninh". Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu đá phiến phát triển lại biến Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Để nền kinh tế không còn chịu sự phụ thuộc vào giá dầu, Mỹ chấp nhận sử dụng dầu đá phiến cho dù chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với việc khai thác dầu ở Trung Đông.

Do đó, về mặt chiến lược, Mỹ không còn quan tâm tới việc ngăn ngừa xung đột ở Trung Đông hay giữ giá dầu không leo thang. Đây là một trong số nguyên nhân khiến Washington làm ngơ trước việc Saudi Arabia bị Houthi tấn công, hay có hành động trả đũa quân sự theo như các hiệp ước an ninh được hai bên ký kết.

Dù vậy, Mỹ và Saudi Arabia sẽ vẫn là đồng minh chiến lược do ngoài xung đột lợi ích về dầu mỏ, hai bên vẫn cần đến nhau và có nhiều lợi ích chung tại Trung Đông.

Bản thân, Saudi Arabia cần tới "chiếc ô an ninh" của Mỹ để đối phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Thái tử kế vị Mohammad Bin Salman cũng tìm kiếm sự ủng hộ từ Washington nhằm ổn định tình hình chính trị bất ổn trong nước.

Trong khi đó, Mỹ cần Saudi Arabia để triển khai các chính sách đối ngoại của nước tại Trung Đông, bao gồm vấn đề hạt nhân Iran; tiến trình hòa bình Trung Đông; cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, Trung Quốc; chống khủng bố và trước mắt là vấn đề Israel sát nhập khu bờ Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại