Ngày 12/5, tờ al-Monitor đăng tải bài viết "Turkey targets US-backed Syrian Kurdish peace talks" (tạm dịch: Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục tiêu vào các cuộc đàm phán hòa bình của lực lượng người Kurd Syria được Mỹ hậu thuẫn) của phóng viên Amberin Zaman.
Trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện ở Syria và Thổ chưa hoàn toàn từ bỏ việc tái triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd, nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn tương đối khách quan, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Vì người Kurd Syria, Thổ Nhĩ Kỳ công khai chỉ trích Mỹ-Pháp?
Nỗ lực của Washington nhằm đưa các phe phái đối lập người Kurd ở miền bắc Syria vào bàn đàm phán và hợp nhất họ với trung gian của Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ William Roebuck đã bắt đầu nhận được phản ứng công khai của Ankara.
Cuộc hội đàm giữa Quốc hội Kurdistan tự xưng (KNC/ENKS) - một nhóm các đảng đối lập người Kurd Syria có trụ sở ở Istanbul và Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) - tổ chức chính trị của người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria đã được tái khởi động vào tháng 4/2020
Ngày 11/5, hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu tuyên bố đây là "nỗ lực nhằm hợp thức hóa sự hiện diện của các nhóm khủng bố ở miền bắc Syria".
KNC/ENKS được thành lập vào năm 2011 và là một trong các phe phái đối lập Syria có chân trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Sochi, Astana và Geneva.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tỏ rõ sự bất mãn của mình làm dấy lên nghi ngờ rằng những nỗ lực song song và mâu thuẫn của Mỹ bao gồm thiết lập quan hệ đối tác với người Kurd và khôi phục mối quan hệ với đồng minh NATO đều đã thất bại.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phản bác các cáo buộc của 5 ngoại trưởng Pháp, Hy Lạp, Ai Cập, Cyprus (Síp) và UAE về cuộc can thiệp của họ ở Libya và các yêu sách chủ quyền trong khu vực Đông Địa Trung Hải.
Ankara chỉ đích danh Paris là "cố vấn đầy tham vọng" của "trục ma quỷ" này với "ý đồ xấu xa" nhằm thành lập một quốc gia khủng bố ở Syria - nhiều khả năng liên quan đến các cuộc đàm phán của người Kurd ở Syria.
Nói cách khác, Ankara coi việc lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria được củng cố vị thế là một "hiểm họa" do nó có tác động xấu đến quan điểm về tự trị và độc lập của hơn 14 triệu người Kurd trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản đồ toàn cảnh Syria với các căn cứ - cứ điểm của lực lượng nước ngoài. Khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát (màu vàng) chiếm khoảng 30% lãnh thổ nước này.
Hy vọng của lực lượng SDF
Vòng đàm phán gần nhất giữa PYD và KNC được khởi xướng vào cuối tháng 10/2019 bởi Mazlum Kobane, chỉ huy trưởng của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và cũng là nhân vật quan trọng trong hoạt động quân sự của Mỹ đẩy lui nhóm khủng bố IS ở miền đông Syria.
Kobane đã liên lạc với KNC ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" vào ngày 9/10/2019 nhằm vào khu vực do SDF kiểm soát - khu vực nằm giữa các thị trấn Tell Abyad và Ras al-Ain.
Hoạt động quân sự được Ankara biện minh bằng luận điệu lặp đi lặp lại là SDF, PYD hay các cái tên khác đều chỉ là "biến tướng" của nhóm vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà họ đã liệt vào danh sách các nhóm khủng bố từ những năm 1980.
Mazlum Kobane, chỉ huy trưởng của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cùng một cố vấn Mỹ tại chiến trường Syria năm 2017.
Bằng các nỗ lực liên kết với KNC thông qua cánh chính trị là PYD, SDF rõ ràng đang chuyển trọng tâm chiến lược từ các hoạt động trên chiến trường sang ngoại giao với hy vọng rằng một thỏa thuận mới sẽ củng cố tính hợp pháp của họ tại miền bắc Syria.
Thỏa thuận nói trên chắc chắn cũng sẽ làm suy yếu lập luận của Thổ Nhĩ Kỳ rằng PYD-SDF chính là PKK, khiến Ankara mất đi "cái cớ" để tiến hành các hoạt động quân sự ở miền bắc Syria trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2020 của tờ al-Monitor, Mazlum Kobane tuyên bố:
"Việc thành lập một mặt trận chung sẽ thúc đẩy quyền của dân tộc Kurd hiện đang bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva của Liên Hợp Quốc và trong các cuộc đàm phán tương lai với chính phủ Syria ở Damascus".
Rõ ràng SDF đang tự vẽ ra một viễn cảnh tương lai khi Ankara sẽ phải chấp nhận sự tồn tại họ ở Syria và mở các cửa khẩu thương mại như tiến trình ở miền bắc Iraq. Căng thẳng giữa Washington và Ankara về SDF cũng vì đó mà dần lắng xuống.
Nguồn thu dầu mỏ trong khu vực - điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn để duy trì các căn cứ Mỹ ở đông bắc Syria sẽ làm mối quan hệ giữa hai bên ấm dần lên - như cách mà Chính quyền tự trị người Kurd Iraq (KRG) đã làm.
Từ quan điểm của nhóm vũ trang PKK, kịch bản này có thể buộc Ankara nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và đồng ý ngừng bắn, cho phép họ thời gian để củng cố lực lượng đã bị thiệt hại nặng do các đợt khong kích của máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một đại diện của KNC, người Mỹ đang tỏ ra "nghiêm túc" còn Kobane cũng đã thể hiện rằng SDF rất "chân thành".
Lực lượng Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công SDF tháng 10/2019.
Thổ sẽ "bóp chết" thỏa thuận từ "trứng nước"?
Theo các nhà quan sát phương Tây, nỗ lực của Washington nhằm tăng cường vị thế của người Kurd vì một lý do khác, đó là chiến lược tái bố trí lính Mỹ từ Iraq sau các yêu cầu của Baghdad liên quan đến vụ ám sát tư lệnh của Lực lượng Quds Iran, Tướng Qasem Soleimani.
Tuy nhiên, các nỗ lực của SDF-PYD và KNC sẽ lâm vào bế tắc nếu họ không thể vượt qua rào cản lớn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà phân tích Wladimir van Wilgenburg, việc Thổ Nhĩ Kỳ mời Hiệp hội người Kurd Syria độc lập (AISK) tham gia phe đối lập lưu vong Syria có trụ sở ở Istanbul chắc chắn là hành động gây áp lực cho KNC khi họ đang đàm phán với PYD.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn cho thấy KNC thấy họ có những lựa chọn thay thế trong trường hợp bị "phản bội".
KNC đã tỏ ra nao núng khi thừa nhận rằng cho đến nay các cuộc đàm phán với PYD chỉ mới tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, và rằng KNC sẽ không chia sẻ "cái ghế tại Geneva" với PYD trừ phi 2 bên đạt được thỏa thuận toàn diện bao gồm chính trị, hành chính và quân sự.
Theo một nguồn tin và cũng là một nhà phân tích của al-Monitor, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền phủ quyết đối với SDF trong các cuộc đàm phán về hòa bình của Syria ở Geneva.
Còn về phía Mỹ, quan điểm của họ đã được bộc lộ trước Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" là nhằm ưu tiên mối quan hệ với Ankara và để chống lại Damascus và Iran, họ sẵn sàng hy sinh đồng minh người Kurd.
Chính vì vậy nếu mục tiêu của cuộc đàm phán nói trên chỉ là kiếm cho SDF một "phương tiện" để tới Geneva (trái ngược với mục tiêu tích cực là xây dựng sự đoàn kết giữa các lực lượng người Kurd) - thì đó là một "con đường dẫn đến hư không".
Như một chỉ huy PKK và đồng thời là cháu trai của lãnh đạo Ocalan nhận xét: "Bất cứ nơi nào (trong khu vực Trung Đông) mà Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy người Kurd đạt được lợi thế về chính trị, họ sẽ quyết tâm đè bẹp những lợi thế đó".
Thổ Nhĩ Kỳ và chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" ở phía Bắc Syria