Từ giây phút cỗ máy chiến tranh này bay lên bầu trời (khi vẫn còn là nguyên mẫu PAK FA, T-50), đã có hàng trăm bình luận, nhận định về sản phẩm mới của tập đoàn Sukhoi được đưa ra.
Phần lớn những bình luận của chuyên gia và độc giả nước ngoài về Su-57 là tiêu cực. Theo Topwar, một lần là do sự tồn tại của tiêm kích F-35, Mỹ không muốn F-35 có thêm bất cứ đối thủ nào, dù là trên không hay trên thị trường vũ khí thế giới. Một nguyên nhân khác là do định kiến của một số đại diện cá nhân đến từ nước ngoài đối với mọi thứ do Nga chế tạo.
Sau đây là một số bình luận của báo chí nước ngoài do Topwar tổng hợp lại.
Tạp chí National Interest (2020): - Tiêm kích Su-57 của Nga không sẵn sàng chiến đấu chống lại đối thủ công nghệ cao.
- Vật liệu chế tạo cho thấy Su-57 "thậm chí chưa phải máy bay chiến đấu, mà chỉ là nguyên mẫu mà thôi".
Trang mạng Aviationist (Italy) (2019): Người ta nói rằng động cơ máy bay thế hệ tiếp theo dành cho Su-57 sẽ hiệu quả hơn. Nhưng trong lúc này động cơ trên máy bay lại là loại vốn được lắp đặt trên các tiêm kích thế hệ 4. Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra rằng nhiều đặc tính trên máy bay có thể làm giảm thông số tàng hình của nó".
Trang mạng Sohu (Trung Quốc) (2019): Su-57 không thể được phân vào tiêm kích thế hệ 5. Thay vào đó, đây là một bước đi không cho phép ngành công nghiệp máy bay Nga vượt qua giới hạn của các tiêm kích thế hệ 4. Vấn đề hàng đầu khiến Su-57 bị loại khỏi danh sách chiến đấu cơ thế hệ mới là nó thiếu khả năng tàng hình.
Tạp chí Diplomat (2019): Năm 2018, Ấn Độ đã rút khỏi chương trình hợp tác chế tạo tiêm kích thế hệ 5 với Nga. Không quân Ấn Độ không hài lòng với những gì mà người Nga đang cố gắng tưởng tượng.
Mẫu máy bay của họ không đáp ứng được nhiều yêu cầu: Nó thiếu khả năng tàng hình, động cơ yếu, cùng hàng loạt trì hoãn liên quan tới việc thực thi kế hoạch. Không có vẻ gì là Nga có thể khắc phục được tất cả các vấn đề này để Ấn Độ có thể quay trở lại dự án.
Business Insider (2020): Mặc dù truyền thông Nga gọi Su-57 là "bóng ma trên không" nhưng một nhà khoa học đang nghiên cứu về máy tay tàng hình cho Mỹ nói rằng có quá nhiều vấn đề khiến nó có thể dễ dàng bị phát hiện bằng radar.
Còn có nhiều bình luận chê bai khác đến từ truyền thông Ba Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên là cả Ukraine.
Theo Topwar, thay vì tranh cãi, đối diện với những chỉ trích này, Su-57 và nhà phát triển nó chỉ mong ước một điều: nhanh chóng đưa Su-57 vào biên chế của Không quân Nga, trong khi tìm cách khắc phục tất cả các thiếu sót và lỗi kỹ thuật đã được phát hiện. Gần đây nhất, Su-57 đã được đưa tới Syria để thử nghiệm và tham gia màn duyệt binh trên không để kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga.