Trung Quốc "phát sốt" trước tên lửa "khủng" của Ấn Độ

Đức Trí |

Tên lửa hạt nhân "khủng" nhất của Ấn Độ vừa được thử nghiệm thành công, đánh dấu việc New Delhi chính thức gia nhập "câu lạc bộ" các quốc gia sở hữu bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược, điều này cũng làm Trung Quốc "đứng ngồi không yên".

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ ngày 20/1 cho biết, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-4. Vụ thử nghiệm diễn ra vào ngày 19/1, từ một phao chìm dưới nước ở vịnh Bengal ngoài khơi bờ biển Visakhapatnam và bay xa 2.200 km.

K-4 được đánh giá là tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của Hải quân Ấn Độ có thể bắn từ tàu ngầm. SLBM K-4 được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung phóng trên đất liền Agni-II.

K-4 được thử nghiệm lần đầu vào năm 2010 từ một phao chìm dưới nước.Ấn Độ đã nhiều lần có kế hoạch thử nghiệm loại tên lửa này nhưng đều bị trì hoãn vì nhiều nguyên nhân.

Đây là lần thứ 4 Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cố gắng thử nghiệm tên lửa K-4 kể từ tháng 10/2019. K-4 được thiết kế để thay thế tên lửa K-15 phóng từ tàu ngầm với phạm vi tấn công là 750 km.

K-4 có tầm phóng 3.500 km, sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihant do Ấn Độ tự chế tạo, thậm chí phiên bản cải tiến K-4 MarkII có tầm phóng tối đa lên đến hơn 5.000 km.

Quá trình thử nghiệm K-4 gặp nhiều khó khăn và đến nay mới thành công. SLBM K-4 có chiều dài 12 m, nặng 17 tấn, có thể mang theo đầu đạn nặng hơn 2 tấn, DRDO tuyên bố K-4 là một tên lửa đạn đạo có độ chính xác rất cao.

Trung Quốc phát sốt trước tên lửa khủng của Ấn Độ - Ảnh 2.

Tên lửa K-4 sẽ được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihant do Ấn Độ tự chế tạo. Nguồn: China.com.

Ấn Độ là một trong 6 quốc gia trên thế giới có khả năng bắn tên lửa hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển. Tuy nhiên, so với các cường quốc hạt nhân khác, Ấn Độ mới chỉ gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân vào năm 2016, khi họ đưa vào vận hành tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihant đầu tiên.

Việc phóng thử thành công tên lửa K-4 chính thức đánh dấu bước tiến trong việc phát triển bộ ba răn đe hạt nhân của Ấn Độ, đồng thời khẳng định New Delhi đã tạo ra được sức mạnh răn đe hạt nhân lớn và có khả năng tấn công đáp trả vào bất kỳ kẻ thù nào.

Trung Quốc phát sốt trước tên lửa khủng của Ấn Độ - Ảnh 3.

INS Arihant có thể mang theo 4 tên lửa K-4 mang đầu đạn hạt nhân. Nguồn: China.com.

K-4 là một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nhằm trang bị cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ- INS Arihant.

INS Arihant chỉ có thể mang theo 4 tên lửa K-4 mang đầu đạn hạt nhân, khá khiêm tốn so với tàu ngầm SSBN của Mỹ và Nga, nhưng tương đương với SSBN của Trung Quốc và Anh. Ngoài ra, tàu ngầm này còn mang được thêm 12 tên lửa K-15 với tầm bắn từ 700-750 km.

Việc Ấn Độ đạt được bước tiến mới trong vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc đề phòng, nhất là khi Bắc Kinh đang một mực phản đối nguyện vọng của New Delhi xin gia nhập Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG). Chính sách phát triển hạt nhân của Ấn Độ cũng là một "cái gai" trong mắt Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại