Thưa ông, ông nhận định như thế nào về hoạt động gần đây của Trung Quốc xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông?
- Trong ba tuần qua, Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang thực hiện các hoạt động dầu khí của mình theo đúng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Đây là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hoà bình của khu vực.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo UNCLOS 1982. Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, và lại càng không tranh chấp với Trung Quốc.
Hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam trước hết là nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực giàu tiềm năng dầu khí này.
Việc Trung Quốc đe dọa, ngăn cản Việt Nam và các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này là hành động vô lý và ngang ngược. Hành động này nằm trong chiến lược của Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại Biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam.
Hoạt động kéo dài của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam những ngày qua nhằm mục đích tạo ra nguyên trạng mới, đó là sự tranh chấp ngay trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển Việt Nam.
Đây là bước leo thang mới nguy hiểm của Trung Quốc, gây sức ép để Việt Nam phải chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc.
Theo quy định của luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, các nước có vùng biển hợp pháp chồng lấn nhau, thì có thể tiến hành khai thác chung, cùng chia sẻ lợi ích, trong khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn. Nhưng khai thác chung theo điều kiện của Trung Quốc về bản chất hoàn toàn khác.
Trung Quốc đề nghị tiến hành khai thác chung tại vùng biển của Việt Nam, không hề có tranh chấp hay chồng lấn với vùng biển hợp pháp của Trung Quốc. Do đó, chủ trương khai thác chung do Trung Quốc đưa ra thực chất là cái bẫy chủ quyền, biến vùng biển hợp pháp của nước khác thành vùng biển tranh chấp, rồi từ đó chiếm đoạt vùng biển của nước khác.
Bước tiếp theo, nếu Việt Nam và các nước không chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc, thì Trung Quốc đe dọa sẽ đơn phương tiến hành nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển Việt Nam và các nước.
Các bước đi này nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong Đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Trước những diễn biến mới, cá nhân ông đánh giá như thế nào về chính sách, động thái của Việt Nam về Biển Đông. Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên biển?
- Phát biểu ngày 19.7 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Trước đây, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã nhiều lần đấu tranh thắng lợi, đuổi các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Và lần này, trên thực địa, các lực lượng chấp pháp Việt Nam phải đuổi hết các tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Phát huy tinh thần dũng cảm, khôn khéo và sáng tạo, các lực lượng chấp pháp của chúng ta nhất định sẽ bảo vệ thành công chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên vùng biển phía nam của Tổ quốc.
Một biện pháp hòa bình quan trọng nữa mà chúng ta có thể áp dụng đó là khởi kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế. Xây dựng bộ hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc ra toà trọng tài quốc tế là việc chúng ta đã có chủ trương, và đã khởi động. Nay nếu Trung Quốc không chịu rút khỏi vùng biển Việt Nam, thì chúng ta phải hoàn tất hồ sơ để sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý.
Đây là một biện pháp hoà bình, hợp pháp và hợp đạo lý để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc. Phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về Việt Nam. Công lý và lẽ phải là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam, thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
"Để đối phó với những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, dựa trên các cơ sơ pháp lý bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS, thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc và nhận thức chung của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông".
Ông Lê Văn Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông)