Ngày 19/7, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero tại eo biển Hormuz – tuyến đường biển quan trọng nối giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman. Động thái này đã làm tình hình leo thang hơn nữa trong bối cảnh mối quan hệ giữa Iran và nhiều quốc gia phương Tây vốn dĩ đã căng thẳng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái.
Giới chức Iran cáo buộc tàu Stena Impero "vi phạm các quy tắc hàng hải quốc tế". Tuy nhiên, việc này còn được cho là nhằm trả đũa vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran gần Gibraltar hồi đầu tháng 7.
Đáp trả hành động của Anh vào thời điểm đó, ngày 5/7, Thiếu tướng Mohsen Rezaee của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã "đe dọa" trên Twitter: "Nếu Anh không thả tàu thì nghĩa vụ của các nhà chức trách (Iran) là bắt giữ một tàu dầu của Anh".
Tuy nhiên, phải tới hơn 2 tuần sau, Iran mới thực hiện được tuyên bố của mình. Và đáng ngạc nhiên hơn là họ đã bắt giữ được tàu chở dầu Stena Impero bất chấp sự can thiệp của tàu chiến Anh.
Iran muốn chứng minh họ sẽ không bị uy hiếp
Trả lời phỏng vấn của Trí Thức Trẻ, ông Gil Barndollar - Giám đốc chương trình các nghiên cứu Trung Đông tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định, Iran - hay nói chính xác hơn là IRGC - đã tính toán rất kỹ lưỡng trong các hành động khiêu khích và đáp trả của mình.
Trước vụ bắt giữ tàu Stena Impero, họ từng tìm cách chặn (và có thể sẽ tiến tới bắt giữ) một tàu chở dầu khác của Anh hôm 10/7 nhưng không thành do sự can thiệp của khinh hạm Anh HMS Montrose.
"Tôi cho rằng thông qua vụ bắt giữ tàu Stena Impero, Iran muốn chứng minh họ sẽ không bị uy hiếp [bởi các thế lực phương Tây] và rằng họ đang/sẽ có khả năng làm gián đoạn hoạt động tàu thuyền ở vịnh Ba Tư.
Mặc dù hải quân Iran thua kém hơn nhiều so với hải quân Anh, chưa kể tới Mỹ, nhưng họ lại có trong tay những quân bài đáng gờm.
Tại eo biển Hormuz chật hẹp ấy, xuồng cỡ nhỏ, tàu ngầm, máy bay không người lái (UAV) và thủy lôi của Iran đều có thể trở nên nguy hiểm bất chấp những thua kém về công nghệ so với các loại tàu và vũ khí khác của phương Tây" – ông Barndollar nêu quan điểm.
Đề cập tới chiến thuật được Iran sử dụng khi bắt giữ và (được cho là) đứng sau một số vụ tấn công tàu chở dầu trong thời gian gần đây, ông Barndollar cho rằng sở dĩ Iran nhắm vào các tàu chở dầu (hoặc các tàu container) là vì những tàu này có kíp thủy thủ ít người hơn các loại tàu khác.
Bên cạnh đó, mục đích của Tehran hiện nay là gây rối, chứ không phải kích động một cuộc đáp trả quân sự.
"Như chúng ta đã thấy trong hàng thập kỷ nay, ở các vùng biển mà cướp biển lộng hành như ngoài khơi Somalia, các tàu/xuồng cỡ nhỏ tấn công theo bầy với chiến thuật thô sơ vẫn có thể dễ dàng bắt giữ các tàu thuyền thương mại" – ông Barndollar chia sẻ.
Bài toán khó cho Anh và Mỹ
Theo chuyên gia Barndollar, để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, giải pháp trước mắt là các tàu thuyền của Anh, Mỹ và các quốc gia khác cần được hộ tống khi đi qua vùng Vịnh.
Tuy nhiên, các khoản cắt giảm đối với hải quân và những quyết định mua sắm sai lầm trong nhiều thập kỷ qua đã làm suy yếu sức mạnh hải quân phương Tây, đặc biệt là tại các vùng biển cận bờ như vịnh Ba Tư.
Lần gần nhất Hải quân Hoàng gia Anh thực hiện nhiệm vụ hộ tống tại Vịnh Ba Tư là từ năm 1987, khi họ có trong tay 47 tàu khu trục và khinh hạm. Tuy nhiên, hiện nay họ chỉ còn 19 tàu.
Anh sẽ khó có thể duy trì được nhiều hơn 3 hoặc 4 tàu chiến mặt nước ở vùng Vịnh. Trong khi đó, số lượng tàu cỡ lớn treo cờ Anh đi qua vùng Vịnh một ngày "phải gấp ít nhất 5 lần con số này".
Việc đầu tư quá nhiều vào tàu sân bay đã khiến hạm đội tàu chiến cỡ nhỏ của Anh suy yếu.
Mức chi tiêu quốc phòng của Anh lớn hơn mức chi của bất cứ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU), song họ đã đánh đổi sức mạnh chiến đấu của hạm đội mặt nước để đóng hai tàu sân bay mới. Kết quả là, khoản đầu tư dành cho các tàu mặt nước cỡ nhỏ (khinh hạm) có thể làm nhiệm vụ hộ tống ngày càng bị thu hẹp.
"Anh có thể điều động tàu quét mìn, trực thăng và thậm chí máy bay không người lái để hộ tống tàu thương mại. Chúng không phải là phương tiện lý tưởng nhưng có thể mang lại một chút khả năng răn đe.
Tuy nhiên, nếu IRGC muốn liều lĩnh thì những phương tiện này sẽ không mấy linh hoạt trong cuộc đối đầu" – ông Barndollar cho hay.
Mỹ hiện tại không có khinh hạm nào. Tàu chiến cỡ nhỏ nhất của họ - LCS (tàu tác chiến cận bờ) – "đích thực là một thảm họa". Mặc dù được thiết kế chuyên cho tác chiến cận bờ, nhưng LCS vô cùng yếu ớt, chúng có tỷ lệ sống sót thấp nhất trong số các tàu của Hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình này cũng gặp nhiều vấn đề về bảo dưỡng.
"Nhiệm vụ hộ tống quan trọng ở vùng Vịnh sẽ đòi hỏi Hải quân Mỹ phải huy động những ‘chú ngựa thồ’ mạnh mẽ nhưng đã mệt nhoài vì làm việc quá sức – đó là các tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Những con tàu này cần được triển khai ra toàn cầu, đặc biệt là ở Thái Bình Dương" – Vị chuyên gia nhận định.
Trực thăng, tàu cao tốc của IRGC vây bắt tàu chở dầu Anh Stena Impero