Kể từ khi Mỹ rút khỏi bản Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), còn được biết đến là Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã chứng kiến những sụp đổ về kinh tế và tiền tệ.
Vũ khí lợi hại nhất của Iran nhằm chống lại Mỹ trong cuộc chiến này không phải là lực lượng hải quân với chủ lực là các tàu cỡ nhỏ chuyên vây chặn các tàu thương mại phi vũ trang. Trao đổi với Business Insider, một số chuyên gia cho rằng Iran không tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ nói riêng, hay quân đội Mỹ nói chung.
Thay vào đó, Iran dựa vào khả năng của mình trong việc làm tăng giá dầu toàn cầu, và khiến phương Tây cảm nhận được trạng thái căng thẳng mà nhiều người Iran phải trải qua do các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Rick Perry cho rằng vũ khí này là thứ vô dụng.
"Tôi có lo ngại về điều đó" - ông Perry nói, đề cập tới mức dao động tương đối nhỏ của giá dầu (tăng 2%) sau khi tàu chở dầu treo cờ Anh bị Iran bắt giữ hôm 19/7 – "Nhưng chúng ta đang ở trong một hình huống hoàn toàn khác biệt so với 1 thập kỷ trước đây".
"Các nhà cung cấp mới nên duy trì mức cung cấp nhiên liệu ổn định – dù đó là khí gas thô, tự nhiên hay các sản phẩm thứ cấp khác. Tôi cho rằng các vị sẽ thấy thị trường ít dao động hơn khi một sự kiện tương tự như những gì chúng ta đang chứng kiến diễn ra" – ông Perry nêu quan điểm.
"Iran sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn tác động đến thị trường hiện nay, thay vì 10 năm trước đây" – Bộ trưởng Mỹ nhận định.
Cuộc chiến tàu chở dầu
Một tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman. Ảnh: Reuters
Trong những năm 1980, Mỹ từng dấn vào một cuộc chiến tranh vì các tàu chở dầu tại eo biển Hormuz do thế giới vô cùng lệ thuộc vào tuyến đường lưu thông dầu mỏ tự do tại đó. Tuy nhiên, 30 năm sau, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp hydrocarbon lớn nhất thế giới và phần lớn nguồn cung của Mỹ đến từ vịnh Mexico, thay vì vịnh Oman.
Iran đã tuân thủ cam kết của mình đối với thỏa thuận hạt nhân cho đến gần đây, khi nước này tuyên bố làm giàu uranium nhưng vẫn đòi hỏi Mỹ và các bên khác nới lỏng các biện pháp trừng phạt như từng hứa hẹn vào năm 2015.
Theo Business Insider, không có đủ nguồn tiền như mong đợi, Iran chuyển hướng sang gây hấn, đe dọa đóng cửa tuyến đường vận chuyển bằng tàu thuyền qua eo biển Hormuz – "nút cổ chai" nằm giữa Iran và Oman, nơi 20% nguồn cung dầu của thế giới đi qua.
Đầu tiên, Iran đe dọa bằng lời nói. Sau đó, các tàu chở dầu bắt đầu bị gài mìn, và rồi bị các tàu của Iran quấy rối. Gần đây nhất, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và bắt giữ tàu chở dầu Anh cùng kíp thủy thủ.
Trong hôm qua, Anh đã kêu gọi thành lập phái bộ hàng hải do châu Âu dẫn đầu để bảo vệ tàu chở dầu đi qua tuyến đường quan trọng. Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia khác hợp tác với mình trong việc bảo vệ tàu thuyền đi qua eo biển Hormuz.
"Vài năm trước, các vị gần như có thể đánh giá được một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng như thế nào vì giá dầu" - Helima Croft, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng RBC nói với CNBC.
Hiện nay, với mức độ căng thẳng chưa từng thấy giữa Mỹ và Iran, giá dầu đã dao động lên xuống rất nhiều. Song, không giống như những năm 1970 và 1980, khi giá dầu trở thành một công cụ chính trị tiềm năng thì ngày nay, nó gần như không gây ra nhiều tác động.
Một nhóm các nhà phân tích cho biết, các cơn bão có thể gây ra tác động mạnh mẽ không kém gì Iran đối với nguồn cung ứng dầu của Mỹ.
Mặc dù tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran cho thấy sự thất bại về ngoại giao, khiến số phận kíp thủy thủ của tàu chở dầu Anh lao đao, và 17 người Iran đối diện với cái chết sau cáo buộc do thám Mỹ, nhưng giới chuyên gia nhận định, điều đó vẫn chưa thể đánh đúng vào điểm khiến Mỹ đau đớn.