Mới đây, truyền thông Ấn Độ một lần nữa gây sốt khi công bố thông tin về lý do thực sự khiến không quân nước này muốn thay tên lửa không đối không Nga trên Su-30MKI bằng vũ khí Israel.
Theo đó, họ cho rằng những quả tên lửa tầm trung - xa R-77 không đúng với những gì Nga quảng cáo là một trong những nguyên nhân khiến phi công Ấn phải lái Su-30MKI tháo chạy, không thể đánh trả F-16 Pakistan.
Tuy vậy, nhìn vào tính năng của tên lửa tầm xa của Ấn Độ và Pakistan, khả năng tác chiến của F-16 và Su-30MKI thì thật sự đây là lý giải mang tính ngụy biện, chữa thẹn cho thất bại đáng xấu hổ của Không quân Ấn Độ (IAF).
Đọc không hết catalogue, chỉ huy Ấn Độ "mất trí"?
Trước hết, nói về tính năng của R-77, phải hiểu rõ một điều là các tên lửa không đối không tầm trung mà Ấn Độ mua chính xác phải là RVV-AE. Đây là định danh phiên bản xuất khẩu của R-77 dùng trong Không quân Nga.
Theo catalogue của Tổng Công ty Rosoboronexport (Nga) thì RVV-AE được thiết kế để tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không ở cự ly tối đa đến 80km. Hoàn toàn không có chuyện nó có thể đạt tầm bắn vượt trên 80km hoặc tiệm cận 100km.
Thế mà, không hiểu sao nguồn tin IAF nói với tờ NDTV lại cho rằng "tên lửa R-77 không đúng với những gì Nga quảng cáo và không thể tấn công mục tiêu trên 80km". Đó thực sự là câu hỏi lớn với các chỉ huy IAF?
Chẳng lẽ, khi ký hợp đồng các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ hay các chỉ huy IAF bỏ qua điều quan trọng về tầm bắn của RVV-AE?
Đó là chưa kể, với mọi loại vũ khí kể cả tối tân nhất con số bắn xa nhất chỉ là cự ly bay hết tầm của đạn, còn tầm bắn hiệu quả thường thấp hơn nhiều để đảm bảo độ chính xác cao nhất. Những con số này với tên lửa thường được giấu kín, với RVV-AE có lẽ tầm hiệu quả chỉ hơn 70km.
Su-30MKI mang đầy đủ vũ khí gồm cả bom - tên lửa.
Lại một lần nữa người ta phải đặt câu hỏi với các phi công IAF, không hiểu họ có phân biệt được tầm bắn hiệu quả với tầm bắn cực đại hay không?
Tham số được công bố trước truyền thông thường chỉ là những thông tin kỹ thuật được phép tiết lộ, chỉ số chiến đấu thực tế là điều bí mật với bất kỳ lực lượng nào.
Ngay cả thông tin mà IAF cho rằng máy bay tiêm kích F-16 của Pakistan phóng tên lửa AIM-120 AMRAAM từ cự ly 100km e cũng có phần "tự suy diễn".
Theo thông cáo báo chí của Raytheon hồi năm 2006, Pakistan đã đặt mua 500 quả AIM-120C-5 AMRAAM trang bị cho các tiêm kích F-16C/D Block 50/52+ và F-16A/B Block 15 MLU.
AIM-120C-5 có tầm phóng khoảng 105km, nhưng đó chỉ là tham số bay hết tầm, tầm bắn thực tế dưới 100km, thậm chí là vào khoảng 80-90km.
Rõ ràng là có vấn đề với các phát ngôn "không chính thức" của IAF với giới truyền thông. Không loại trừ khả năng, họ đang cố gắng tìm những lý do tốt nhất để biện minh cho sự thất bại của mình trước Không quân Pakistan trong các trận không chiến hồi tháng 2/2019.
Ngay cả thông tin việc mua tên lửa Israel tích hợp cho Su-30MKI cũng đặt dấu hỏi lớn với năng lực Không quân Ấn Độ?
F-16 phóng tên lửa AIM-120.
Không chiến đâu chỉ tên lửa xa hơn là thắng!
Đổ lỗi cho việc R-77 bắn không xa bằng AIM-120, Ấn Độ nhiều lần tuyên bố họ sẽ nhắm tới việc mua tên lửa không đối không I-Derby của Israel để trang bị cho Su-30MKI.
Theo Rafale, I-Derby ER là phiên bản tăng tầm của tên lửa Derby đạt tầm phóng cực đại đến 100km với động cơ rocket nhiên liệu rắn hai tầng.
Tuy vậy, như đã đề cập phía trên, tầm bắn hiệu của của I-Derby có lẽ cũng chỉ tương đương AIM-120C-5. Lịch sử đã chứng minh rõ ràng rằng tên lửa bắn xa hơn không có nghĩa là "bách chiến bách thắng".
Để giành thắng lợi trong không chiến không thể cứ dựa vào "máy bay khỏe, tên lửa khủng" là có thể "bách chiến bách thắng". Trở lại một chút cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, khi đó chúng ta chỉ có loại MiG-17 hay hiện đại nhất là MiG-21 đối phó với nào F-8U, F-4 Phantom II mạnh hơn hẳn.
Trong khi MiG-21 của ta chỉ có tên lửa R-3S có tầm bắn khoảng 10km thì F-4 có cả loại tên lửa dẫn đường radar AIM-7 có tầm phóng lên tới 45km (phiên bản AIM-7E) mạnh hơn rất nhiều.
Nếu chỉ đọ tính năng thì MiG-21 không là đối thủ của F-4 Phantom II.
Thế nhưng, với chiến thuật tài tình của lực lượng dẫn đường cũng như khả năng của phi công, MiG-21 Việt Nam vẫn giành được thắng lợi trước F-4 - tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ.
Vậy câu trả lời cho chiến thắng trên không không phải cứ tên lửa xa là thắng, mà là tổng hợp của nhiều yếu tố từ khí tài tới con người, cách vận dụng chiến thuật chiến đấu, và cả ý chí chiến đấu... mới đạt được thành công.
Giá như, trong ngày định mệnh hôm đó, các chỉ huy, phi công Su-30MKI của IAF quyết tâm hơn, vòng lại đánh trả thì có thể họ sẽ không phải cố biện minh một cách lố bịch như ngày hôm nay.
Bởi lẽ tính năng của Su-30MKI không hề thua kém F-16C/D Block 50/52+, thậm chí nhiều tính năng về radar, tốc độ của máy bay còn vượt trội. Và điều này từng được IAF chứng minh trong hàng loạt các cuộc tập trận chung ở Mỹ và Anh.
Lỗi của ai?
Theo đó, suốt nhiều năm Không quân Ấn Độ liên tục có tuyên bố đạt được thắng lợi lớn trong các cuộc không chiến giả định giữa Su-30MKI với các nước phương Tây.
Ví dụ, trong cuộc tập trận Cope India 2014, Su-30MKI của IAF đã đánh bại hoàn toàn F-15C của Không quân Mỹ với kết quả gây "sốt" 9:1 (1 chiếc Su-30MKI hạ được 9 chiếc F-15).
Một sĩ quan Không quân Mỹ khi đó còn nói rằng: "phi công Ấn Độ đã điều khiển chiếc Su-30MKI thực hiện thao tác cơ động "Rắn hổ mang Pugachev", giảm tốc độ xuống bằng 0 trong khoảng thời gian vài giây khiến radar Mỹ bị mất dấu đối thủ, và đó là khoảng thời gian đủ để Su-30 tiêu diệt F-15".
Hay tại Cope India 2005, bản tin Inside Air Force của Mỹ sau đó đã nêu những số liệu gây kinh ngạc.
Su-30MKI, MiG-27, MiG-29 và thậm chí cả MiG-21 (bản cải tiến Bison) của IAF đã thắng lợi với tỷ số cao trước các loại máy bay chủ lực của Không quân Mỹ là F-15C/D Eagle và F-16.
Trong đó, Su-30MKI đã giành thắng lợi trong đa số các cuộc giao chiến với cả F-16 và F-15 của Không quân Mỹ.
Tháng 7/2015, trong đợt tập trận tại Anh, các tiêm kích Su-30MKI của IAF đã thực hiện các trận đánh tập kiểm tra chống các tiêm kích Eurofighter Typhoon của Không quân Anh.
Tỷ số là 12:0 nghiêng về phía các phi công Ấn Độ (12 chiếc Eurofighter Typhoon đã bị "bắn hạ" trong khi Su-30 MKI không có thiệt hại). Trong 1 tình huống không chiến, 1 chiếc Su-30MKI đã đối đầu với 2 chiếc Eurofighter Typhoon cùng một lúc, và nó đã bắn hạ cả hai chiếc.
Rõ là vũ khí khí tài không hề kém cỏi, thậm chí vượt trội hoàn toàn, thế mà không hiểu sao IAF lại cố gắng đổ lỗi cho mọi thứ mà không xem lại chính mình rằng họ thật sự biết cách khai thác khí tài chưa, chiến thuật thế nào, ý chí ra sao?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Video cận cảnh hỏa lực tiêm kích Su-30MK2 của Nga.