S-400 của Nga là hệ thống phòng thủ tên lửa "toàn diện nhất" so với các hệ thống hiện nay, công ty tình báo Stratfor của Mỹ cho biết trong một báo cáo mới. Tuy nhiên, Stratfor nhấn mạnh, hệ thống của Nga sẽ gặp phải hạn chế không nhỏ nếu phải hoạt động một mình.
Nga bắt đầu cung cấp lô hàng S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã gọi đây là "hệ thống phòng thủ mạnh nhất chống lại những kẻ muốn tấn công đất nước chúng ta".
Mỹ đã phản đối thương vụ thực hiện với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một đồng minh NATO, và được cho là đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt chống lại Ankara trong tuần này.
Trong báo cáo được công bố hôm 12/7, Stratfor cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách "lấp đầy khoảng trống quan trọng" về khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo bằng việc mua S-400.
Dưới đây là đánh giá tổng quan của Stratfor về những điểm mạnh và điểm hạn chế của S-400.
Điểm mạnh
- S-400 có các cảm biến tin h vi, phạm vi hoạt động mở rộng và khả năng tấn công các mục tiêu đa dạng, bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
- Khả năng xác định mục tiêu linh hoạt cho phép S-400 phòng thủ trước nhiều mối đe dọa và tấn công khác nhau.
- Khả năng chống tàng hình mang lại cho S-400 tiềm năng bắn hạ máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của kẻ thù. Tầm bắn xa của nó cho phép hệ thống nhắm vào các máy bay tiếp liệu hoặc máy bay cảnh báo sớm trên không.
- S-400 Nga được cho là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không chiến lược toàn diện nhất đang hoạt động hiện nay.
Hạn chế
- Nếu một tiểu đoàn S-400 hoạt động độc lập hoặc không được hỗ trợ bởi các đơn vị phòng không hiện đại khác, có khả năng nó không đủ tên lửa để chống lại trước một cuộc tấn công dữ dội của kẻ thù.
- Một tiểu đoàn S-400 có 8 bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 4 tên lửa, chỉ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp kẻ thù thực hiện một cuộc tấn công ở quy mô hạn chế. Ngoài ra, hệ thống của Nga vẫn dễ bị tấn công bằng tên lửa.
- Các cảm biến của S-400 có thể bị "mù" bởi các đặc điểm địa lý như địa hình đồi núi, khiến tên lửa hành trình bay thấp của đối phương sẽ dễ dàng vượt mặt hệ thống, vốn chỉ khắc chế tốt các các mục tiêu bay cao.
- Cuối cùng, một hệ thống S-400 bị cô lập thậm chí có thể bị phá hủy ngay cả khi chưa tiêu diệt được máy bay địch nào.
S-400 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu tàng hình.
Các chuyên gia nói gì?
Bình luận về báo cáo của Stratfor, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin thừa nhận S-400 vẫn còn các hạn chế nhưng bác bỏ quan điểm về việc hệ thống này dễ bắn trượt mục tiêu, cho rằng nhận định như vậy là "nghiệp dư".
"Nó không thể tấn công tàu ngầm hoặc xe tăng vì đơn giản nó không có khả năng đó. Bạn phải hiểu rằng S-400 không đơn độc trong lúc hoạt động, nó luôn đi cùng với các hệ thống phòng không khác", chuyên gia Litovkin nói với tờ Moscow Times.
Konstantin Sokolov, chuyên gia địa chính trị tại Viện Khoa học Tự nhiên Nga cho rằng, việc chuyển giao hệ thống tên lửa đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ-NATO.
"Thương vụ là sự hợp tác lâu dài và là chính sách dài hạn, một thời điểm quan trọng khi nó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã xoay trục về phía Nga", chuyên gia Sokolov nói với tờ Moscow Times.
"Là một cựu sĩ quan phòng không, tôi có thể xác nhận rằng S-400 là hệ thống tuyệt vời cả trong điều kiện chiến đấu và huấn luyện", ông nhấn mạnh.