Sai lầm của Tổng thống Erdogan?
Hôm 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga, một hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được thiết kế để bắn hạ các máy bay NATO.
Viết trên Haaretz, Tiến sĩ Simon A. Waldman từ trường King's College London (Anh) cho rằng thương vụ là một sai lầm chiến lược, mà có lẽ là sai lầm tồi tệ nhất của Ankara kể từ sự kiện xâm chiếm đảo Síp năm 1974.
Ở thời điểm đó, Ankara phải đối mặt với sự lên án của quốc tế, lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ và sự suy giảm mạnh mẽ trong quan hệ với phương Tây, nhất là từ Liên minh châu Âu.
Mặc dù đã nhận cảnh báo nhiều lần rằng việc mua S-400 có thể sẽ dẫn đến sự giảm cấp quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Điều này đã đặt ra câu hỏi tại sao?
Đã có lời giải thích cho rằng, đó là sự mất niềm tin của Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ, đặc biệt là kể từ khi Washington ủng hộ người Kurd ở Syria. Ankara cũng tức giận vì giáo sĩ Fetullah Gulen – người bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính năm 2016 - vẫn chưa phải đối mặt với một quyết định dẫn độ từ phía Mỹ.
Cũng có những lập luận về cái gọi là lòng tự tôn của Ankara đối với Washington và thương vụ S-400 là một cách khẳng định quyền tự chủ của nước này.
Theo Tiến sĩ Waldman, giới quan sát coi vấn đề S400 là sự thể hiện quyền mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ từ bất cứ ai mà họ lựa chọn.
Thêm vào đó là khuynh hướng của Thổ Nhĩ Kỳ - đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recip Tayyip Erdogan - đó là mong muốn nhìn thấy đất nước mình độc lập với quỹ đạo của cả Mỹ và Nga, đồng thời hướng tới vị thế là quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo.
Trước đó, các thuyết âm mưu ở Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc rằng chính Mỹ là quốc gia đứng sau cuộc đảo chính năm 2016. Khi đó, những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất, được chỉ huy bởi lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom tòa nhà Quốc hội trong đêm đảo chính.
Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần các vũ khí không phải của NATO để Chính phủ có thể tự bảo vệ mình trước rủi ro các cuộc lật đổ quyền lực khác trong tương lai.
Nếu lập luận này thực sự đại diện cho suy nghĩ của Ankara, thì nó sẽ nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi kẻ thù trong nước là mối đe dọa lớn, thậm chí là lớn hơn cả kẻ thù bên ngoài.
Đây là một dấu hiệu và là triệu chứng của một quốc gia "yếu" – gần như không phải là quốc gia mà các đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ nên xem là đối tác chiến lược hiệu quả, Tiến sĩ Waldman nêu quan điểm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan hệ sâu sắc hơn với Nga kể từ sau sự cố bắn hạ máy bay ở Syria năm 2015.
Lãng phí 2,5 tỷ USD?
Tổng thống Erdogan có lẽ nghĩ rằng ông đã giành được những nhượng bộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cùng ông có những tuyên bố hòa dịu trong cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tháng trước. Tuy nhiên, ông Erdogan có thể đang sai lầm.
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nhận được lô hàng S400 đầu tiên, Washington có nghĩa vụ phải thực hiện ít nhất một số biện pháp trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.
Chúng có thể bao gồm việc ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ nhận các khoản vay từ các tổ chức tài chính của Mỹ hoặc quốc tế, từ chối thị thực và giấy phép xuất khẩu, từ chối mua tài sản và thậm chí cấm giao dịch ngân hàng thông qua các tổ chức tài chính Mỹ.
Và tất cả những điều này sẽ xảy ra trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Về mặt quân sự, S-400 đại diện cho sự lãng phí 2,5 tỷ USD. Mặc dù S-400 là vũ khí rất tinh vi - chúng có thể bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình - nhưng chúng không thể tạo thành một mạng lưới phòng thủ tích hợp, Tiến sĩ Waldman nhấn mạnh.
Để làm được mạng lưới như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần có thêm những hệ thống SA-17 tầm trung (BUK) của Nga và các hệ thống SA-24 tầm ngắn. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại chỉ có Rapiers của Anh, MIM-23 của Mỹ, PMADS chế tạo trong nước và các hệ thống radar chủ yếu là của Mỹ, Anh hoặc Pháp.
Có vẻ như S-400 sẽ được đặt tại Ankara. Lợi ích duy nhất của việc triển khai này là trong trường hợp có một cuộc đảo chính khác, khi F16 triển khai ném bom Ankara, S-400 có thể bắn hạ mục tiêu.
Trong trường hợp đặt ở phía đông nam chống lại các vị trí của PKK, lựa chọn này được đánh giá là vô nghĩa, khi PKK không sở hữu các loại vũ khí cần thiết để S-400 cần phải áp chế. Ngoài ra, vị trí này cũng sẽ đặt hệ thống của Nga gần với các căn cứ của NATO, có nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm của vũ khí NATO cho Nga.
Mặc dù không có cơ chế để trục xuất một thành viên NATO, nhưng việc nhận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là sự vi phạm niềm tin và khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập trong các cấu trúc quân sự và dân sự khác nhau của NATO.
Các thành viên NATO sẽ suy nghĩ lại về việc sử dụng các căn cứ và cơ sở hạ tầng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và tìm kiếm các thỏa thuận thay thế ở các quốc gia lân cận như Hy Lạp, Síp và Jordan.
Với căng thẳng liên tục giữa Thổ Nhĩ Kỳ và thành viên EU là Síp và thành viên NATO là Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được coi là một nhân vật phản diện chứ không phải là đồng minh.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga đã ném mối quan hệ chiến lược của nước này với Mỹ và NATO vào một vực thẳm đen tối mà không có chút ánh sáng hy vọng nào trong tầm nhìn, Tiến sĩ Waldman kết luận.