Tuy nhiên, kế hoạch tăng tạm thời số tàu chiến Anh trong khu vực, từ một chiếc lên hai chiếc, đã làm nổi rõ số lượng tàu chiến ít ỏi mà Hải quân Anh có thể triển khai trong tình huống khẩn cấp.
Theo hãng tin BBC, các tàu Iran đã tìm cách "cản trở" tàu chở dầu của Anh gần eo biển Hormuz. Tàu HMS Montrose - khinh hạm Type 23 - "đã buộc phải di chuyển ở giữa 3 chiếc tàu Iran và tàu chở dầu".
Chính phủ Anh cáo buộc các tàu tấn công này thuộc sở hữu của Vệ binh Cách mạng Quốc gia Iran (IRGC). Lực lượng này cũng được cho là thế lực đứng sau các vụ tấn công gần đây nhằm vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh và các vùng biển xung quanh.
Khinh hạm HMS Montrose (Type 23).
Căng thẳng đã gia tăng tại Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2015 (được đặt ra nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran). Sau khi ông Trump khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế, Tehran đã tích trữ trở lại uranium.
Sự việc xảy ra với tàu chở dầu vào tháng 7/2019 đã buộc Hải quân Hoàng gia Anh phải đẩy nhanh trước vài tuần đợt triển khai (đã lên kế hoạch trước đó) của tàu khu trục HMS Duncan (Type 45) tới vùng Vịnh. Tàu Montrose và tàu Ducan sẽ cùng nhau tuần tra vịnh Ba Tư trước khi tàu Montrose quay trở về Anh để bảo dưỡng.
Tàu Duncan đã di chuyển về phía nam thông qua eo biển Bosphorus hôm 13/7/2019. Chiếc tàu khu trục này đã tới Biển Đen để tham gia cuộc tập trận NATO.
Theo kế hoạch trước đó, tàu Montrose sẽ rời vùng Vịnh trước khi tàu Duncan đến. Tuy nhiên, đợt triển khai được đẩy nhanh lần này "sẽ cho phép Hải quân Anh duy trì sự hiện diện liên tục tại eo biển Hormuz" - Người phát ngôn Bộ quốc phòng Anh nói với tạp chí Jane's.
Tàu khu trục HMS Duncan (Type 45)
Hải quân Hoàng gia Anh có lẽ chỉ có thể duy trì 2 tàu chiến cỡ lớn tại vùng Vịnh trong vài tuần. Sau nhiều thập kỷ cắt giảm ngân sách quốc phòng, Hải quân Anh chỉ có 19 tàu khu trục và khinh hạm, và chỉ một vài chiếc trong số chúng có thể được triển khai tại bất cứ thời điểm nào.
Chiến lược quốc phòng mới của London, công bố vào tháng 12/2018, hứa hẹn có thể duy trì hạm đội Hải quân Anh, nhưng không mở rộng đáng kể quy mô.
Các khoản cắt giảm định kỳ từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 đã khiến quy mô quân đội Anh co lại chỉ còn một nửa. Đợt cắt giảm gần đây nhất, vào năm 2010, đã loại bỏ của Hải quân Hoàng gia Anh 2 tàu sân bay, 2 tàu đổ bộ, 4 khinh hạm, cùng các máy bay tuần tra hàng hải và tiêm kích hạm Harrier. Quân số chính quy cũng giảm 30.000 người.
Cuối năm 2017, có đồn đoán rằng Anh có thể đang tìm cách bù đắp lại chi phí tách ra khỏi liên minh châu Âu (EU) bằng cách cắt giảm quân đội. Các tàu đổ bộ có vẻ bị cắt giảm nhiều nhất.
May mắn cho các lực lượng Anh là ngân sách của họ đang ổn định ở mức 55 tỷ USD mỗi năm.
Trong năm 2017 và 2018, chính phủ Anh đã cấp cho quân đội nước này thêm 2 tỷ USD ngoài mức chi tiêu đã được lên kế hoạch, đủ để triển khai 196.000 lính hải/lục/không quân thường trực và các nhân viên dân sự.
Một phần số tiền bổ sung này được trích từ ngân sách dự trữ (có tổng giá trị 13 tỷ USD) để mua 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Dreadnought mà Hải quân Anh đang phát triển với tổng chi phí lên tới 39 tỷ USD (gần tương đương với mức chi tiêu của quân đội Anh trong 1 năm).
Trông đợi vào khoản chi tiêu quốc phòng đã được tăng cao hơn, các quan chức Anh có kế hoạch đóng và duy trì một hạm đội gồm 2 tàu sân bay lớp Queen Elizabeth, 6 tàu khu trục Type 45, 8 khinh hạm Type 26, 5 khinh hạm chi phí thấp Type 31, 7 tàu ngầm tấn công lớp Astute, 24 tàu tuần tra, 12 tàu quét mìn, 5 tàu tấn công đổ bộ và 9 tàu hậu cần, cùng với 6 phi đoàn trực thăng và 48 tiêm kích tàng hình F-35.
Tuy nhiên, kế hoạch này phần lớn vẫn nằm trên giấy.
Mark Sedwill, cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Anh, hồi tháng 5/2018 tiết lộ rằng Hải quân Anh dường như sẽ không có đủ tàu chiến để hộ tống 2 tàu sân bay mới và sẽ phải phụ thuộc vào các lực lượng hải quân đồng minh để bảo vệ chúng nếu xảy ra chiến tranh.