Điện Kremlin đang nỗ lực hiện đại hóa tất cả các quân chủng của quân đội Nga nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này lại gặp phải nhiều khó khăn do số lượng đơn đặt hàng giảm, không thu hút được nhân lực tay nghề cao và gặp nhiều hạn chế trong năng lực công nghệ.
Các số liệu gần đây cho thấy, hiệu quả của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga đang suy giảm mạnh.
Chẳng hạn, trong năm 2018, các hãng sản xuất máy bay và tàu vũ trụ có sản lượng thấp hơn 13,5% so với năm 2017. Hiện tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2019: Hai tháng đầu năm nay, sản lượng của ngành hàng không vũ trụ đã giảm 48% so với năm ngoái.
Mức độ sụt giảm trong sản lượng quốc phòng đang làm dấy lên lo ngại về sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói chung, trong khi đây là một ngành đóng vai trò rất quan trọng nếu Nga muốn duy trì vị thế cường quốc quân sự lâu dài.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov quy kết sự sụt giảm sản lượng này cho việc đặt hàng chậm các hệ thống quân sự nhưng các dự đoán cho thấy đây không phải là tình trạng dạo động trong ngắn hạn mà sẽ có xu hướng tồi tệ hơn nữa trong tương lai.
Giá dầu giảm, ngân sách quốc phòng bị thắt chặt – tất cả đều xảy ra vào thời điểm các nhà sản xuất vũ khí Nga đang mất đi lợi thế cạnh tranh của họ trên thị trường vũ khí thế giới. Cùng với nhau, những nhân tố này đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga khó thoát khỏi đống hỗn loạn.
Ngân sách đói kém
Trên thực tế, chỉ một số ít các hệ thống vũ khí đắt đỏ của Nga – như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và tiêm kích thế hệ năm Su-57 – là tìm được khách hàng.
Nga ưu tiên một số loại khí tài, như tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat do mối liên quan chiến lược giữa chúng với vị thế quân sự toàn diện của Nga, tuy nhiên, Moscow không phát triển được trọn vẹn các chương trình khác hoặc chỉ triển khai chúng trên quy mô hạn chế.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga. Ảnh: Getty
Theo công ty tư vấn Stratfor, dưới áp lực từ nguồn ngân sách hạn chế của chính phủ, Điện Kremlin thậm chí đã bắt đầu cắt giảm ngân sách quốc phòng vào năm 2017 – đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, bất chấp nỗ lực hiện đại hóa, các thách thức tài chính của Nga đang tạo ra gánh nặng cho mục tiêu của họ.
Về mặt kinh tế, giá dầu lao dốc vào cuối năm 2014 đã tước đi nguồn thu thiết yếu của Nga, buộc nước này phải dùng tới nguồn tiền dự trữ để bù đắp. Hơn 4 năm đã trôi qua, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga đang tăng trở lại nhưng nước này vẫn phải tiếp tục đối mặt với hậu quả của những năm đói kém.
Bên cạnh đó, nguồn thu không đáng kể từ các loại thuế đã buộc Nga phải tăng thuế và độ tuổi nghỉ hưu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động can thiệp của Nga vào Ukraine cũng khiến nguồn ngân sách dành cho các nhà hoạch định kế hoạch quân sự Nga trở nên eo hẹp hơn nữa.
Tuy nhiên, vấn đề của Kremlin không dừng lại ở đó. Trong quá khứ, Nga từng hưởng lợi khi giữ vị thế nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu lớn, từ đó thúc đẩy kế hoạch phát triển quân đội. Chẳng hạn, trong những năm 1990, các thương vụ vũ khí đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga khi nước này gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế.
Mặc dù Nga vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) nhưng giá trị xuất khẩu thực sự của Moscow đã giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2014-2018, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga giảm tới 17%.
Một lần nữa, những hạn chế về ngân sách là lý do dẫn đến tình trạng này: Trước đây, Nga thường sử dụng các đơn hàng xuất khẩu vũ khí như một công cụ chính trị, chào bán các loại vũ khí của họ với mức giá ưu đãi, mặc dù không hoàn toàn miễn phí.
Song, khi Nga không còn có thể mang đến cho khách hàng các thỏa thuận hời về máy bay chiến đấu hay những sản phẩm quốc phòng khác, thì họ dần mất đi các mối làm ăn.
Trong những năm sắp tới, ngành công nghiệp quốc phòng Nga còn đối mặt với vấn đề to lớn hơn, đó là giảm khả năng cạnh tranh.
Trong một thời gian dài, Nga đã “thống trị” thị trường toàn cầu khi chào bán các loại thiết bị quân sự giá cả phải chăng mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào liên quan đến quyền con người.
Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc, cũng như một số các nhà cung cấp nhỏ khác trên thế giới trỗi dậy, Nga đã gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh giành hợp đồng.
Tìm kiếm giải pháp
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Nga đang cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm cho ngành công nghiệp quốc phòng và cải thiện toàn diện hiệu suất công nghiệp.
Moscow đang tìm cách khai thác thị trường dân sự, tương tự như cách các công ty phương Tây (Boeing hoặc Airbus) áp dụng.
Bằng cách chế tạo các sản phẩm phi quân sự cho các thị trường nội địa và dân sự nước ngoài, các hãng sản xuất quốc phòng của Nga có thể chống chọi được trước khó khăn, ngay cả khi các sản phẩm quân sự của họ thu về ít lợi nhuận hơn.
Thật không may cho Nga, theo Stratfor, cơ hội để “canh bạc” này thành công tương đối thấp, ngay cả đối với thị trường trong nước. Mặc dù Moscow đã thúc đẩy chương trình thay thế xuất khẩu để ứng phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhưng các công ty của Nga hiện vẫn có xu hướng ưu tiên phụ tùng nước ngoài, thay vì trong nước.
Trong năm 2018, 38% công ty công nghiệp Nga mua thiết bị từ nước ngoài, trong khi 2 năm trước đó, mức này chỉ là 6%.
Nếu các hãng sản xuất vũ khí Nga không thể tìm kiếm được đơn hàng trong nước thì họ khó có khả năng tìm được một thị trường dân sự khả quan hơn cho sản phẩm của mình.
Với tư cách là một cường quốc, Nga có rất nhiều tham vọng cao trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Thế nhưng, hạn chế về ngân sách, mức độ cạnh tranh cao hơn và một vài vấn đề khác đã khiến nhiều dự án không thể thực hiện được.
Trong những năm tới, ngành công nghiệp quốc phòng Nga có lẽ vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn.
Dây chuyền lắp ráp tiêm kích Su-34 của Nga