Trung Quốc được cho sẽ gặp phải "rủi ro lớn" khi ký kết thỏa thuận 25 năm với Iran. (Ảnh: AP)
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương có thời hạn 25 năm. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc và Iran, đồng thời cho thấy Bắc Kinh muốn thúc đẩy tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Việc ký kết thỏa thuận giữa hai nước được thực hiện khi mà cả Trung Quốc và Iran đều đang phải hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Ông Vương là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức tới Iran, kể từ sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2016.
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Iran không công bố chi tiết nội dung trong thỏa thuận. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc và Iran chỉ đưa tin thỏa thuận bao gồm hoạt động hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế và vận tải.
Hôm 29/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh thỏa thuận không bao gồm các bản hợp đồng hay mục tiêu cụ thể, cũng như không nhằm vào bên thứ ba.
Song theo tờ New York Times, Trung Quốc đã đồng thuận đầu tư 400 tỉ USD cho Iran trong vòng 25 năm để đổi lại có được nguồn cung nhiên liệu ổn định phục vụ quá trình phát triển kinh tế của Bắc Kinh.
Ông Sun Degang, chuyên gia nghiên cứu khu vực Trung Đông tại Đại học Phúc Đán, cho rằng có thể Trung Quốc còn muốn ký kết các thỏa thuận tương tự với những quốc gia khác ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập. Điều đáng nói là trong số những quốc gia này có cả những nước đang bất đồng sâu sắc với Iran hoặc Israel.
“Kế hoạch hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Iran là lựa chọn chiến lược xuất phát từ viễn cảnh thế giới, khi mà Mỹ và phương Tây đang có hành động gây bất ổn cho trật tự quốc tế”, ông Sun chia sẻ với ThePaper.cn.
Nhưng các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nhận định, việc ký kết thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran sẽ mang tới “những rủi ro lớn” và đặt ra thách thức cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nguyên nhân là do Iran đang là một trong những nước chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và triển vọng kinh tế thì bất ổn.
“Iran hy vọng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc ở cả lĩnh vực chính trị và kinh tế. Đây là thách thức đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc, và có thể làm xáo trộn nền tảng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, một chuyên gia giấu tên làm việc tại viện nghiên cứu cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách ở Trung Đông cho hay.
“Liệu có đáng để Trung Quốc trói mình với một quốc gia đang bị trừng phạt và cô lập”, chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, hãng tin Fars đưa tin thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Iran có thể được xem là một chương trình gồm yếu tố chính trị, chiến lược, kinh tế và văn hóa nhằm hướng tới mối quan hệ toàn diện trong thời gian dài với những điều khoản đầu tư và tài chính, cũng như sự hỗ trợ hai bên tại các diễn đàn quốc tế.
“Lĩnh vực quân sự và quốc phòng như huấn luyện, chuyển giao các công nghệ quốc phòng, chống khủng bố và tập trận chung cũng đã được hai quan chức đưa ra thảo luận. Một trong những điểm nhấn là hiệp ước thương mại sử dụng đồng nội tệ của hai nước”, Fars cho hay.
Thậm chí, Fars còn nhiều lần nhắc tới Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cũng như nhận định Iran có lợi khi chủ động tham gia kế hoạch này.
Song theo chuyên gia Trung Quốc giấu tên, một số nội dung trong thỏa thuận khó có thể đạt được như thỏa thuận dầu mỏ trị giá 400 tỉ USD.
“Trung Quốc có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng để đối lấy nguồn dầu mỏ xuất khẩu của Iran. Song hiện tại, môi trường kinh tế và thương mại của Iran không được tốt do đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt”, ông này cho biết.
Theo một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông sinh sống ở Thượng Hải, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Iran có thể khiến các nước Trung Đông quan ngại trước khả năng Bắc Kinh có xu hướng tập trung thắt chặt quan hệ với Tehran.
Cụ thể, Ả Rập Xê-út, một trong những quốc gia bất đồng sâu sắc với Iran, sẽ theo dõi sát sao việc Trung Quốc mua bao nhiêu thùng dầu của Iran.
Cũng theo ông này, Bắc Kinh cần trấn an các quốc gia khác ở Trung Đông rằng Iran không phải là mục tiêu được quan tâm duy nhất ở khu vực.
“Trung Quốc không chọn đứng về bên nào ở Trung Đông và chính sách phi liên kết vẫn không thay đổi. Chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị tới Trung Đông nhằm thể hiện Trung Quốc có thái độ chủ động hơn ở Trung Đông và sẽ tăng cường mở rộng sức mạnh ngoại giao, cũng như các nguồn lực ở khu vực”, chuyên gia cho hay.
Trong chuyến công tác tới Trung Đông, ngoài Iran, ông Vương cũng đã tới thăm Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Oman. Ông Vương cũng đã đề xuất sáng kiến gồm 5 điểm để đảm bảo nền hòa bình và ổn định ở Trung Đông.