Trừ lí do sức khỏe, nếu mẹ bầu có ý định chọn sinh mổ thì nên biết những nguy hiểm này

Thu Phương |

Mặc dù mổ lấy thai là 1 phương pháp giúp mẹ bầu sinh em bé nhưng vẫn có thể gặp biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật.

Khi phụ nữ gặp vấn đề với việc sinh tự nhiên qua đường âm đạo thì sinh mổ bắt con là lựa chọn tối ưu nhất cho mẹ và bé. Mặc dù mổ lấy thai là 1 phương pháp giúp mẹ bầu sinh em bé nhưng vẫn có thể gặp biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật.

Theo số liệu thống kê tại Mỹ, số ca sinh mổ chiếm khoảng 32% và xu hướng này đang gia tăng qua các năm. Năm 2005, cứ 4 trẻ ra đời thì có 1 trẻ được sinh bằng phương pháp sinh mổ. Nhưng đến năm 2015, con số này còn 3 trẻ thì có 1 trẻ được sinh mổ.

Ngoại trừ lí do vì sức khỏe nếu người mẹ sinh thường qua đường âm đạo có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé như mẹ bị tiểu đường, ngôi thai ngược, dây rốn quấn cổ nhiều vòng, mẹ mắc 1 số bệnh không thể sinh thường… thì còn lí do như chọn ngày đẹp để sinh, cảm giác sợ đau nếu sinh thường hay đơn giản là không thích sinh thường vì sợ làm xấu "chỗ ấy".

Nhiều phụ nữ và người thân trong gia đình chưa nhận thức hết được những nguy cơ và tai biến của việc sinh mổ. Phương pháp này có thể để lại nhiều biến chứng cho mẹ và em bé như nguy cơ tử vong ở người mẹ cao hơn, biến chứng với những lần mang thai tiếp theo, ảnh hưởng đến khả năng thở của bé sau khi sinh…

Ngoài ra trong quá trình phẫu thuật cũng có thể xảy ra các tai biến sản khoa nguy hiểm khác.

Trừ lí do sức khỏe, nếu mẹ bầu có ý định chọn sinh mổ thì nên biết những nguy hiểm này - Ảnh 1.

Sinh thường hay sinh mổ là nỗi băn khoăn của không ít bà mẹ

Để cụ thể hóa rõ hơn, sau đây là những tác hại khi lựa chọn phương pháp sinh mổ người mẹ cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi có quyết định cho riêng mình.

1. Sinh mổ chính là cuộc đại phẫu với thời gian hồi phục lâu hơn sinh thường

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế, sinh mổ chính là cuộc đại phẫu bằng đường rạch phẫu thuật ở bụng và tử cung của người mẹ. Đó là lý do tại sao người mẹ được gây tê tủy sống hoặc đặt nội khí quản để giúp làm tê liệt cơn đau khi bác sĩ thực hiện vết rạch ở bụng.

Vết rạch thường dài 10 đến 20 cm và nằm ngang, ngay sát trên vùng bikini. Trong 12 giờ đầu sau sinh, người mẹ sẽ được đặt ống thông tiểu. Vết mổ sẽ được băng lại trong ít nhất 24 giờ, người mẹ cần nằm nghỉ và ngồi dậy tập đi lại để hồi phục sức khỏe sau khi mổ. Thời gian hồi phục sau khi sinh mổ thường lâu hơn so với sinh thường.

2. Tỷ lệ tử vong ở người mẹ sinh mổ cao gấp 5 lần

Bằng con số thực tế tại Mỹ đó là số ca sinh mổ đang ngày càng gia tăng, kèm theo đó là những con số tử vong đáng báo động. Cụ thể năm 2000, cứ mỗi 100,000 ca sinh mổ thì có 19 trường hợp mẹ tử vong, đến năm 2014, con số này tăng lên 24 trường hợp.

Theo số liệu từ tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong ở người mẹ khi sinh mổ cao gấp 5 lần so với sinh thường. Nguyên nhân là do biến chứng nhiễm trùng và băng huyết khi thực hiện phẫu thuật.

Trừ lí do sức khỏe, nếu mẹ bầu có ý định chọn sinh mổ thì nên biết những nguy hiểm này - Ảnh 2.

Sinh mổ chính là cuộc đại phẫu với người mẹ, thời gian hồi phục lâu hơn

3. Sinh mổ có thể cản trở quá trình mang thai tiếp theo của người mẹ

Sau khi sinh mổ và chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo, người mẹ có thể sẽ gặp phải 1 số biến chứng thai kì như vỡ tử cung, rau (nhau) tiền đạo…

4. Thời gian hồi phục sau sinh mổ lâu hơn

Sau khi sinh mổ, mẹ và bé cần lưu lại bệnh viện lâu hơn (thường từ 3-5 ngày) để vết mổ hồi phục và có sự cấp cứu kịp thời nếu có biến chứng nào xảy ra. Người mẹ cũng cần phải lưu ý để không làm vết mổ bị nhiễm trùng.

Trong quá trình hồi phục, người mẹ có thể thấy đau vết mổ và cần dùng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol hoặc mạnh hơn như ibuprofen và co-codamol.

5. Bác sĩ sẽ không đồng ý với sự lựa chọn sinh mổ nếu mẹ và bé không có gì bất thường

Theo ý kiến từ ban lãnh đạo trường Cao đẳng Sản - Phụ khoa Hoa Kỳ, ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu được sinh mổ thì bác sĩ có thể từ chối phẫu thuật, nếu phương pháp này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và lợi ích sau này của mẹ và bé hơn là sinh thường.

Bác sĩ cũng sẽ có nghĩa vụ thông báo đầy đủ về các thủ tục, tai biến sản khoa cho bệnh nhân để người mẹ có thể cân nhắc kĩ trước khi quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để giải tỏa những lo lắng bạn đang gặp phải và có quyết định đúng đắn khi lựa chọn sinh mổ hay sinh thường.

6. Trường hợp sinh đôi trở lên có thể phải sinh mổ

Tại Anh, hầu như tất cả các trường hợp sinh ba và quá nửa số ca sinh đôi là sinh mổ. Điều đó nói lên rằng nếu bạn đang mang đa thai thì rất có thể sinh mổ là phương án tối ưu nhất.

Người mẹ mang đa thai có thể sinh sớm hơn dự kiến và gặp nhiều vấn đề hơn trong quá trình sinh con so với thai đơn.

7. Em bé sinh mổ có thể gặp vấn đề về hô hấp sau khi sinh

Sinh mổ là một trải nghiệm rất khác cho trẻ sơ sinh cũng như đối với người mẹ. Do tốc độ sinh ra của bé khá nhanh, bé không phải trải qua thử thách ở đường sinh âm đạo chật hẹp nên dễ gặp các vấn đề về hô hấp.

Chính vì vậy các bác sĩ Nhi khoa thường túc trực cùng kíp mổ để hỗ trợ em bé sau khi chào đời nếu bé gặp vấn đề cần can thiệp.

8. Em bé có thể buồn ngủ do tác dụng của thuốc gây mê

Người mẹ sau khi được tiêm thuốc gây mê, gây tê, tùy thuộc tình hình có thể một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Và 1 số trường hợp, em bé sẽ bị ảnh hưởng và buồn ngủ. Tác dụng của thuốc có thể kéo dài 6-12 tiếng sau khi sinh.

9. Một số trường hợp đặc biệt được chỉ định sinh mổ

Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ bắt con để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé:

- Thai to: Điều này có thể khiến việc sinh thường gặp khó khăn, bé có thể bị ngạt. Sinh mổ là lựa chọn an toàn và khả thi hơn.

- Thai ngôi mông: Những em bé khi đến ngày sinh mà vẫn chưa quay đầu, thai ngôi mông cũng sẽ được bác sĩ chỉ định sinh mổ.

- Em bé có nhịp tim bất thường.

- Bất kỳ dấu hiệu nào khác cho thấy em bé đang gặp vấn đề cần sinh mổ: Dây rốn chèn ép gây nguy hiểm cho em bé, các vấn đề với nhau thai.

- Mẹ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm virus như bệnh mụn rộp (herpes), virus HIV có thể lây nhiễm cho bé trong quá trình sinh thường và cần chuyển sang sinh mổ.

- Các vấn đề về sức khoẻ của người mẹ như huyết áp cao hoặc bệnh tiểu đường. Những bệnh này có thể làm cho việc sinh thường có thể gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến tính mạng của em bé.

- Các trường hợp mang đa thai như sinh đôi, sinh ba…cũng cần can thiệp bằng phương pháp sinh mổ.

- Cổ tử cung ngừng giãn nở hoặc em bé không di chuyển xuống ống sinh, công tác cố gắng gây co thắt để tạo chuyển động không hiệu quả.

Trừ lí do sức khỏe, nếu mẹ bầu có ý định chọn sinh mổ thì nên biết những nguy hiểm này - Ảnh 3.

Nếu tình trạng sức khoẻ của người mẹ không cho phép thì rất có thể lần sinh tiếp theo bạn cũng phải tiếp tục sinh mổ

10. Đã từng sinh mổ không có nghĩa là bạn không thể sinh thường ở lần sau

Trái ngược với những lời đồn đại, phụ nữ đã trải qua 1 lần sinh mổ thì những lần sau không nhất thiết phải mổ tiếp. Điều này còn phụ thuộc vào lý do ở lần sinh mổ trước đó là gì mới có thể quyết định cho lần sinh tiếp theo.

Nếu tình trạng sức khoẻ của người mẹ không cho phép thì rất có thể lần sinh tiếp theo bạn cũng phải tiếp tục sinh mổ. Tuy nhiên, có những phụ nữ vẫn có thể sinh thường một cách an toàn.

Quyết định về việc liệu bạn có sinh thường được hay không sẽ dựa trên:

- Số lần sinh mổ trước đó.

- Loại vết rạch mổ trước.

- Các điều kiện y tế, sức khoẻ của người mẹ.

Theo tiến sĩ Christopher Chong, bác sĩ, chuyên gia Sản - Phụ khoa, bệnh viện Gleneagles-Singapore, nếu không có vấn đề gì và sức khỏe tốt, sản phụ vẫn có thể sinh thường qua đường âm đạo.

Tuy nhiên, với mẹ trải qua 2 lần phẫu thuật thì lần mang thai và sinh con thứ 3 sẽ vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân là do vết sẹo mổ cũ mỏng và đàn hồi kém hơn, lâu lành hơn qua 2 lần, việc có thêm làn thứ 3 có thể gây ra nhiều rủi ro.

*Theo Curejoy/Parents

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại