Các nhà sản xuất vũ khí Nga "thưa thớt" trong Top 100 của IISS?
Mới đây, báo cáo kiểm toán các nhà sản xuất vũ khí toàn cầu do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) thực hiện được đăng tải trên Defense News cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Nga đang trải qua thời kỳ không "dễ thở".
Vào năm 2018, sau khi IISS bắt đầu đưa các doanh nghiệp Trung Quốc vào bảng đánh giá, Almaz-Antey, "người lính xung kích" của ngành CNQP Nga "tụt dốc" từ vị trí thứ 8 xuống thứ 17 trong bảng xếp hạng Top 100 Defense News.
Trong năm 2019, Almaz-Antey cũng mất đi 5% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần Tên lửa Chiến thuật (KTRV) từng ở vị trí 33 nay đã vị trí thứ 35 đồng thời doanh thu của KTRV giảm 3%.
Không còn bất kỳ sự hiện diện nào của các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu khác của Nga ngoài 2 doanh nghiệp nói trên trong Top 100 của Defense News.
Như vậy là các chuyên gia IISS đã "gạch tên" Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (OAK), Công ty cổ phần trực thăng Nga, Công ty cơ khí Uralvagonzavod - "lò rèn" xe tăng T-90, T-72B3 và Công ty công nghệ vô tuyến điện (KRET) trực thuộc tập đoàn Rostec khỏi danh sách.
Công ty cơ khí Uralvagonzavod, nhà sản xuất xe tăng T-90 và nâng cấp xe tăng T-72B3 không nằm trong bảng xếp hạng Top 100 của Defense News.
Tương lai của ngành CNQP Nga được IISS đánh giá là "phức tạp". Kiểm toán viên Fenella Macgerthy cho rằng các chỉ số của các nhà sản xuất hàng đầu của Nga đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp - một nguyên nhân khiến Moscow phải thắt chặt chi tiêu cho quân sự.
Các chuyên gia của IISS cho rằng Moscow nhiều khả năng sẽ giảm ngân sách dành cho CNQP từ 225 tỷ đến 323 tỷ rúp, tương đương từ 3 đến 5 tỷ USD.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19, mà có thể khiến cho GDP của Nga trong năm 2020 giảm 6,6%. Tuy nhiên, so với Mỹ, đó là điều "đáng mơ ước" khi GDP của Mỹ dự kiến sẽ giảm 12%, mặc dù chưa chắc điều này đã tác động tiêu cực lên việc sản xuất vũ khí.
Bộ Tài chính Nga đã đề xuất cắt giảm 5% khoản chi ngân sách cho chương trình vũ khí quốc gia trong vòng 3 năm.
Được biết rằng 4% GDP chi cho quân đội, bao gồm cả mua sắm vũ khí, là một gánh nặng thậm chí đối với các quốc gia phát triển. Ở châu Âu người ta cho rằng thậm chí nền kinh tế có thể gặp khó khăn với khoản chi 2% GDP cho quốc phòng.
Tại Nga, ngân sách quốc phòng trong năm 2019 đã đạt tới con số 3,9% GDP - một mức tối đa mang tính lịch sử. Nhưng nếu thêm vào đó là những khoản chi khác có liên quan tới quân đội, bao gồm lương hưu, an sinh xã hội và nhà ở, thì con số này sẽ vượt mức 4,8% GDP.
Chi tiêu quá cao cho quân đội so với GDP sẽ làm giảm tốc độ phát triển của các nền kinh tế sản xuất hàng hoá. Hiện nay, tình hình bế tắc này đang được Moscow chèo lái gần như "bằng tay".
Almaz-Antey và Công ty Cổ phần Tên lửa Chiến thuật (KTRV) là hai đại diện còn lại của ngành CNQP Nga trong Top-100 của Defense News.
Top-100 chứng minh Ấn Độ không phải là "mục tiêu" của Bắc Kinh?
Những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng nói trên được liên kết với việc IISS triển khai hoạt động kiểm toán ngành CNQP Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ở quốc gia này không còn là các nhà sản xuất "bán thủ công" trong quá khứ nữa mà đang dần thống trị trong bảng xếp hạng Top 100 Defense News.
Toàn bộ 8 doanh nghiệp sản xuất vũ khí nhà nước của Trung Quốc đã lọt vào Top 25, thậm chí Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) còn nằm trong Top 6.
AVIC hiện đứng thứ 6 trong Top 100 của Defense News với doanh thu hơn 25 tỷ USD.
Theo các kiểm toán viên Mỹ, so với bảng xếp hạng Top 100 Defense News năm 2019, doanh thu của Trung Quốc giảm nhẹ, mặc dù các chỉ số tài chính của đa số các tập đoàn quốc phòng không hề sụt giảm.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực điện tử Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) chỉ tăng 3% dù kế hoạch phải là 10%.
Trong danh sách những "kẻ ngoài cuộc" có thể kể đến tập đoàn công nghiệp China South Industries Group - doanh nghiệp chuyên sản xuất xe quân sự, pháo và đạn dược. Doanh thu của doanh nghiệp này giảm tới 22,7%.
Các chuyên gia của IISS tin rằng cuộc "thương chiến" do Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào nhằm vào Bắc Kinh đã khiến cho tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành CNQP Trung Quốc chững lại.
IISS cũng cho rằng, Bắc Kinh đang tập trung vào các chương trình tên lửa chống hạm CM-401, tiêm kích J-20 và tàu sân bay Sơn Đông, có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển của lục quân.
Những ưu tiên này chứng tỏ rằng Trung Quốc coi xung đột với Mỹ có khả năng xảy ra cao hơn so với nước láng giềng Ấn Độ.
Bắc Kinh coi các cuộc đụng độ ở biên giới với Ấn Độ ít khả năng trở thành xung đột?
Thương chiến với TQ: "Cơn mưa vàng" cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ?
Căn cứ những con số mà IISS đã miêu tả trong bảng xếp hạng liên quan tới các nhà sản xuất Mỹ, một "cơn mưa vàng" đã trút lên họ.
TransDigm đã tăng doanh thu của mình lên 45%, United Technologies Corp lên 41%, Jacobs lên 35%, Amentum lên 23% và CACI International Inc lên 15%.
Nói chung, các công ty Mỹ và Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các lực lượng không quân, vũ trụ và hải quân đang thắng thế.
Ví dụ là 2 gã khổng lồ đóng tàu lớn nhất Trung Quốc là CSIC và CSSC đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực quốc phòng là 17,6% và 13,1%.
Mục tiêu của người Mỹ hiện tại là "đè bẹp" ngành CNQP Trung Quốc và kiềm chế sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu quân sự của Nga.
Không phải ngẫu nhiên mà IISS liên hệ sự sụt giảm doanh thu của China Electronics Technology Group Corporation và China South Industries Group với thương chiến, cuộc chiến không tiếng súng nhưng hoàn toàn có thể trở nên khốc liệt hơn.
Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ vẫn tiếp tục thống trị Top 5 bảng xếp hạng của của Defense News.
CNQP Nga có đang bị "uy hiếp"?
Tuy nhiên cần phải tính tới việc gia tăng đầu tư phát triển các loại vũ khí tiên tiến ngược lại sẽ có tác động tích cực đến tiềm lực khoa học nói chung.
Ví dụ như tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57, từ yêu cầu giảm thiểu phản xạ sóng radar đã dẫn tới việc phát triển một loạt các vật liệu mới cũng như đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho ngành hàng không.
Nếu lấy một bảng xếp hạng toàn cầu khác là Military Strength Ranking 2020 (dựa vào 50 chỉ số thành phần để đưa ra đánh giá Power Index - Chỉ số sức mạnh của quân đội) để đối chiếu thì trong số 138 quốc gia, Nga xếp ở vị trí thứ hai sau Mỹ với khoảng cách không lớn.
Các chuyên gia của Military Strength Ranking đếm được Không quân Vũ trụ Nga (VKS) 4.163 đơn vị khí tài, bao gồm 873 tiêm kích (Mỹ là 2.085 và Trung Quốc là 1.223) và 742 máy bay cường kích (Mỹ, Trung Quốc là 715 và 371).
Cần nhấn mạnh rằng theo các chuyên gia của Mỹ mặc dù với số lượng ít hơn, các tiêm kích của Nga như Su-35 nguy hiểm hơn F-35, chứ chưa nói tới F-15 và F-16.
Số lượng trực thăng của Nga khá "đáng gờm" khi có tới 533 trực thăng tấn công (Mỹ là 967 và Trung Quốc là 281). Để so sánh, không quân Pháp chỉ có 269 máy bay tiêm kích và 62 trực thăng tấn công.
Thông tin về xuất khẩu vũ khí của Nga hiện tại cũng không hề ăn nhập với bảng xếp hạng của IISS.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ về hoạt động mua bán vũ khí thế giới tháng 12/2019, Nga xếp vị trí thứ hai sau Mỹ, và gấp đôi doanh thu xuất khẩu của Pháp. Những đánh giá này trùng hợp với các thông tin của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Ấn Độ đã và sẽ mua sắm thêm các tiêm kích hiện đại từ Nga.