Một ngày trước khi diễn ra hội nghị tại Berlin về giải quyết xung đột Libya, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Libya đã kêu gọi các tay súng nước ngoài rút lui khỏi quốc gia đang bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.
"Chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch an ninh trong đó bao gồm việc rút quân của tất cả các tay súng nước ngoài không kể quốc tịch nào", ông Ghassan Salame cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/1.
Ông tiết lộ, vấn đề chấm dứt buôn lậu vũ khí bất hợp pháp tới Libya cũng sẽ được đề cập tới trong cuộc họp diễn ra vào chủ nhật (19/1). Theo tài liệu Liên Hợp Quốc, mục tiêu của hội nghị là đạt được một lệnh ngừng bắn dài hạn và thực thi lệnh cấm vận vũ khí sẵn có.
Tại hội nghị Berlin, đại diện của hơn 10 nước, bao gồm cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Nga Vladimir Putin…, sẽ cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về hòa bình Libya.
Thủ tướng được quốc tế công nhận của Libya là Fayez al-Serraj và lãnh tụ phe đối lập Khalifa Haftar cũng được mời tới hội nghị nhưng chưa rõ họ có tham dự hay không.
Các cuộc đàm phán hòa bình do Moscow chủ trì hồi đầu tuần đã kết thúc mà không thuyết phục được ông Haftar ký kết hiệp định ngừng bắn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cho hay, Khalifa Haftar đã đồng ý sơ bộ về thỏa thuận. Hội nghị Berlin dự kiến sẽ củng cố thêm nữa hiệp định ngừng bắn vừa có hiệu lực vào cuối tuần trước.
Các quốc gia châu Âu tỏ ra sẵn lòng giảm leo thang xung đột Libya bởi vì tình hình hỗn loạn tại quốc gia châu Phi đã khiến nơi đây trở thành một điểm trung chuyển chính cho người nhập cư trên đường tới châu Âu đi qua Địa Trung Hải.
Cũng trong ngày 18/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên tiếng cảnh báo châu Âu rằng, chính phủ "hợp hiến" của Libya không được phép thất bại.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ở lại Libya cho tới khi chính phủ hợp hiến được an toàn", ông Erdogan tuyên bố từ Istanbul. "Chúng tôi sẽ thảo luận những vấn đề này [tại Berlin] với tất cả các bên trong khu vực Địa Trung Hải có lợi ích ở Libya".
Trả lời phỏng vấn tờ Politico, nhà lãnh đạo Thổ nói, châu Âu có thể lại một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ từ các nhóm khủng bố như IS và al-Qaeda, cũng như nạn nhập cư trái phép tới châu Âu nếu chính quyền al-Serraj đổ vỡ.
Năm ngoái, Ankara từng ký kết một số hiệp định hợp tác quân sự và an ninh gây tranh cãi với Chính phủ lâm thời Libya, đứng đầu là Thủ tướng al-Serraj.