Nga bực tức với việc Trung Quốc đánh cắp các công nghệ quân sự
Moscow ít khi công khai cho thấy sự không hài lòng với Bắc Kinh, nhưng trong lần này, Tập đoàn Rostec đứng đầu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga đã buộc tội Bắc Kinh sao chép trái phép hàng loạt vũ khí và khí tài quân sự của Nga:
"Việc sao chép vũ khí của chúng tôi một cách trái phép ở nước ngoài là vấn đề lớn. Trong vòng 17 năm gần đây, đã ghi nhận 500 trường hợp như vậy.
Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép các động cơ máy bay, tiêm kích Sukhoi, tiêm kích tàu sân bay, các hệ thống phòng không tầm trung, tầm thấp cơ động và tên lửa phòng không vác vai, thậm chí là chế tạo cả sản phẩm tương tự những hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir".
Những phàn nàn từ phía Rostec với việc Trung Quốc sao chép công nghệ của Nga bắt đầu xuất hiện vào đúng lúc khi hoạt động kinh doanh vũ khí đang được triển khai toàn diện giữa hai nước.
Theo thông tin của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cũng cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc giai đoạn giữa 2014 và 2018, chiếm tương đương khoảng 70% sản lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.
Thậm chí vũ khí hiện đại nhất của Nga cũng không bị cấm xuất khẩu. Vào năm 2015, Nga đã bán 6 hệ thống tên lửa phòng không S-400 và 24 tiêm kích Su-35 cho Trung Quốc với tổng giá trị lên tới 5 tỷ USD.
Biết bị "ăn cắp" nhưng Nga vẫn phải mắt nhắm mắt mở...
Dù Moscow có bức xúc như thế nào với việc Bắc Kinh sao chép những công nghệ của Nga, trong thời gian tới họ khó có thể cắt giảm sản lượng xuất khẩu vũ khí tới Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng những lợi ích địa chính trị và kinh tế mang tới cho Nga một động lực mạnh mẽ để giảm bớt ý nghĩa của việc sao chép kỹ thuật của Trung Quốc.
Tiêm kích J-11 do Trung Quốc chế tạo dựa trên tiêm kích Sukhoi của Nga.
"Lúc nào cũng không tốt khi ai đó sao chép vũ khí của bạn mà không được phép. Nhưng tôi, thật sự mà nói, có cảm giác rằng nếu Nga vẫn tiếp tục hợp tác quân sự với Trung Quốc, thì có nghĩa điều đó không có gì đang báo động", Tổng biên tập Tạp chí Xuất khẩu vũ khí (Nga), ông Andrei Frolov nói.
Trung Quốc từ lâu sao chép lại vũ khí của Nga. Vào thập niên 90, Trung Quốc đã mua những tiêm kích Su-27 và các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga. Sau đó, Bắc Kinh sử dụng chúng làm mẫu để nghiên cứu chế tạo những tiêm kích J-11 và tên lửa phòng không HQ-9 của mình.
Giám đốc Dự án về An ninh châu Á của Trung tâm PIR, ông Vadim Kozyulin lý giải sự vay mượn công nghệ một cách trắng trợn như thế đã khiến nhiều đại diện trong lĩnh vực công nghiệp quân sự Nga quan ngại khi kêu gọi Moscow có giải pháp đối với việc này.
Tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo.
Nga đã áp dụng một loạt những biện pháp để chấm dứt tình trạng này. Lấy ví dụ, Nga yêu cầu Trung Quốc mua số lượng lớn thay vì một vài mẫu. Nga cũng "ép" ghi trong các hợp đồng những điều khoản bảo vệ trước việc đánh cắp công nghệ và thậm chí còn cố gắng thu phí từ việc Trung Quốc sao chép vũ khí của mình.
Tuy nhiên, như ông Vadim Kozyulin thừa nhận, những biện pháp này không mang lại nhiều hiệu quả. "Chúng ta cố gắng ngăn chặn vấn đề này bằng nhiều phương pháp, nhưng không đạt được nhiều kết quả", ông nói.
Sự quan ngại của Nga đối với việc người Trung Quốc sao chép công nghệ của mình đã khiến doanh thu từ hoạt động kinh doanh vũ khí giữa hai nước giảm nhanh vào giữa thập niên 2000. Nếu như vào năm 2005, Trung Quốc chiếm tới 60% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga, thì đến năm 2012 chỉ số này giảm xuống còn 8,7%.
Chỉ sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine vào năm 2014 – khi Nga lạnh nhạt với phương Tây và bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, doanh thu buôn bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh được nối lại.
... hay vô phương chống đỡ?
Hiện nay Nga thừa nhận việc "vay mượn" công nghệ từ phía Trung Quốc là vấn đề không tránh khỏi trong kinh doanh với người hàng xóm ở phía Nam của mình. Đây là lời giải thích của nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Valery Kashin.
"Đánh cắp những công nghệ - đó là vấn đề chung của tất cả các công ty đang kinh doanh với Trung Quốc, nhưng không có một trường hợp vay mượn công nghệ nào mà khiến ai đó ngoảnh mặt với thị trường Trung Quốc – thị trường giá trị nhất thế giới", ông Kashin nói.
Ông Kashin bổ sung thêm rằng từ giờ người Nga có cảm giác như kỹ thuật phân tích của Trung Quốc không quá nguy hiểm. Ông khẳng định rằng thậm chí nếu như Bắc Kinh sao chép vũ khí thành công, Nga vẫn giữ được ưu thế về công nghệ.
"Một vài công nghệ không thể sao chép trong những thời hạn nhất định. Việc sao chép những công nghệ cũ mất nhiều thời gian như nghiên cứu chế tạo công nghệ mới. Sẽ đơn giản hơn nếu lấy tiền của Trung Quốc, đầu tư vào phát triển trong nước và mặc cho người Trung Quốc muốn làm gì thì làm", ông Kashin nói.
Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo trong biên chế Không quân Trung Quốc.
Sự phát triển mạnh mẽ của đối tác địa chính trị giữa Moscow và Bắc Kinh cũng làm giảm bớt sự lo ngại của Nga về rủi ro sao chép vũ khí từ phía Trung Quốc.
"Nếu như nhìn vào việc người Trung Quốc đang tăng cường các lực lượng vũ trang của mình, chúng ta thấy rằng họ thường xuyên cắt giảm các lực lượng lục quân, đồng thời kiện toàn hạm đội hải quân. Điều này giúp chúng ta hiểu được những kế hoạch của họ: Sức mạnh quân sự đang gia tăng của họ là hướng tới Mỹ và những đồng minh", ông Kashin lưu ý.
Nhưng cũng còn nhiều vấn đề khác. Theo lời ông Andrei Frolov, việc Trung Quốc trở thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất nhờ gia tăng chi phí quân sự và vay mượn những công nghệ nước ngoài là cùng lúc cả "khủng hoảng lẫn cơ hội" đối với Nga.
"Một mặt, Nga quan ngại việc Trung Quốc từng bước chiếm thị phần của Nga trên những thị trường vũ khí truyền thống. Nhưng mặt khác, Trung Quốc có tiền và mong muốn hợp tác, cho nên điều đó có thể là cơ hội để Nga phát triển bằng tiền và công nghệ của Trung Quốc", ông Frolov nói.
Theo lời ông Vadim Kozyulin, thêm một khó khăn nữa đối với Moscow sẽ là sự giảm bớt mối quan tâm của Trung Quốc trong hợp tác về vũ khí. Ông lưu ý rằng lĩnh vực công nghiệp quân sự Trung Quốc đã qua mặt Nga trong một loạt những tiêu chí:
"Ngày càng khó chào mời Trung Quốc thứ gì đó mới mẻ, bởi chính sách của Nga là chuyển từ bán vũ khí sang hợp tác nghiên cứu. Tôi không biết mẫu mới đó sẽ được Trung Quốc quan tâm ở mức độ nào, bởi vì họ thích tự sản xuất tất cả mọi thứ, và chỉ nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Nhưng Nga cố gắng tìm kiếm những lợi ích chung và sự thấu hiểu lẫn nhau".