Trận tập kích chớp nhoáng
Vào rạng sáng ngày 15/01/2020, căn cứ sân bay chiến lược T4 nằm ở phía Đông tỉnh Homs của Syria hay còn được gọi là căn cứ Tiyas đã bị chiến đấu cơ Không quân Israel nã mưa tên lửa.
Phòng không Syria khai hỏa đánh chặn nhưng thật đáng tiếc, họ đã để lọt lưới nhiều quả tên lửa nguy hiểm phóng đi từ máy bay Israel, khiến căn cứ này bị thiệt hại nặng. Thống kê cho thấy đã có ít nhất 4 quả tên lửa Israel tới được mục tiêu.
Truyền thông Nhà nước Syria (SANA) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này cho biết chiến đấu cơ Israel đã xâm phạm không phận Syria từ khu vực Al-Tanf do Mỹ kiểm soát ở Đông Nam tỉnh Homs.
Sau khi đột nhập vào vùng trời Syria, máy bay Israel đã phóng một số tên lửa vào sân bay T4, gây ra nhiều tiếng nổ lớn khi tên lửa trúng mục tiêu. Theo một nguồn tin quân sự ở Damascus cho biết có một số thương vong nhưng tổng số người chết và bị thương hiện vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.
Vụ tấn công mới nhất này đánh dấu lần đầu tiên trong năm 2020, Không quân Israel đã tấn công vào một căn cứ quân sự ở phía Tây tỉnh Deir Ezzor.
Trước đó Không quân Israel đã nhiều lần tấn công vào sân bay này, bao gồm cả vụ tập kích kinh hoàng năm 2017 giết chết nhiều binh sĩ Quân đội Iran. Kể từ đó, Iran được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa S-300 của họ tới khu vực này để bảo vệ các binh sĩ cũng như vũ khí, trang bị và cơ sở vật chất của mình tại tỉnh Homs.
Hiện nay, tại T4 không chỉ có binh sĩ Iran mà còn có cả binh sĩ Nga và Syria bởi cả 2 lực lượng này đều có máy bay chiến đấu và trực thăng đồn trú tại căn cứ sân bay này.
Phòng không Syria bó tay, tên lửa S-300 Iran cũng "im lặng chết người"
Như đã nói ở trên, phóng không Syria đã khai hỏa đánh chặn tên lửa Israel, tuy nhiên họ không thành công khi để lọt lưới ít nhất 4 quả gây tổn thất nặng về người và vũ khí trang bị, chủ yếu là của lực lượng Iran đang đồn trú tại đây.
Căn cứ sân bay chiến lược T4 chính là đầu mối đặc biệt quan trọng tập trung các lực lượng Iran ở Syria, trong mấy tuần qua liên tiếp có các chuyến máy bay vận tải quân sự hạng nặng IL-76 của Không quân Syria và Không quân Iran chuyển hàng từ Tehran tới.
Tên lửa phòng không S-300 Iran được cho là đã có mặt tại Syria.
Loại hàng hóa mà những chiếc vận tải cơ hạng nặng này mang theo tới T4 là bí mật, nhưng dường như tình báo Israel đã nắm được điều gì đó nguy hiểm với Nhà nước Do Thái nếu những món "hàng nóng" này được binh sĩ Iran kích hoạt, do vậy Không quân Israel đã tiến hành tập kích đường không với phương châm "tiên hạ thủ vi cường".
Nhận thức được nguy cơ bị Israel tập kích, Iran đã đưa tới đây những tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới. Nhiều nguồn tin nhận định rằng lực lượng phòng không bảo vệ sân bay T4 của Iran có tổ hợp tên lửa S-300 và có thể là cả tổ hợp tên lửa phòng không Bavar 373 nữa.
Như vậy, bên cạnh phòng không Syria với các tổ hợp Buk-M2, Pantsir-S1 bảo vệ, Iran còn bổ xung một lực lượng phòng thủ phải nói là cực mạnh. Thế nhưng liên quân Syria-Iran vẫn thất bại nặng nề trong việc đánh chặn đợt tập kích tên lửa của Israel.
Đặc biệt, trong đợt tấn công rạng sáng ngày 15/01 vừa qua, không một tổ hợp phòng không nào của Iran khai hỏa, từ S-300 cho tới Bavar 373. Đây là một điều khiến giới quan sát hết sức bất ngờ. Tại sao vậy?
Hệ thống tên lửa phòng không Khordad 15 do Iran tự chế tạo.
Thứ nhất là Israel rất "cáo già" khi tung các máy bay đi đường vòng rất xa, đột kích từ khu vực do SDF kiểm soát, hướng này thường ít được quan tâm hơn so với hướng Nam và đặc biệt là hướng Tây hướng đột kích ưa thích của máy bay Israel bởi địa hình nhiều đồi núi được Không quân Do Thái tận dụng triệt để..
Hơn nữa, tên lửa hành trình của Israel được đánh giá là mới và thông minh hơn hẳn so với Tomahawk của Mỹ, bay thấp bám địa hình phóng từ ngoài tầm phòng không khiến các loại radar rất khó phát hiện, bám bắt để có tham số xạ kích thuận lợi.
Thứ hai, ta có thể thấy, các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Nga chốt tại căn cứ Khmeimim, Syria luôn có 2 bộ radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6, để làm nhiệm vụ theo dõi tình huống 24/7 và trong 365 ngày liên tục.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Nga chốt tại căn cứ Khmeimim, Syria
Một số nguồn tin cho thấy Iran không tự chế tạo được hệ thống radar nhìn vòng mọi độ cao nào hiện đại như 96L6E, còn S-300 của họ (nếu như nó thật sự được triển khai ở Syria) thì cũng chỉ có 1 đài mà thôi, do vậy, khi hết chu kỳ hoạt động, sẽ đến lúc phải nghỉ. Mà khi đã nghỉ thì S-300 Iran sẽ gần như bị mù, do không có cảnh báo sớm.
Nếu Israel nằm chắc được quy luật hoạt động, nhất là thời điểm radar của tổ hợp phòng không Iran nghỉ giữa 2 lần hoạt động thì hoàn toàn có thể chọn cơ hội đột kích bất ngờ khiến chúng trở nên vô dụng.
Thứ ba, Israel như đã sử dụng tên lửa hành trình không đối đất tầm xa, cự ly phóng từ ngoài vùng hỏa lực của cả S-300 chứ chưa nói tới các tổ hợp tầm trung như Bavar 373 hay Khordad 15 thì không thể với tới phương tiện mang phóng để đánh dập đầu đối phương, trị tận gốc để Israel không dám liều lĩnh khiêu chiến.
Do vậy, nếu xảy ra tình huống, phòng không Iran chỉ còn biết thụ động đánh chặn tên lửa đối phương đang trên đường bay tới và như thế, dù rất muốn bảo vệ các lực lượng của mình nhưng họ đành bó tay, để mặc tên lửa Israel hoành hành.
Nếu tình trạng này không được cải thiện, chắc chắn trong thời gian tới các lực lượng Iran ở căn cứ sân bay T4 sẽ còn tiếp tục phải hứng chịu những đòn không kích ác liệt của Không quân Do Thái, bậc thầy về nghệ thuật tập kích đường không.