Tình hình sức khỏe của nữ sinh mắc bệnh bạch hầu hiện tại ra sao? Cập nhật mới nhất từ chuyên gia

Ngọc Minh |

Ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mới đây đã chia sẻ về tình hình sức khoẻ của nữ sinh mắc bệnh bạch hầu.

Thông tin với báo chí chiều 9/7, ông Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, chiều 7/7 bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân B (18 tuổi, trú Nghệ An làm việc tại Bắc Giang) dương tính với bệnh bạch hầu.

Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ đã điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển…

Theo bác sĩ Cấp, do bệnh nhân chưa gặp biến chứng nên bệnh đã được điều trị ổn định. Bệnh nhân được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi.

Bác sĩ cũng cho biết, trong những năm gần đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới. Năm 2023, bệnh viện cũng tiếp nhận một số bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang, Điện Biên, phần lớn đều là ca mắc bệnh nhẹ.

Tình hình sức khỏe của nữ sinh mắc bệnh bạch hầu hiện tại ra sao? Cập nhật mới nhất từ chuyên gia- Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (ảnh PV).

Bạch hầu là bệnh lý nguy hiểm

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Những người chưa được tiêm chủng nếu nhiễm bệnh bạch hầu có nguy cơ tử vong cao, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 10-20%.

Bác sĩ Cấp cho hay, vi khuẩn C. diphtheria gây nhiễm trùng ở vùng hầu họng. Vi khuẩn phát tán và lây lan theo đường hô hấp thông qua các các giọt bắn. Khi vi khuẩn nhân lên ở hầu họng của bệnh nhân, chúng có thể tiết ra ngoại độc tố.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh bạch hầu rất đa dạng, tuỳ thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày mắc bệnh, người bệnh xuất hiện giả mạc ở mặt sau hoặc hai bên thành họng, giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen.

Điều trị bệnh bạch hầu

Bác sĩ Cấp khuyến cáo, khi tiếp nhận bệnh nhân bạch hầu, các cơ sở y tế cần cách ly bệnh nhân ngay lập tức, áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung và biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan qua giọt bắn. 

Các bác sĩ cần đánh giá ngay tình trạng của bệnh nhân bao gồm: Đánh giá nguy cơ tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp do giả mạc để cân nhắc đặt ống nội khí quản hay mở khí quản kịp thời; Đánh giá về nhip tim và chức năng tim để phát hiện tình trạng viêm cơ tim kịp thời. Hồi sức các tạng suy nếu bệnh nhân có tình trạng suy đa tạng và nhiễm độc toàn thân.

Chỉ định dùng kháng sinh sớm để tiêu diệt vi khuẩn C. diphtheria, từ đó hạn chế lượng độc tố sản sinh và ngăn ngừa bệnh lây lan sang những người khác.

"Bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin DTaP đã sẵn có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần nhưng người dân hoàn toàn có thể tiêm nhắc lại để tăng hiệu quả bảo vệ", bác sĩ Cấp nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại