Bệnh bạch hầu biểu hiện dưới dạng nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm trùng da và do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Nhiễm trùng thường xảy ra vào những tháng mùa xuân hoặc mùa đông.
Người mắc bệnh bạch hầu có thể lây vi khuẩn cho người khác qua không khí khi họ ho hoặc hắt hơi, hoặc nếu người khác tiếp xúc với vết thương bị nhiễm trùng hoặc vật dụng bị nhiễm bẩn của họ. Bệnh cũng có thể lây truyền không triệu chứng và gây nhiễm trùng mãn tính.
Bệnh có thể lây truyền trong 2 - 6 tuần. Những người dễ bị nhiễm trùng nhất là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc có mức kháng thể kháng độc tố thấp và đã tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc cá nhân bị bệnh. Người mang mầm bệnh là người có kết quả nuôi cấy dương tính với loài bạch hầu nhưng không cần biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng.
Bệnh bạch hầu từng là căn bệnh ghi nhận triệu ca/năm
Bệnh bạch hầu từng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Vào những năm 1970, trước khi vắc-xin được sử dụng rộng rãi, ước tính có một triệu ca mắc bệnh bạch hầu (bao gồm 50.000 – 60.000 ca tử vong) xảy ra hàng năm ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng vào năm 1974, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm hơn 90% trong giai đoạn những năm 1980 đến 2000.
Sau một thời gian tương đối ổn định, bệnh đã tái phát với 22.625 trường hợp được báo cáo trên toàn cầu vào năm 2019. Đây là con số ca mắc bệnh cao nhất kể từ năm 1996, khi có 28.624 trường hợp được ghi nhận.
Sự tái phát của bệnh bạch hầu được đánh dấu bởi các đợt bùng phát lớn ở Bangladesh, Haiti, Venezuela và Yemen. Các đợt bùng phát này là lời nhắc nhở về mối đe dọa liên tục mà căn bệnh này gây ra cho cộng đồng trên toàn thế giới.
Năm 2022 - 2023, tại Nigeria đã bùng phát 1 đợt dịch bạch hầu nghiêm trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nigeria, Nigeria đã báo cáo 1.064 trường hợp nghi ngờ và xác nhận 389 trường hợp từ 21 tiểu bang trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Trong cùng thời kỳ, 62 ca tử vong đã được ghi nhận, đưa tỷ lệ tử vong lên 15,9%. Đáng buồn thay, chỉ có 60 (15,4%) trong số 389 trường hợp được xác nhận được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Dịch bệnh không hề thuyên giảm trong cả năm, vì chỉ riêng trong tháng 6 năm 2023, Nigeria đã báo cáo 439 ca nghi ngờ và xác nhận 160 ca (36,5%) từ 4 tiểu bang và thủ đô Abuja. Không có ca tử vong nào được ghi nhận trong số các ca được xác nhận.
Trong giai đoạn 11 năm từ 2007 đến 2017, Nigeria không báo cáo bất kỳ trường hợp mắc bệnh bạch hầu nào cho Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2018 và 2019, quốc gia này đã báo cáo lần lượt 1.870 và 2.289 trường hợp.
Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là bao nhiêu?
Bệnh bạch hầu gây tử vong với tỷ lệ 5 - 10% và có tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ nhỏ. Điều trị bệnh bao gồm các phương pháp như dùng thuốc giải độc bạch hầu để trung hòa tác dụng của độc tố, cũng như thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Theo WHO, đối với những người chưa tiêm vắc-xin, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ khoảng 30%.
Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin, thường được tiêm kết hợp với uốn ván, ho gà và các bệnh khác. WHO khuyến cáo nên tiêm tổng cộng 6 liều vắc-xin ngừa bệnh bắt đầu từ 6 tuần tuổi cho đến tuổi vị thành niên để bảo vệ lâu dài.
Năm 2022, 84% trẻ em trên thế giới đã được tiêm đủ 3 liều vắc-xin bạch hầu cơ bản. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về mức độ bao phủ giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia.
Nguồn: WHO, The Conversation