Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu có thể lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc với giọt bắn (khi nói chuyện, ho, hắt hơi) chứa vi khuẩn gây bệnh của người bệnh hoặc lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh).
PGS Phu cho hay, trước đây, bệnh bạch hầu rất phổ biến, các ca mắc xuất hiện ở cả khu vực thành phố, nông thôn nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số ca mắc đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh bạch hầu lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.
Theo đó, người dân ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp như các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao nhiễm bệnh bạch hầu.
Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới quá trình tiêm chủng, khiến tỷ lệ tiêm phòng bệnh thấp, nhiều trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều. Điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh bạch hầu ở người dân.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm nhưng theo PGS Phu, những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt vi khuẩn bạch hầu, giảm khả năng phát bệnh và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Để phòng bệnh bạch hầu, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin. Trẻ em cần được tiêm đúng lịch, đủ liều cơ bản sau đó thì tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện các chiến dịch tiêm bổ sung….
Nguy cơ từ bệnh bạch hầu
Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 5-10%, tỷ lệ này có thể cao hơn ở trẻ nhỏ.
Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn có thể sống tới 6 tháng. Vi khuẩn cũng có thể tồn tại lâu dài trên các đồ chơi của trẻ bị bệnh bạch hầu hoặc áo choàng của nhân viên y tế…
Bệnh bạch hầu gồm các thể: bạch hầu họng (chiếm 70% số ca mắc), bạch hầu thanh quản (chiếm 20-30% số ca mắc), bạch hầu mũi (chiếm 4% số ca mắc), bạch hầu mắt (chiếm 3-8% số ca mắc), bạch hầu da...
Những triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày mắc bệnh, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục bình thường.