Tình hình Đông Âu “căng như dây đàn” khi Mỹ, Nga tăng cường hoạt động quân sự

Đức Trí |

Là khu vực giao tranh trọng điểm giữa Nga và Mỹ, hoạt động quân sự của khu vực Đông Âu thời gian qua đang có những biến động mạnh mẽ.

Cụ thể, Mỹ tăng cường quân đến Litva, Ba Lan nâng cao sức mạnh quân sự thông qua sự hỗ trợ của Mỹ, Nga đang bố trí thêm hệ thống tên lửa phòng không ở Kaliningrad – Tiền đồn của Nga giữa lòng NATO.

Về phía Mỹ, ngày 27/10, theo báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), Mỹ đang điều động số lượng lớn binh lính và xe tăng thiết giáp đến 3 quốc gia biển Baltic là Latvia, Estonia và Litva để chuẩn bị tiến hành hành động bố trí quân sự “quyết tâm Đại Tây Dương”.

Đợt đầu tiên, 8 xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất của Abrams M1A2SEP và 21 xe chiến đấu bộ binh Bradley M2A3 đã được điều động đến Litva.

Theo kế hoạch, Tiểu đoàn bọc thép số 1 của Quân đoàn 9 Quân đội Mỹ sẽ đồn trú tại Litva, tổng cộng là khoảng 80 đơn vị xe có bánh với 500 binh sĩ và gần 100 đơn vị thiết bị hạng nặng, trong đó có 30 xe tăng Abrams và 25 xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Tình hình Đông Âu “căng như dây đàn” khi Mỹ, Nga tăng cường hoạt động quân sự - Ảnh 1.

Mỹ đang điều động nhiều xe bọc thép hạng nặng và binh lính đến đồn trú tại Litva trong thời gian 6 tháng. Nguồn: Huanqiu

Theo tiết lộ của quan chức cấp cao Mỹ, hiện các đơn vị bọc thép còn lại đang lần lượt tới Litva. Sau khi hoàn thành tập kết, các đơn vị bọc thép sẽ có hơn 100 xe.

Ngoài ra, việc triển khai hành động quân sự này sẽ kéo dài trong 6 tháng và các binh lính khác của Mỹ cũng sẽ tới Litva để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn vào mùa đông sắp tới.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ đóng quân ở Litva, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Mỹ điều động nhiều xe bọc thép với đa số xe bọc thép hạng nặng triển khai tới Litva.

Bộ Quốc phòng Litva cũng đã lên tiếng về hoạt động đóng quân của Quân đội Mỹ, nói rằng “trong quá khứ, Litva đã tiếp nhận nhiều đơn vị cấp Tiểu đoàn của Mỹ, nhưng điều này là để tiến hành các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước.

Trong bối cảnh khi chưa tiến hành các cuộc tập trận, Mỹ đã điều động nhiều xe bọc thép hạng nặng đến Litva thì đây là lần đầu tiên”.

Về phía Nga, Nga đã bày tỏ sự quan ngại về hành động của Mỹ, do Litva tiếp giáp với khu vực Kaliningrad của Nga và về Tây Nam, khu vực này là khu vực chiến lược, được coi là “tiền đồn của Nga giữa lòng NATO”.

Đồng thời, do những hạn chế về điều kiện địa hình và khoảng cách, lực lượng tăng thiết giáp của Nga sẽ không thể trong một thời gian ngắn được điều động đến khu vực này làm đối trọng với hành động quân sự của Mỹ.

Tình hình Đông Âu “căng như dây đàn” khi Mỹ, Nga tăng cường hoạt động quân sự - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa của Nga ở Kaliningrad có thể bao trùm khu vực Baltic. Nguồn: Huanqiu

Theo kế hoạch mới nhất của Nga công bố (25/10), đến cuối năm 2019 Nga sẽ hoàn thành bố trí Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Tor-M2 tại Lữ đoàn tên lửa Kaliningrad nhằm củng cố sức mạnh phòng không ở khu vực chiến lược này.

Hệ thống Tor-M2 có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào, bất kể là bom dẫn đường hàng không, máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu cánh cố định.

Chuyên gia Nga cho rằng, hệ thống Tor-M2 được Nga bố trí tại Kaliningrad là để đáp trả việc Ba Lan và các quốc gia Baltic tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh khu vực này. Tại Ba Lan còn có căn cứ mới của NATO và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Giáo sư Vadim Kojolin của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga tin rằng, sức mạnh quân sự của các nước NATO giáp Kaliningrad đã được tăng cường đáng kể.

Ông nói: “Trước cuối năm 2020, Ba Lan sẽ cho phép Mỹ xây dựng và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trong lãnh thổ của mình. Ba Lan đã mua hệ thống tên lửa chống hạm mới nhất của Na Uy và tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ. Điều này tự nhiên gây ra phản ứng của quân đội Nga.

Khi các nước láng giềng có được những vũ khí tấn công này, quân đội Nga phải đáp trả, đây là một thông lệ. Tất cả các lực lượng quân sự trên thế giới sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 'mắt để mắt' trong trường hợp này”.

Mikhail Alexandrov, một chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự tại MGIMO, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, nói với Pravda.Ru rằng: “Nếu NATO và Mỹ tấn công Kaliningrad, Nga sẽ không ngồi và chờ họ phá vỡ hệ thống phòng thủ trên không của Nga ở khu vực này.

Ngay khi chúng ta có thể thấy sự tập trung của máy bay Mỹ vào các sân bay ở châu Âu, chúng ta sẽ đơn giản phá hủy các sân bay đó bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung.

Sau đó, quân đội của chúng ta sẽ đi tấn công theo hướng Baltic và kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Baltic trong vòng 48 giờ.

NATO thậm chí sẽ không có thời gian để cảm nhận - họ sẽ thấy một sự tích tụ quân sự rất mạnh ở biên giới với Ba Lan. Tất cả những điều này sẽ kết thúc với việc NATO mất các nước vùng Baltic”.

Còn đối với Ba Lan, nước này đã trở thành một thành viên NATO chống Nga hàng đầu và là một đồng minh thân thiết của Mỹ. Ba Lan nằm trong số ít các nước thành viên NATO đạt mục tiêu dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.

Hơn nữa, Ba Lan đang đầu tư ngày càng nhiều tiền vào hoạt động hiện đại hóa quân đội. Warsaw đã đạt được bước tiến gây chú ý trên con đường hướng tới mục tiêu xây dựng một quân đội hiện đại bằng quyết định mua các hệ thống tên lửa phòng không đình đám Patriot của Mỹ.

Ba Lan đã mua hai khẩu đội Patriot của Mỹ và sẽ mua thêm 6 khẩu đội này vào năm 2026. Các động thái của Ba Lan được tuyên bố là nhằm để giúp nước này đối phó với mối đe dọa từ Nga và bảo vệ cho Ba Lan cũng như các lực lượng của NATO đang đóng tại lãnh thổ nước này.

Tình hình Đông Âu “căng như dây đàn” khi Mỹ, Nga tăng cường hoạt động quân sự - Ảnh 5.

Ba Lan là quốc gia NATO chống Nga hàng đầu và là một đồng minh thân thiết của Mỹ. Nguồn: Huanqiu

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.

Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine. Ba Lan được ví như “tiền đồn” chống Nga của NATO.

Mạng kresy.pl của Ba Lan (27/10) công bố báo cáo của Tiến sĩ Richard Hook thuộc Quỹ Jamestown Foundation cho biết, nếu như Nga phát động một cuộc tấn công Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia thì NATO tất nhiên sẽ không “tọa quan hổ đấu”, một cuộc xung đột quân sự sẽ làm Nga mất đi vùng đất chiến lược Kaliningrad.

Theo báo cáo, khi Nga phát động một cuộc tấn công bộ binh vào Litva, Latvia và Estonia nhất định sẽ phải tiến hành phong tỏa đường biển, đồng thời bảo vệ tuyến đường biển đến St. Petersburg. Mặc dù số lượng tàu chiến của NATO tại biển Baltic vượt qua Nga, nhưng nhiều khả năng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn bởi ngư lôi và tên lửa bờ đối hạm của Nga.

Phương pháp tốt nhất để phá vỡ sự xâm lược của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic là đưa quân đội đến chiếm vùng lãnh thổ Kaliningrad ở phía tây của Nga. Chiếm đóng khu vực này, NATO có thể tiêu diệt hoàn toàn hệ thống tên lửa của Nga bố trí tại khu vực này, điều này làm cho lực lượng Không quân và Hải quân của NATO có nhiều thuận lợi trong việc chi viện cho Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan.

Để có thể chiếm đóng Kaliningrad thì vai trò của Ba Lan là không thể thiếu. Truyền thông Ba Lan cho rằng, chỉ cần lực lượng quân đội vũ trang hạng nặng của Ba Lan kết hợp với Mỹ thì có thể chiếm được Kaliningrad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại