Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích Su-35 Nga, tiền mua F-35 đã trả cho Mỹ sẽ về túi ai?

DK |

Bằng việc mua Su-35 từ Nga, liệu Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết "vĩnh biệt" F-35 hay chưa? 14 chiếc F-35 đã thanh toán của Thổ sẽ phải giải quyết như thế nào?

Mua Su-35, Thổ mở ra cơ hội cho TF-X "ruột Su-57, vỏ F-35"?

Vào cuối năm 2017, cùng thời điểm ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố Ankara cần phải giảm thiểu phụ thuộc vũ khí nhập khẩu trước "dấu mốc" là năm 2023, sau này Thổ tự gia hạn tới 2025.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng làm chủ công nghệ sản xuất trong nước máy bay chiến đấu thế hệ 5. Năm 2010, Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chương trình phát triển "máy bay chiến đấu quốc gia" hay còn được gọi là TF-X.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích Su-35 Nga, tiền mua F-35 đã trả cho Mỹ sẽ về túi ai? - Ảnh 1.

Bằng chương trình TF-X, Ankara muốn chứng minh sự độc lập trong sản xuất vũ khí của mình.

17/7/2019, Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn tham gia vào chương trình F-35 do nước này trang bị hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Trước khi bị Mỹ "hất cẳng", Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu trách nhiệm sản xuất hàng trăm chi tiết cho F-35, đầu tư hàng trăm triệu USD và lên kế hoạch mua sắm khoảng 100 chiếc F-35 để trang bị cho không quân nước này.

Ngày 25/10/2019, tờ Daily Sabar cho biết các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thảo luận chi tiết về thương vụ đặt mua 36 chiếc Su-35.

Trước đó vào năm 2018 một số công ty của Nga đã đưa ra đề xuất về việc trang bị động cơ và một số thành phần của TF-X và các quan chức quốc phòng Thổ hiện đang "khám phá" lựa chọn này và thảo luận về các mô hình hợp tác tiềm năng.

Lý do cho việc lựa chọn Su-35 máy bay chiến đấu thế hệ 5++ theo Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp thay thế F-35 trong khi TF-X chưa thể hoàn thiện trong một sớm một chiều.

Với việc tham gia sản xuất một số thành phần và lắp ráp máy bay chiến đấu Su-35 trong nước nếu được Nga chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã thành công trong việc "mở cánh cửa" để chương trình TF-X tiếp cận các công nghệ Nga.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích Su-35 Nga, tiền mua F-35 đã trả cho Mỹ sẽ về túi ai? - Ảnh 3.

Việc mua Su-35 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận công nghệ của cả Nga và Mỹ trong việc sản xuất máy bay chiến đấu nội địa TF-X.

Các công nghệ chỉ có trên Su-57 của Nga như động cơ Izdeliye 30 và radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) N036 Byelka sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với kinh nghiệm lắp ráp Su-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được.

Việc những nguyên mẫu cất cánh lần đầu tiên vào năm 2025 sẽ giúp kỳ vọng biến TF-X trở thành "xương sống" của lực lượng không quân với kế hoạch trang bị 250 chiếc trở nên thực tế hơn.

Công nghệ Nga cùng với kinh nghiệm trong việc sản xuất khung thân giữa của F-35 (Tổng thống Mỹ Trump đã phải khẳng định điều này trong một tweet gần đây) nhiều khả năng sẽ biến TF-X thành một máy bay thế hệ 5 "ruột Su-57, vỏ F-35" đầu tiên trên thế giới.

Su-35 của Nga thực hiện màn biểu diễn ngoạn mục trên bầu trời Istanbul

Những chiếc F-35 mà Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận đang ở đâu?

Năm 2017, Thổ đã lên kế hoạch chi 11 tỷ USD cho 100 chiếc F-35A CTOL (biến thể cất-hạ cánh thông thường), sau đó đã tăng lên con số 120 chiếc bao gồm biến thể F-35B STOVL (biến thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) phục vụ cho tàu sân bay Anadolu.

Tuy nhiên cho tới nay mới chỉ có 14 chiếc F-35A đã chính thức ký hợp đồng, trong đó 4 chiếc đã được hoàn thiện và bàn giao tại căn cứ không quân Luke, Arizona phục vụ cho việc huấn luyện phi công Thổ Nhĩ Kỳ ngay ở Mỹ.

Vào đầu tháng 10/2019, theo tờ Star của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc F-35 thứ 5 đã được hoàn thiện, tuy nhiên quá trình vận chuyển toàn bộ 5 chiếc F-35 về Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến trong tháng 11/2019) đã bị "đóng băng" vô thời hạn.

Tổng thống Erdogan trong một cuộc phỏng vấn  đã bình luận: "Chúng tôi đã chi số tiền trị giá 1,4 tỷ USD. Bên cạnh thiệt hại liên quan tới sản xuất, họ (Mỹ) hiện đang khước từ việc giao máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ".

Ngày 26/9, theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Avusoglu, Washington hiện đang xem xét việc cho phép Thổ quay trở lại chương trình F-35.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán thành công với Nga về hợp đồng Su-35, tương lai nào sẽ đến với những chiếc F-35 ở căn cứ Luke cũng như những chiếc đang được Lockheed Martin sản xuất?

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích Su-35 Nga, tiền mua F-35 đã trả cho Mỹ sẽ về túi ai? - Ảnh 6.

Một chiếc F-35 trong lễ bàn giao của nhà sản xuất Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ sẽ làm gì với những chiếc F-35 đã và đang sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Vào tháng 7/2019, sau khi nhận được tin xấu về việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ tư cách trong chương trình F-35, nhà sản xuất Lockheed Martin vẫn tự tin cho rằng các khách hàng mới sẽ thay thế cho quốc gia đồng minh NATO này.

Lockheed Martin được cho là đã lên "kế hoạch dự phòng" với 8 chiếc F-35A hiện vẫn trong giai đoạn sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ (chưa rõ chiếc cuối cùng trong đơn hàng 14 chiếc đã được sản xuất hay chưa).

Giám đốc điều hành của Lockheed, bà Marillyn Hewson bình luận:"Tìm người mua mới cho những chiếc máy bay này "hoàn toàn không khó khăn", ví dụ các quan chức Ba Lan trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2019 cho biết họ quan tâm đến việc mua 32 chiếc F-35.

Nhật Bản cũng đã tuyên bố họ sẽ tăng số lượng đặt hàng F-35 (khoảng 105 chiếc) và các quốc gia khác cũng đang trong quá trình đánh giá máy bay. Chúng tôi (Lockheed Martin) đang cảm thấy thoải mái với tương lai tốt đẹp".

Vào những năm 1990, một tranh chấp tương tự hợp đồng F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra sau khi lệnh trừng phạt (liên quan tới phát triển vũ khí hạt nhân) ảnh hưởng tới hợp đồng F-16 của Pakistan

Trước đó để sở hữu 28 chiếc F-16, Pakistan đã trả trước số tiền 658 triệu USD cho Lockheed. Sự việc chỉ được giải quyết vào năm 1998 khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton quyết định trả Pakistan số tiền 464 triệu USD và lượng lúa mì trị giá 60 triệu USD.

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có may mắn như Pakistan khi được Mỹ trả lại tiền hay là "mất cả chì lẫn chài"?

Dây chuyền lắp ráp của Lockheed Martin và các máy bay F-35 Lightning II.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại