Trần Văn Hậu (Bắc Ninh)
Trên thị trường, thuốc súc miệng thường được bào chế dưới dạng dung dịch, được dùng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng, răng miệng, loại bỏ mảng bám vi khuẩn, khử mùi hôi do các vi khuẩn gây ra...
Có rất nhiều loại thuốc súc miệng. Ví dụ, loại chứa kháng sinh như tyrothricin để chống viêm, loại dùng để sát khuẩn chứa givalex, betadin gargle, loại có thành phần như nystatine để kháng nấm, loại có tác dụng làm săn khô niêm mạc họng có chứa muối carbonate.
Ngoài ra, trong thành phần của thuốc súc miệng, họng còn có thêm một số chất làm dịu ho, giảm đau, giảm viêm...
Do có rất nhiều loại thuốc súc họng với các thành phần khác nhau như vậy, vì thế người bệnh nên đi khám để có các chỉ định cụ thể. Tùy theo tình trạng các vấn đề xảy ra ở miệng, họng bác sĩ sẽ kê loại thuốc súc họng phù hợp.
Để thuốc có tác dụng tốt trên bề mặt niêm mạc họng, khi súc họng cần lưu ý, súc sạch họng bằng một ngụm đầu tiên, sau đó đến ngụm thứ hai nên ngậm trong họng từ 3-5 phút rồi mới nhổ thuốc ra.
Cần lưu ý, chỉ nên sử dụng các thuốc súc họng không quá 10 ngày (trừ nước muối sinh lý). Nếu lạm dụng sử dụng trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng (tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển).
Dùng các thuốc súc họng cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi hay khô họng... Cần ngừng thuốc khi gặp các biểu hiện trên.