Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua một dự luật yêu cầu bộ Quốc phòng Mỹ không được phép xác nhận lô hàng vũ khí, bao gồm tiêm kích F-35 chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong trường hợp Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Trước diễn biến mới này, một số chuyên gia quân sự và ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan điểm không hài lòng với cách ứng xử của Mỹ.
Faruk Logoglu, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao và cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ gọi đây là một quyết định gây thất vọng đến từ các nghị sĩ Mỹ, đồng thời nhắc lại việc Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà tài trợ lớn nhất đối với chương trình F-35 do Mỹ phát triển.
Ông lưu ý rằng Mỹ chắc chắn phải hiểu thỏa thuận giữa Moscow và Ankara trong việc chuyển giao S-400 sẽ không thể phá vỡ. Cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ hoài nghi về việc Mỹ sẽ cấm Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng F-35.
"Tất nhiên Mỹ có thể cố gắng làm như thế, bởi cũng giống như thỏa thuận với Iran, Washington sẽ chẳng ngại ngần rút khỏi bất kỳ thỏa thuận nào. Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi tình huống xảy ra. Nhưng tôi đoán rằng bất kỳ thành viên NATO nào tham gia vào chương trình phát triển F-35 sẽ chống lại một sáng kiến như vậy ở Mỹ", ông nói.
Trong một quan điểm khác, cựu thành viên lực lượng đặc biệt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Agar cho rằng, nếu Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải có những hành động phù hợp với mục tiêu và giá trị của NATO thì bản thân Washington cũng nên có thái độ tương tự như vậy.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao các đồng minh của chúng tôi lại tước đoạt các hệ thống phòng không. Vì sao các đồng minh lại hợp tác với người Kurd, đe dọa an ninh và tính toàn vẹn của Thổ Nhĩ Kỳ và bảo vệ người giáo sĩ đứng đầu phong trào Gulen, người đã tổ chức các âm mưu đảo chính trong nước", Agar nói thêm.
Erdogan Karakush, một Trung tướng đã nghỉ hưu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng nhu cầu của Ankara trong việc sở hữu hệ thống phòng không của riêng mình, không phụ thuộc vào những đồng minh không đáng tin cậy là điều hoàn toàn tự nhiên.
Ông tin rằng điều này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tự bảo vệ mình khỏi những động thái không thể đoán trước của chính quyền Mỹ hiện hành.
"Đã có một cuộc họp được lên kế hoạch giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã chuyển sang dùng những lời đe dọa đến Triều Tiên bằng cách nhắc đến số phận của Gaddafi. Thật không may, nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay thích sử dụng vũ lực trong chính sách đối ngoại", Karakush nêu quan điểm.