Những loạt đạn pháo bắn ra xối xả khiến nhóm biệt kích Mỹ phải tìm cách trú ẩn trong các công sự, rồi sau đó vùng lên giữa khói bụi mù mịt tấn công đáp trả đoàn xe tăng đối phương đang rầm rập tiến tới dưới sự yểm trợ của hỏa lực hạng nặng.
Đó là những diễn biến mở màn trận chiến kéo dài gần 4 giờ đồng hồ giữa các lính đặc nhiệm Mỹ chống lại lực lượng khoảng 500 tay súng ủng hộ chính phủ Syria, trong đó có cả "lính đánh thuê Nga", vào ngày 7/2/2018.
Kết thúc cuộc đối đầu, 200 - 300 tay súng tấn công bị chết. Số còn lại buộc phải rút lui trước các đòn không kích ác liệt của Mỹ, dù sau đó nhóm này vẫn trở lại thu nhặt xác chết đồng đội đem đi. 40 lính đặc nhiệm Mỹ đóng quân ở một tiền đồn nhỏ phía Đông Syria tham gia cuộc phản kích đã không ai bị thương.
Trên đây là những thông tin mới nhất vừa được tờ New York Times thu thập và tiết lộ về vụ tập kích được cho là đẫm máu nhất mà quân đội Mỹ phải đối diện kể từ khi tham gia chiến dịch chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Tập hợp lực lượng
Ngày hôm đó bắt đầu gần như không có dấu hiệu gì về một cuộc chiến ác liệt sắp diễn ra.
Phối hợp hoạt động cùng với các lực lượng người Kurd và Ả Rập tại một tiền đồn nhỏ bụi bặm gần nhà máy gas Conoco ngoại vi thành phố Deir ez-Zor là một nhóm khoảng 30 lính đặc nhiệm Delta Force và biệt kích Rangers thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Liên quân Mỹ.
Cách đó khoảng 32 km, tại căn cứ yểm trợ, một nhóm đặc nhiệm Green Berets và trung đội lính thủy đánh bộ đang chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, theo dõi thông tin chuyển về từ các máy bay không người lái và rồi sau đó chuyển những tin tức này tới lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Conoco về hướng di chuyển của nhóm chiến binh đang cơ động tới.
Khoảng 3 giờ chiều, lực lượng Syria bắt đầu tiến về hướng nhà máy Conoco. Đến đầu giờ tối, hơn 500 lính và 27 xe quân sự, gồm cả xe tăng và xe thiết giáp chở quân đã tập hợp đông đủ.
Một đoàn xe quân sự Nga di chuyển về phía tỉnh Deir ez-Zor. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại Trung tâm chỉ huy các chiến dịch không quân Mỹ ở Căn cứ Al Udeid, Qatar và tại Lầu Năm Góc, các sĩ quan quân sự và chuyên gia phân tích tình báo đang chăm chú theo dõi nhất cử nhất động diễn biến trên chiến trường.
Các tư lệnh quân đội Mỹ chỉ thị cho phi công và phi đội mặt đất sẵn sàng nhận lệnh. Máy bay chiến đấu trong khu vực được đặt trong tình trạng báo động.
Trở lại căn cứ hỗ trợ, lính biệt kích Green Berets và nhóm thủy quân lục chiến bắt đầu chuẩn bị một lực lượng phản ứng nhanh gồm khoảng 16 người, chia đều ra 4 chiếc xe kháng mìn, phòng trường hợp cần tiếp viện cho Conoco. Họ kiểm tra vũ khí, đảm bảo các xe đã chất đủ tên lửa chống tăng, kính ngắm ảnh nhiệt, thức ăn và nước uống.
Đến 8 giờ tối, 3 xe tăng T-72 do Nga chế tạo, mỗi chiếc nặng khoảng 50 tấn được vũ trang các pháo cỡ nòng 125 mm di chuyển tới vị trí cách nhà máy Conoco khoảng 1,5 km. Lực lượng Green Berets đã sẵn sáng đón đánh và đáp trả.
Tại tiền đồn gần nhà máy Conoco, đặc nhiệm Mỹ theo dõi sát đoàn xe tăng và các phương tiện thiết giáp di chuyển về phía họ, lúc đó khoảng 10 giờ tối. Nửa giờ sau, lực lượng Syria và "lính đánh thuê Nga" bắt đầu khai hỏa tấn công.
Đạn súng cối và pháo xe tăng dồn dập nã thẳng về phía Conoco. Bầu trời mù mịt bụi và mảnh đạn văng tứ phía. Biệt kích Mỹ tìm chỗ che chắn rồi cũng bắt đầu phóng tên lửa chống tăng, súng máy phản kích đoàn xe thiết giáp đang di chuyển tới.
Trong khoảng 15 phút đầu tiên, các quan chức Quân đội Mỹ liên tục gọi điện cho các đối tác Nga, "thúc giục họ ngừng cuộc tấn công". Nhưng khi nỗ lực này bất thành, lính Mỹ bắt đầu nã đạn vào nhóm xe thiết giáp. Các tay súng vẫn tiếp tục tiến tới.
Ứng cứu
Các máy bay chiến đấu của Mỹ được lệnh cất cánh yểm trợ. Tiêm kích tàng hình F-22, máy bay không người lái Reaper, F-15E, máy bay ném bom B-52, máy bay tác chiến điện tử AC-130 và trực thăng AH-64 Apache đồng loạt xuất kích.
Trong khoảng 3 giờ kế tiếp, hỏa lực Mỹ dồn dập tập kích binh lính, xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác của đối phương. Hỏa lực pháo binh của thủy quân lục chiến cũng yểm trợ dưới mặt đất.
Nhóm phản ứng nhanh Green Berets và thủy quân lục chiến tiếp cận Conoco lúc khoảng 11:30 tối nhưng họ buộc phải dừng lại. Hỏa lực pháo binh quá dữ dội khiến họ không thể lái xe xuyên qua, phải đợi cho tới khi các đòn không kích dẹp yên đạn pháo và xe tăng đối phương.
Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ hoạt động ở Syria
Đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau, khi hỏa lực pháo binh lắng xuống, nhóm Green Berets mới tới được tiền đồn Conoco và bắt đầu khai hỏa. Khi đó, một số máy bay chiến đấu của Mỹ đã phải quay trở lại căn cứ, do cạn nhiên liệu hoặc vơi đạn.
Trên mặt đất, lính Mỹ hiện có khoảng 40 người, củng cố hệ thống phòng ngự khi và tiếp tục chiến đấu. Khoảng 1 giờ sau, nhóm tấn công bắt đầu rút lui, phía Mỹ cũng ngừng bắn.
Từ tiền đồn, biệt kích và đặc nhiệm Mỹ vẫn có thể theo dõi các "lính đánh thuê" và những tay súng Syria trở lại nhặt xác đồng đội.
Lực lượng nào chỉ huy vụ tấn công?
Cho tới nay, con số thương vong trong vụ đụng độ ngày 7/2 vẫn còn gây tranh cãi.
Ban đầu, phía Moscow nói rằng chỉ có 4 công dân Nga bị thiệt mạng, còn một sĩ quan Syria cho biết, khoảng 100 binh lính nước này bị chết. Tài liệu mà New York Times thu thập được thì lại ước tính khoảng 200- 300 lính thuộc "lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria" đã tử vong.
Và vẫn còn nhiều câu hỏi để ngỏ về việc thực sự ai đã chỉ huy nhóm lính tấn công này và tại sao họ lại tập kích tiền đồn Mỹ.
Các quan chức tình báo Mỹ từng khẳng định, Wagner Group - được cho là nhóm "lính đánh thuê Nga" đã giữ vai trò chỉ huy trận chiến với mục đích chiếm giữ các giếng dầu ở Syria và thay mặt Chính phủ Tổng thống Bashar Assad bảo vệ chúng. Nhóm này sau đó sẽ được chia phần nhờ những giếng dầu mà họ chiếm giữ được.
Các lực lượng chính phủ Nga ở Syria khẳng định họ không liên quan tới trận chiến. Thế nhưng, tuyên bố từ phía Nga vẫn chưa khiến Mỹ thôi ngờ vực, bởi những tuần gần đây lại xuất hiện thông tin Nga đã chế áp thông tin của các máy bay không người lái Mỹ và những chiếc AC-130, loại đã được Mỹ sử dụng trong vụ phản kích.
"Ngay lúc này, tại Syria, chúng ta đang hoạt động ở một môi trường tác chiến điện tử hung hăng nhất hành tinh, do các đối thủ của chúng ta tiến hành. Họ kiểm tra chúng ta hàng ngày, chế áp các hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các máy bay EC-130 của chúng ta...", Tướng Raymond Thomas - chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt của Mỹ cho biết hôm 24/4.
Hải quân Mỹ công bố video tàu ngầm USS John Warner phóng tên lửa hành trình tấn công Syria