Thấy trẻ có những dấu hiệu này mẹ cần cho bú ngay lập tức vì con đang đói

PV |

Có rất nhiều “tín hiệu” từ bé để thông báo cho mẹ biết rằng bé đang đói bụng. Mẹ cần quan sát kỹ để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giải tỏa cơn “thèm sữa” của con.

Vì sao cần nhận biết kịp thời dấu hiệu bé đòi bú? 

Việc các bà mẹ nhận biết sớm dấu hiệu đòi bú của trẻ sơ sinh là rất cần thiết để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giải tỏa được cơn đói của con.

Điều này giúp cho em bé bình tĩnh, dễ dàng ngậm vú mẹ và quan trọng nhất đó là tránh tình trạng con bị đói quá lâu, ảnh hưởng đến thói quen bú sữa cũng như các tác động xấu tới hệ tiêu hóa của trẻ.

Dấu hiệu bé đòi bú chính xác nhất mẹ nên biết

Dấu hiệu sớm nhất nhận biết bé đang đòi bú

Mẹ cần chú ý đến những biểu hiện khi con bắt đầu đói bụng như sau:

● Bé không ngừng liếm môi.

● Bé thường xuyên lè lưỡi.

● Bé hay mút môi, lưỡi, tay hoặc liếm bàn tay và ngón tay.

● Bé khép, mở miệng nhiều hơn.

● Bé tìm mẹ, liên tục quay đầu sang hai bên để tìm kiếm những tương tác của mẹ.

Dấu hiệu tiếp theo nhận biết bé đang đòi bú

Sau những biểu hiện nhẹ nhàng của cơn đói, bé sẽ biết thể hiện hơn nhu cầu của mình qua các dấu hiệu rõ rệt như:

● Bé vùi đầu, đập tay vào ngực của người đang bế ẵm.

● Bé gây sự chú ý bằng cách giằng kéo quần áo.

● Bé di chuyển tay chân liên tục.

● Bé có thể quấy khóc, rên rỉ, khó chịu.

● Mắt bé không ngừng cử động, kể cả khi vẫn đang nhắm.

● Bé tỉnh giấc khi đang ngủ, sau đó ngay lập tức ngủ thiếp đi rất nhanh.

Thấy trẻ có những dấu hiệu này mẹ cần cho bú ngay lập tức vì con đang đói - Ảnh 1.

Khi cơn đói dữ dội, bé có thể quấy khóc đòi bú.

Dấu hiệu muộn nhận biết bé đang đòi bú

Khi cơn đói trở nên dữ dội hơn, bé sẽ báo hiệu cho mẹ bằng cách di chuyển đầu một cách liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần. Bé bắt đầu quấy khóc, và đây là dấu hiệu cuối cùng để người mẹ nhận biết con mình đang đói.

Những lúc như vậy, mẹ cần bình tĩnh dỗ dành trước khi cho bé bú bằng cách ôm ấp con, nhẹ nhàng đung đưa, xoa dịu con, kết hợp massage rồi sau đó mới cho con bú.

Việc kết hợp các động tác trên thay vì cho bé bú ngay sẽ giúp tránh tình huống con hờn dỗi, từ chối bú mẹ. Điều này có thể khiến em bé ngậm vú không tốt, làm cho mẹ dễ bị đau đầu ti.

Tuy nhiên, nếu đợi đến khi em bé nín khóc hẳn mới cho bú sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, khiến cho mẹ và bé đều căng thẳng. Do đó, mẹ nên linh hoạt trong vấn đề này để tìm được thời điểm "dụ" con bú hiệu quả.

Thấy trẻ có những dấu hiệu này mẹ cần cho bú ngay lập tức vì con đang đói - Ảnh 2.

Mẹ hãy ôm ấp con rồi sau đó mới đặt núm vú vào miệng để em bé bú.

Dấu hiệu nhận biết bé đã bú no

Dấu hiệu ở nước tiểu

Cách thông thường nhất để nhận biết bé bú có đủ hay không đó là thông qua số lượng tã mẹ thay cho con. Trong khoảng 2 ngày đầu tiên sau khi chào đời, con cần thay khoảng 2-4 cái tã. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5 trở đi, số lượng tã phải thay sẽ tăng lên khoảng 6-8 cái.

Nước tiểu của bé có màu vàng nhạt, không có mùi. Trong trường hợp nước tiểu của bé có màu sẫm thì nhiều khả năng bé vẫn đang bị đói.

Dấu hiệu ở phân

Các dấu hiệu ở phân cũng là một cách để nhận biết bé bú có đủ no hay không. Trong 1-2 ngày đầu tiên, bé thường đi tiêu ra phân su (phân dày, dính, có màu đen hoặc xanh đậm). Hết những ngày bú sữa non, phân của bé sẽ trở nên lỏng, có màu vàng và ít có mùi hôi hơn.

Trong khoảng vài tuần đầu tiên, con cần thay từ 6-8 chiếc tã/ngày, phân có màu vàng và lỏng. Tần suất này có thể thay đổi và khác nhau với từng bé.

Vú mẹ mềm đi

Các mẹ cũng có thể nhận biết bằng dấu hiệu thấy vú mình mềm hơn sau khi cho bé bú. Bé bú no sẽ tự động bỏ vú, sau bú bé sẽ ngủ từ 2-4 giờ.

Cử động tay bé

Những lúc đói, ngoài tiếng khóc, tay con sẽ nắm chặt lại và khua liên tục hoặc thậm chí bé sẽ cho nắm tay vào miệng.

Thấy trẻ có những dấu hiệu này mẹ cần cho bú ngay lập tức vì con đang đói - Ảnh 3.

Trẻ bú no sẽ xòe cả bàn tay ra, tự động bỏ vú và ngủ say.

Khi kết thúc bữa ăn, tay của bé dần dần buông lỏng và xòe cả bàn tay ra vì khi đó con đã bú đủ sữa. Cơ thể bé thư giãn, được nạp đầy năng lượng thường có xu hướng thả lỏng và duỗi ra một cách tự nhiên.

Giấc ngủ của bé liền mạch

Khi bé bú no cũng là lúc bé sẽ có một giấc ngủ sâu và ngon. Nếu giấc ngủ của bé kéo dài từ 45-60 phút (45 phút là thời gian tối thiểu cho một giấc ngủ của trẻ sơ sinh) thì đó là tín hiệu cho thấy lượng sữa bé ăn vào đủ cho hoạt động ngủ, chơi của bé.

Khi bị đói, bé sẽ thông báo cho mẹ biết thông qua nhiều tín hiệu. Thay vì tính toán lượng sữa mà bé bú, thời gian mà bé đói, mẹ cần chú ý quan sát những hành vi của bé. Điều này sẽ giúp các mẹ phát hiện ra thời điểm cần cho con bú để tránh con bị đói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại