Tiền sản giật thường phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và xuất hiện nhiều nhất từ tuần thứ 37.
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai sản nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Tình trạng này xảy ra do nhiễm độc thai nghén, thường phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và xuất hiện nhiều nhất từ tuần thứ 37, chiếm tỉ lệ khoảng 5 - 8% trong tổng số phụ nữ mang thai.
Ai có nguy cơ mắc tiền sản giật?
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh nguyên nhân cụ thể gây nên chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, có một vài yếu tố được cho là có nguy cơ gây nên biến chứng nguy hiểm này cho bà bầu, đó là:
- Thừa cân, béo phì.
- Cao huyết áp mạn tính.
- Mắc một số bệnh như máu khó đông, bệnh thận, tiểu đường, lupus…
- Mang đa thai.
- Có tiền sử mắc tiền sản giật ở lần mang thai trước.
- Tiền sử gia đình có người mắc tiền sản giật.
- Mang thai muộn, khi đã ngoài 40 tuổi.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai ít hơn 2 năm hoặc nhiều hơn 10 năm.
- Có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong suốt thai kỳ.
Mẹ bầu thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc tiền sản giật
Các triệu chứng cảnh báo tiền sản giật
Có 3 triệu chứng chính của tiền sản giật là tăng huyết áp, tăng protein niệu và phù, cụ thể:
- Cao huyết áp: Huyết áp 140/90 mmHg hoặc cao hơn.
- Dư thừa protein trong nước tiểu: > 0,3g/l.
- Sưng (phù) tay, chân, mặt. Đây là triệu chứng cũng thường xảy ra ở nhiều mẹ bầu trong thai kỳ, do đó dễ khiến mẹ bầu bỏ qua.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mà mẹ bầu cần chú ý đó là:
- Đau bụng trên hoặc dưới xương sườn phía bên phải.
- Tăng cân đột ngột, không rõ nguyên nhân, có thể tăng tới 2kg/tuần.
- Thường cảm thấy buồn nôn, nôn.
- Thường xuyên đau đầu, chóng mặt.
- Lượng nước tiểu giảm sút.
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
Những dấu hiệu kể trên cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác hoặc chỉ là thay đổi thông thường trong thai kỳ. Để chắc chắn nhất, mẹ bầu hãy đến khám ở những cơ sở y tế uy tín để khẳng định.
Tiền sản giật có nhiều biến chứng nguy hiểm
Tiền sản giật là chứng bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi, cụ thể:
Biến chứng ở mẹ:
- Tăng huyết áp.
- Tăng nguy cơ bong nhau non.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Gây các biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng gan, rối loạn đông máu, hội chứng tán huyết.
- Suy thận cấp.
- Phù phổi cấp và suy tim cấp.
- Tử vong.
Suy thận cấp là biến chứng chiếm 23% các nguyên nhân tử vong ở mẹ bầu.
Biến chứng ở thai nhi:
- Suy dinh dưỡng sau khi sinh ra.
- Chết lưu hoặc tử vong ngay sau khi sinh do bị ngạt, chấn thương, chảy máu phổi…
Phòng ngừa tiền sản giật thai kỳ
Để phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, mẹ bầu cần lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt như sau:
- Bổ sung đầy đủ DHA, EPA có nhiều trong cá hồi, súp lơ, quả óc chó, hạt vừng… để phòng ngừa tiền sản giật.
- Bổ sung đủ canxi trong suốt thai kỳ để giảm tới 49% nguy cơ tiền sản giật ở những mẹ bầu có nguy cơ thấp và tới 82% ở những mẹ bầu có nguy cơ cao. Các thực phẩm giàu canxi gồm sữa, măng tây, đậu bắp, súp lơ xanh…
- Bổ sung vitamin D đầy đủ để giúp giảm 27% nguy cơ mắc tiền sản giật. Các sản phẩm giàu vitamin D như dầu gan cá, ngũ cốc nguyên hạt, nấm hương…
- Tập thể dục thường xuyên cũng là biện pháp giúp mẹ bầu nâng cao sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ bị tiền sản giật.
- Theo dõi sát sao thai kỳ. Nếu có bất thường, mẹ bầu nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Tiền sản giật là tình trạng rất nguy hiểm đối với cả mẹ bầu và thai nhi. Chính vì thế, phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là việc làm mà các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.