Thấy con có 4 triệu chứng, mẹ sợ bị bệnh nặng, đến lúc đi khám mới ngỡ ngàng phát hiện nguyên nhân

Ngọc Minh |

Trong 1 năm qua, bé Tiến (*) 7 tuổi tại Nghệ An thường xuyên có các đợt rối loạn tiêu hóa. Gần đây, thấy con có 4 triệu chứng, gia đình đưa con đi khám, tìm ra nguyên nhân ngỡ ngàng.

- Hơn một năm trở lại đây, bé 7 tuổi có nhiều đợt rối loạn tiêu hóa.

- Một tháng gần đây, bé xuất hiện 4 triệu chứng, đi khám bác sĩ kết luận nhiễm sán dây chuột.

- Bác sĩ cảnh báo mức độ nguy hiểm sán dây chuột, cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Theo chị Hồng (*) (mẹ bé Tiến), cách đây hơn 1 năm, Tiến hay bị rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên chị không cho đi khám mà chỉ uống men tiêu hóa.

Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ăn kém, rối loạn tiêu hóa không thường xuyên, gầy, sụt nhẹ cân. Lo lắng con mắc bệnh nặng nên chị Hồng đưa con đi khám, sau đó được giới thiệu tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hymenolepiasis đặc hiệu trong mẫu phân.

Ths. Bs Văn Thị Thơ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương, cho hay bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis là do 2 loài sán Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây chuột) gây nên, và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm và mắc bệnh.

Thấy con có 4 triệu chứng, mẹ sợ bị bệnh nặng, đến lúc đi khám mới ngỡ ngàng phát hiện nguyên nhân- Ảnh 1.

Bác sĩ Thơ khám cho bệnh nhi (ảnh PV).

Tiến được chẩn đoán mắc sán dây chuột. Khi bác sĩ chẩn đoán Tiến nhiễm sán dây chuột, gia đình chị Hồng đã rất bất ngờ vì lần đầu tiên chị nghe thấy có căn bệnh như vậy.

"Tôi có hỏi bác sĩ nếu con tôi bị nhẹ thì cho về điều trị ngoại trú. Nhưng bác sĩ nói con tôi phải nằm viện nội trú. Nghe bác sĩ nói vậy tôi lo lắng vì nghĩ con mắc bệnh nặng. Được bác sĩ giải thích về đường lây, điều trị sán dây chuột tôi cũng yên tâm hơn", chị Hồng chia sẻ.

Chị Hồng cho hay nhà chị không có chuột nhưng lại rất nhiều gián. Bác sĩ cho rằng bảo quản đồ ăn sai cách, không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân nhiễm sán dây chuột.

Tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán. Do bệnh diễn biến âm thầm nên thường bị bỏ qua.

Bệnh thường phổ biến tại các quốc gia ôn đới, thường gặp nhất ở những người sống ở khu vực có điều kiện vệ sinh kém và những người sống trong môi trường tập trung.

"Khi người nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng, phá vỡ nhung mao ruột, gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn… chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới… Đôi khi có các dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật", bác sĩ Văn Thị Thơ nói.

Thấy con có 4 triệu chứng, mẹ sợ bị bệnh nặng, đến lúc đi khám mới ngỡ ngàng phát hiện nguyên nhân- Ảnh 2.

Ths. Bs Văn Thị Thơ khuyên người dân giữ gìn về sinh để ngăn ngừa sán dây chuột (ảnh PV).

Để phòng tránh bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis, bác sĩ Thơ khuyến cáo người dân:

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn;

- Dạy trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn ngừa nhiễm trùng;

- Bảo quản đồ ăn để tránh chuột, gián bò vào.

- Khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn như nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại