Tưởng bị rối loạn tiêu hóa, cô gái phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối: Cách nhận diện dấu hiệu ung thư

Mộc Trà |

Theo chuyên gia, thông thường các dấu hiệu tiền ung thư hay bị nhiều người bỏ qua.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), đơn vị vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch vùng, lập lại lưu thông tiêu hóa cho nữ bệnh nhân N.T.N (30 tuổi, Phú Thọ) mắc ung thư đại tràng giai đoạn cuối.

Được biết, trước khi phát hiện bệnh, chị N cảm thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ đơn giản là rối loạn tiêu hóa. Chị cũng không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chủ quan nghĩ rằng mình còn "trẻ" thì làm gì có chuyện bị ung thư. Cho đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi, chị mới đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám.

Bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.

Sau mổ bệnh nhân ổn định, hiện đang điều trị hóa chất bổ trợ. Sức khỏe bệnh nhân có tiến triển, đang được chăm sóc tại khoa Ung bướu của bệnh viện.

Theo các chuyên gia, ung thư đại tràng là căn nguyên gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới và đứng thứ 5 tại Việt Nam. Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%.

Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới ung thư đại tràng, hơn 8.200 ca tử vong vì bệnh này. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh ở giới trẻ.

Ung thư đại tràng là bệnh lý ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5 tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày.

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ung thư đại tràng là một trong những căn bệnh ung thư có tiên lượng tốt, nghĩa là mức độ gây nguy hiểm của bệnh thấp hơn các bệnh lý ung thư khác, nếu bệnh nhân điều trị kịp thời và tích cực thì cơ hội sống cao, nhiều trường hợp phát hiện sớm và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh.

Tưởng bị rối loạn tiêu hóa, cô gái phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối: Cách nhận diện dấu hiệu ung thư - Ảnh 1.

Các dấu hiệu ung thư đại tràng thông thường liên quan đến đường tiêu hóa. Ảnh: Internet

Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, nhưng những dấu hiệu cảnh báo thường là:

- Có máu trong phân, hoặc đàm nhớt trong phân

- Thay đổi về tính chất và hình dạng phân (như phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường…)

- Thay đổi thói quen đại tiện (đi cầu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy…)

- Tiêu chảy, táo bón hoặc cảm giác đại tiện không sạch

- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi

- Sụt cân không rõ lý do

- Đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng dưới

- Nôn ói

- Xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần…

"Nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng thường do yếu tố di truyền, lối sống thiếu khoa học, hút thuốc, béo phì, tuổi cao,… Chính vì thế để có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, chúng ta nên thay đổi thói quen không tốt, không hút thuốc lá, chăm chỉ vận động, duy trì cân nặng và ăn nhiều rau xanh, trái cây để có thể phòng ngừa tốt", BS Nghi cho hay.

Ngoài ra, ung thư đại tràng đa phần ban đầu chỉ là các tổn thương tiền ung thư, nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Một số trường hợp ung thư đại tràng có tính chất gia đình, nên bác sĩ khuyến cáo thân nhân của những người bệnh ung thư đại tràng nên khám tầm soát sớm, phát hiện sớm các tổn thương để xử lý kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại