Bảo vệ thận là điều cần thiết (Ảnh minh họa)
Thận được coi là "nhà máy lọc và xử lý chất độc" của cơ thể. Ở trạng thái khỏe mạnh, mỗi ngày thận lọc khoảng 120-150 lít máu, sản xuất khoảng 1-2 lít nước tiểu, từ đó loại bỏ các chất độc hại và chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể. Các chất này bao gồm ure, creatinin, axit uric,... Ngoài ra, thận còn có nhiệm vụ điều chỉnh lượng nước và các chất điện giải trong cơ thể, duy trì cân bằng axit-bazơ, sản xuất hormon quan trọng như erythropoietin (kích thích sản xuất hồng cầu) và renin (điều hòa huyết áp), cũng như chuyển hóa vitamin D để duy trì sức khỏe xương.
Vì những chức năng quan trọng này, việc bảo vệ thận, giữ cho thận khỏe mạnh là điều mà bất cứ ai cũng cần thực hiện mỗi ngày.
Theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today và Healthline, để giữ cho thận khỏe, mọi người nên thực hiện 7 việc sau đây.
7 việc cần làm để giữ cho thận luôn khỏe mạnh
Uống đủ nước
Uống đủ nước có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về thận, chẳng hạn như sỏi thận. Thận lọc chất thải bằng cách bài tiết nước tiểu. Khi chúng ta không tiêu thụ đủ nước, lượng nước tiểu sẽ bị giảm đi và các chất thải có thể bị tích tụ lại trong cơ thể.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, mỗi người nên uống 40ml nước/kg/ngày. Ví dụ, một người nặng 50kg nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
Không ăn quá nhiều muối
Muối natri rất quan trọng đối với cơ thể vì nó giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì cân bằng chất lỏng, truyền dẫn thần kinh. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều muối natri có thể làm tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ suy thận, bệnh tim và đột quỵ.
Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 2.300mg natri mỗi ngày. Mọi người có thể cắt giảm lượng natri tiêu thụ mỗi ngày bằng việc hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc chọn các thực phẩm ít hoặc không có natri.
Có chế độ ăn uống phù hợp
Một chế độ ăn uống gồm nhiều thực phẩm tốt cho thận và cắt giảm thực phẩm hại thận có thể giúp tăng cường chức năng thận.
Một số thực phẩm tốt cho thận mà mọi người nên thêm vào chế độ ăn mỗi ngày là quả lựu, quả bơ, đậu phụ, cá, súp lơ xanh, bí đỏ, rau lá xanh, cà chua, các loại đậu, các loại quả mọng, các loại trái cây họ cam quýt, táo, ngũ cốc nguyên hạt.
Các thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có ga, carb tinh chế, đường và các chất làm ngọt nhân tạo, protein từ động vật, thực phẩm nhiều muối, đồ uống có cồn.
Riêng đối với những người đang mắc bệnh thận, cần tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Tăng cường hoạt động thể chất
Tăng cường hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Hoạt động này cũng giúp giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch - 2 yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa những tổn thương về thận.
Có rất nhiều cách để bạn tăng cường hoạt động thể chất, ví dụ như đi bộ, chạy, đạp xe, khiêu vũ hoặc chỉ đơn giản là dọn dẹp nhà cửa, leo cầu thang bộ. Cho dù bạn chọn bộ môn nào đi chăng nữa, hãy nhớ duy trì tập luyện đều đặn.
Quản lý đường huyết
Những người mắc bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết. Đường huyết quá cao có thể làm ảnh hưởng tới chức năng lọc của thận, lâu dần có thể dẫn tới suy thận.
Quản lý huyết áp
Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận. Đặc biệt, nếu huyết áp cao đi kèm với các tình trạng sức khỏe khác như tiểu đường, tim mạch hoặc mỡ máu cao, ảnh hưởng tới cơ thể sẽ càng lớn.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tổn thương mạch máu, ảnh hưởng tới lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, trong đó có thận. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thận.