Xưởng đóng tàu Giang Nam, nằm tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải mới chỉ được mở vào năm 2008 nhưng tới nay đã tăng quy mô 64%, theo phân tích ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), Mỹ.
"Xưởng Giang Nam chịu trách nhiệm đóng một số con tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc… Những sản phẩm xuất xưởng từ đây là một phần quan trọng của việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc”, Matthew Funaiole, nghiên cứu viên của CSIS thuộc dự án Sức mạnh Trung Quốc, nói với CNN.
Xưởng đóng tàu Giang Nam với những phân xưởng được mở rộng
Thông tin này xuất hiện giữa lúc đang có chiến dịch phối hợp tại Trung Quốc, do chủ tịch Tập phát động, đẩy nhanh việc mở rộng và hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, với 32 tàu được đưa vào biên chế trong hai năm 2016 -2017, theo các báo cáo của chính phủ Mỹ.
Phát biểu trước cầu tàu của khu trục hạm Trường Sa hồi tháng Tư, ông Tập nói nhiệm vụ xây dựng một hải quân Trung Quốc mạnh “chưa bao giờ cấp thiết như thế” và cam kết biến hải quân thành lực lượng “đẳng cấp thế giới”.
Các bức ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam đã chộp được hình ảnh một số con tàu mới nhất, tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc đang trong giai đoạn được đóng, bao gồm một số tàu lớp Type-055, được coi là tàu chiến lớn nhất, tinh vi nhất và chết chóc nhất của châu Á.
Thế đang lên của quân đội Trung Quốc nói chung và tốc độ xuất xưởng tàu chiến nói riêng đang là nỗi lo của Mỹ. Cho dù vẫn chiếm giữ lợi thế về chất lượng, nếu không muốn nói là cả số lượng tàu, đội tàu chiến Mỹ trong vài năm gần đây luôn gặp phải sự cố.
Hai vụ va chạm trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hủy hoại danh tiếng của hải quân Mỹ, trong khi báo cáo của chính phủ nói phải mất hàng chục năm để cải tổ các xưởng đóng tàu, vốn đang trong tình trạng khá tệ.
“Số lượng tàu với thiết kế hiện đại ngày càng tăng trong nhóm các tàu Trung Quốc đóng mới… Hiện nay quy mô của hải quân Trung Quốc đã lớn hơn các hạm đội đang hoạt động của Mỹ. Khoảng cách có thể tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo”, ông Funaiole nói.
Là một trong những xưởng đóng tàu lâu đời nhất của Trung Quốc, ra đời từ năm 1865, xưởng Giang Nam đã được di dời từ trung tâm thành phố Thượng Hải ra vị trí hiện nay, bên ngoài thành phố, từ năm 2005.
Nó chỉ là một trong các xưởng đóng tàu quy mô lớn cho hải quân Trung Quốc, đều có tốc độ tăng trưởng rất vững chắc. Năm 2011, xưởng Giang Nam có quy mô 7km2.Năm 2018, diện tích của xưởng là 11,5km2.
Trong khi khu vực đóng tàu dân dụng hầu như không thay đổi trong 7 năm qua, khu vực đóng tàu quân sự đã trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng. Theo CSIS, hai phân xưởng mới đã hoàn thành, trong khi đó khu lắp ráp và một ụ ướt (dùng để đóng và hạ thủy) đang được xây dựng tiếp.
Trong năm 2018, CSIS đã quan sát các hoạt động đóng tàu và trang bị các thiết bị đi kèm tại các phân xưởng của khu Giang Nam, với 5 tàu khu trục Type- 052D và ít nhất là 2 tàu lớp Type- 055.
"Tàu Type 055 lớn hơn và mạnh hơn hầu hết tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”, nhà phân tích Timothy Heath của hãng tư Rand Corp (Mỹ) nói.
Trong số các tàu quan sát được tại xưởng Giang Nam còn có chiếc tàu phá băng Xue Long 2 do Trung Quốc tự thiết kế và phát triển đang được đóng dở. Đây là phần quan trọng trong tham vọng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh về vùng Bắc cực.
Dễ nhận thấy nhất là không có dấu vết nào của chiếc tàu sân bay tự chế tạo thứ hai và là chiếc thứ ba trong biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, được đồn là đang trong quá trình đóng tại xưởng Giang Nam.
“Chắc chắn có những phân xưởng mới tại Giang Nam nhưng còn quá sớm để nói đó là nơi đóng tàu Type 002… Đây là việc cần theo dõi trong năm 2019”, ông Funaiole nói với CNN.
Trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân, chính phủ Mỹ nói họ nghi ngờ khả năng nâng cấp hạm đội của hải quân Mỹ hiện nay.
Một báo cáo năm 2017 của Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) nói các cơ sở đóng tàu hải quân của Mỹ, các thiết bị đi kèm đang trong tình trạng xuống cấp, gây cản trở quá trình đại tu và bảo dưỡng tàu chiến. Để khắc phục tình trạng này, có thể phải mất ít nhất là 19 năm.
Báo cáo mới của GAO, công bố ngày 12/12 vừa qua nói việc bảo dưỡng tàu chiến Mỹ thường xuyên chậm trễ- chỉ 30% đúng hạn, tính từ năm 2012, “dẫn đến việc thiếu hụt tàu chiến cho huấn luyện và các hoạt động tác chiến của Mỹ”. Nếu tính mức độ thiếu hụt bằng ngày thì con số phải lên đến hàng ngàn.