Nếu Tu-160 là hiện vật bảo tàng, thì B-52 là gì?
Đại sứ Mỹ tại Colombia Kevin Whitaker đã gọi các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 (Blackjack) của Nga là "hiện vật bảo tàng". Nhưng liệu chúng đã thực sự lỗi thời hay chưa, và sức mạnh của chúng so với các máy bay ném bom của Mỹ như thế nào?
Theo ông Mikhail Khodarenok – Đại tá về hưu của Nga, đầu tiên hãy nói về 2 máy bay ném bom Nga vừa tới Venezuela vào tuần trước. Đó là các máy bay Tu-160 (Thiên Nga trắng) Nikolay Kuznetsov và Vasily Reshetnikov.
Cận cảnh máy bay Tu-160 của Nga hạ cánh ở Venezuela. Nguồn: RT.
Chiếc Nikolay Kuznetsov được sản xuất ngày 29/12/1990 và được đưa vào biên chế của Trung đoàn hàng không ném bom hạng nặng số 184, trực thuộc lực lượng không quân tầm xa Liên Xô (đóng tại Priluki, Ukraine).
Năm 1999, nó được Ukraine chuyển giao cho Nga để trao đổi lấy khí gas tự nhiên và được triển khai tới căn cứ không quân Engels tháng 11 năm đó.
Năm 2008, chiếc Nikolay Kuznetsov được đưa vào bảo dưỡng, nâng cấp tại Liên hiệp sản xuất máy bay Kazan (KAPO).
Trong khi đó, chiếc Vasily Reshetnikov được đưa vào biên chế Không quân Nga trong khoảng tháng 4-tháng 5/1992. Từ tháng 7/2008 – 12/2009, nó được bảo dưỡng tại KAPO và sau đó được nâng cấp trong giai đoạn tháng 8-tháng 9/2017.
Xét theo các mốc thời gian trên thì một chiếc Tu-160 mới 28 tuổi, chiếc còn lại 26 tuổi. Như thế là quá già ư?
Cần làm rõ rằng, tất cả các loại máy bay đều được chia làm 2 loại: Phù hợp và không còn phù hợp để bay. Không còn cấp độ nào khác để nói về khả năng hoạt động của một chiếc máy bay.
Giờ thì hãy nhìn sang máy bay ném bom chiến lược B-52, chủ lực của Không quân chiến lược Mỹ. Đây là một trong số ít máy bay đã hoạt động hơn 50 năm. Mỹ bắt đầu phát triển máy bay ném bom chiến lược B-52 vào năm 1948.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nguyên mẫu XB-52 diễn ra vào ngày 15/4/1952. Kể từ đó, đã có 744 chiếc B-52 được sản xuất, và 71 chiếc trong số này đã bị loại biên sau các vụ tai nạn bay. Chiếc B-52 cuối cùng được sản xuất vào tháng 6/1962.
Các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đều già hơn Tu-160 Nga tới vài chục tuổi. Ảnh: Wiki
Nói cách khác, tất cả số máy bay B-52 còn hoạt động tới ngày nay đều đã hơn 50 năm tuổi. Mỹ có kế hoạch duy trì hoạt động của B-52H tới những năm 2040, tức là khi chúng đã 83 tuổi và hết sạch tuổi thọ hoạt động.
Theo một số nguồn tin, B-52 có cơ hội trở thành mẫu máy bay đầu tiên duy trì hoạt động tới hơn 1 thế kỷ. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có hơn 70 chiếc B-52 có đủ khả năng hoạt động trong Không quân Mỹ. Chúng vẫn đang tiếp tục được hiện đại hóa, với hệ thống điện tử hàng không liên tục được nâng cấp. Do đó, khó có thể nói rằng những máy bay này đã lỗi thời.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bất cứ chiếc B-52 nào cũng nhiều hơn chiếc Tu-160 Nikolay Kuznetsov ít nhất 28 tuổi, và chiếc Vasily Reshetnikov 30 tuổi.
Trên cơ sở đó, theo ông Khodarenok, việc gọi máy bay ném bom Tu-160 của Nga như "hiện vật bảo tàng" là một hành động "thiếu tôn trọng". Có vẻ như, Đại sứ Mỹ Kevin Whitaker không biết về những con số thực tế này.
Ngay cả B-1B Lancer cũng "già" hơn Tu-160. Ảnh: Aviation Geek
Giờ hãy chuyển sang một mẫu máy bay ném bom chiến lược khác của Không quân Mỹ, đó là B-1B Lancer.
Nhiều người cho rằng lý do khiến Liên Xô chế tạo máy bay ném bom mới Tu-160 xuất phát từ việc Mỹ quyết định phát triển một mẫu máy bay đầy hứa hẹn mới trong dự án Máy bay Chiến lược Có người lái Tiên tiến (AMSA) – sau này trở thành Rockwell B-1 Lancer.
Nói cách khác, Tu-160 là sự đáp trả của ngành hàng không Liên Xô trước sự xuất hiện của B-1 Mỹ. Chúng thậm chí còn có nhiều điểm tương tự nhau.
Máy bay ném bom B-1 Lancer được Rockwell International phát triển trong những năm 1970 và 1980. Nó được đưa vào biên chế Không quân Mỹ từ ngày 27/7/1985. Toàn bộ các máy bay ném bom B-1 được sản xuất trong giai đoạn 1974-1988, với tổng cộng khoảng 100 chiếc được đưa vào biên chế.
Song, cần lưu ý rằng, ngay cả chiếc B-1B được sản xuất gần đây nhất của Mỹ cũng vẫn "già" hơn chiếc Tu-160 Nikolay Kuznetsov 2 tuổi. Ngoài ra, hầu hết khung thân của các máy bay ném bom Tu-160 còn lại đều được sản xuất vào cùng thời gian hoặc muộn hơn so với B-1B.
Mẫu máy bay ném bom chiến lược thứ ba của Không quân Mỹ - B-2 Spirit – chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ (21 chiếc, với chi phí 2 tỷ USD/chiếc) trong giai đoạn 1988 và 1999 – điều đó đồng nghĩa với việc B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom "trẻ nhất" của Không quân Mỹ, khi mới chỉ gần 20 tuổi.
Tuy nhiên, thời gian chưa phải là vấn đề với mẫu máy bay này. Chúng ta sẽ còn nhìn thấy chúng hoạt động trong nhiều thập kỷ.
"Mong Đại sứ Mỹ Kevin Whitaker hãy sống đủ lâu!"
Ngoài Tu-160, Nga còn có một mẫu máy bay ném bom "lão thành" khác, đó là Tu-95.
Các máy bay ném bom Tu-95 của Nga thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 1952 và phiên bản cải tiến mới nhất của nó – Tu-95MS được sản xuất vào đầu những năm 1980. Mẫu máy bay này vẫn thường xuyên hoạt động, miễn là khung máy bay của chúng còn đủ tốt, và thường thì chúng sẽ còn hoạt động dẻo dai trong một thời gian rất dài.
Tất nhiên, các máy bay sẽ được bảo dưỡng và nâng cấp. Chúng được trang bị hệ thống điện tử hàng không mới và các loại vũ khí phóng từ trên không.
Một số nguồn tin cho biết, Tu-95MS đã được nâng cấp với tên lửa hành trình mới có tầm ngắn tới hơn 5.000km.
Ngoài ra, Nga cũng đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom chiến lược mới Tupolev PAD DA, và phiên bản nâng cấp của Tu-160 – Tu-160M2.
Về cơ bản, điều đó có nghĩa khung thân của Tu-160 sẽ được trang bị một loạt thiết bị hoàn toàn mới, trong đó có radar, các hệ thống-thiết bị buồng lái, và tất cả những trang bị đó sẽ giúp gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của chúng.
Những chú "Thiên nga trắng" này không chỉ gia tăng năng lực chiến đấu, mà còn có khả năng phòng thủ được nâng cao nhờ hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới. Tu-160M2 sẽ được bảo vệ trước bất cứ cuộc tấn công đất-đối-không và không-đối-không nào.
Đó là tiến trình nâng cấp thông thường mà các máy bay ném bom Nga đều trải qua để trở nên ngày càng vượt trội hơn.
"Chúng tôi hy vọng rằng Đại sứ Mỹ tại Colombia Kevin Whitaker, hiện đã hơn 60 tuổi, sẽ sống đủ lâu để chứng kiến các máy bay ném bom Tu-160M2 và PAK DA tuần tra không phận Venezuela" – ông Khodarenok kết luận.
*** Bài viết là quan điểm riêng của Đại tá Mikhail Khodarenok