Bổ sung đạm từ tôm, cá
Tăng men gan (tổn thương gan) là triệu chứng của nhiều bệnh lý. Nguyên nhân gan bị tổn thương có thể bị do nhiễm vi rút (viêm gan A,B,C,D,E), ngộ độc gan (rượu), ăn phải thức ăn thiu mốc có nhiễm aflatoxin, lạm dụng uống thuốc không theo chỉ định, nhiễm ký sinh trùng…
Theo Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) trong thời gian tìm nguyên nhân tăng men gan để điều trị, thì người bệnh cần phải có chế độ ăn hợp lý, sẽ giúp cho tế bào gan nhanh chóng phục hồi.
Protein trong tôm và cá tốt hơn trong thịt, ảnh minh họa.
Người bị tăng men gan (tổn thương gan) nên ăn nhiều protein (chất đạm). Bởi vì, tế bào trong cơ thể được cấu tạo từ protein. Vì vậy, khi gan bị tổn thương nên bổ sung thêm protein, để các tổn thương của gan nhanh chóng phục hồi.
"Nên chọn thực phẩm giàu đạm, nhưng phải dễ tiêu hóa. Ví dụ, nên bổ sung nguồn đạm dễ tiêu hóa từ tôm, cua, cá, trứng, sữa, đậu tương... thay vì các loại thịt đỏ vì rất khó tiêu hóa. Thức ăn khó tiêu hóa sẽ khiến cho gan phải hoạt động vất vả hơn", bác sĩ Ngọc nói.
Uống nhiều nước
Theo bác sĩ Ngọc uống đủ nước là cách đơn giản tốt để giúp cho tế bào gan bị tổn thương được hồi phục nhanh. Nên chọn một số loại nước mát như: nhân trần, atisô uống hàng ngày.
Người đã được chẩn đoán có tổn thương gan cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Lưu ý, tuyệt đối không uống rượu và các loại nước có ga vì có thể làm cho tình trạng tổn thương gan trở lên nghiêm trọng hơn.
Chọn thực phẩm giàu vitamin A
Ths.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho hay người bị tăng men gan, gan bị tổn thương nên ăn cân đối dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giúp gan hoạt động tốt hơn.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi giúp bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B tốt cho gan khi đang bị tổn thương, ảnh minh họa.
Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A, đây là loại thực phẩm rất tốt cho tình trạng người bị bệnh lý tăng men gan. Vitamin A có nhiều trong các loại củ quả có màu sắc đỏ, cam, vàng, các loại rau xanh lá đậm...
Ăn thực phẩm giàu vitamin nhóm B
Theo Ths.BS Lê Thị Hải ngoài việc bổ sung chất đạm và vitamin A thì cần lưu ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin nhóm B (B1, B6, B2). Các vitamin nhóm B có nhiều trong các loại hạt, mầm giá đỗ, sữa tươi, trứng, đủ các loại rau màu xanh, trái cây,…
Đây là các vitamin thường được dự trữ trong gan và được giải phóng dần để sử dụng trong cơ thể. Lượng dự trữ vitamin nhóm B trong gan là rất lớn, nếu gan bị tổn thương thì cần bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B.
Tránh các thực phẩm
Gan có vai trò tạo các phản ứng hóa học để biến cách chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn, sau đó đào thải qua thận. Khi gan bị tổn thương quá trình đào thải chất độc sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, trong thời gian khi gan chưa phục hồi cần lưu ý hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản, chất phụ gia như: đồ ăn đóng hộp sẵn, giăm bông, xúc xích, thịt muối, mì ăn liền, trái cây sấy khô... đều không tốt cho gan.
Hạn chế ăn những thực phẩm có nhiều dầu, mỡ vì khi gan không thể chuyển hóa hết, có thể biến tính thành chất độc cho tế bào gan.