PGS Nguyễn Lân Hiếu.
Phần chìm của tảng băng cực kỳ nguy hiểm
Chúng ta hiện nay quan tâm rất nhiều đến số F0 mỗi ngày. Số F0 mới luôn được công bố đầu tiên và thu hút sự quan tâm nhiều nhất. Nhưng F0 chỉ là tảng băng nổi trên mặt nước mà phần chìm phía dưới nguy hiểm hơn rất nhiều. Vì khi một người đã biết mình bị nhiễm bệnh, chắc chắn họ sẽ có ý thức về sức khỏe và hạn chế sự tiếp xúc để giảm lây nhiễm, ít nhất là cho người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Việc xét nghiệm phát hiện F0 có ý nghĩa như vậy, cách ly F0 tại nhà cũng dựa vào nguyên lý này.
Phía dưới của tảng băng chính là những ca có khả năng lây nhiễm cao, chính là các F1 trong cộng đồng. Họ là những người nghi nhiễm, những người có khả năng mang mầm bệnh và nguy cơ gây phát tán virus rất cao trong quá trình ủ bệnh vì chính bản thân họ không nghĩ hoặc cố tình không nghĩ là mình đã nhiễm bệnh.
Hiện nay, việc quản lý và theo dõi những người nghi nhiễm hết sức khó khăn vì số lượng gấp nhiều lần F0, xác định và khẳng định bị nhiễm là một quy trình vô cùng phức tạp.
PGS Lân Hiếu (đứng thứ 2 từ phải qua trái) trong chuyến thăm Đại học Quốc tế Miền Đông.
Quyết định sai lầm dẫn tới lây nhiễm chéo số lượng lớn
Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều quyết định sai lầm, ví dụ như:
- Cách ly tập trung những người F1, điều này đã làm lây nhiễm chéo số lượng lớn;
- Giữ những người nghi nhiễm trong khu cách ly tập trung quá lâu vì sắp hết hạn cách ly lại có ca dương tính;
- Xác định quá rộng diện F1 làm phong tỏa cả vùng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội…
Theo tôi, chúng ta cần xây dựng chính sách rất rõ ràng với việc quản lý những người nghi nhiễm. Cần chia rõ các mức độ F1 khác nhau để có thái độ khác nhau. Đánh giá chính xác mức độ tiếp xúc với F0 như có hay không có phương tiện phòng hộ, thời gian tiếp xúc, hoàn cảnh tiếp xúc… để từ đó khoanh vùng rõ nhất các ca nghi nhiễm nguy cơ cao.
Lúc này nên làm xét nghiệm test nhanh (có thể để người nghi nhiễm tự làm - một việc mà ngay ở Myanmar, Indonesia, Lào… đã triển khai, không có lý gì Việt Nam không làm được), tiếp tục phát hiện sớm những ca F1 thành F0 trong cộng đồng.
Những người tiếp xúc gián tiếp hoặc không rõ ràng trực tiếp (ví dụ có gặp nhưng đều đeo khẩu trang, không nói chuyện ở khoảng cách gần, thẳng mặt…) cần hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe bản thân phòng lây nhiễm cho người xung quanh.
Tiếp theo, cần đặc biệt lưu ý các F1 nguy cơ cao. Đó là những người làm việc và sinh hoạt trong môi trường "nhạy cảm" như bệnh viện, trường học, công sở, … tiếp xúc thường xuyên với số lượng lớn người hàng ngày.
Khi nhóm đối tượng này có nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cần có chiến lược khác với những F1 thông thường. Cần sớm nhất khẳng định họ có bị nhiễm bệnh hay không bằng xét nghiệm nhiều lần ở những ngày liên tiếp. Khoanh vùng chi tiết để hạn chế tối đa sự lây nhiễm của nhóm nguy cơ cao này. Ngoài ra, các F1 khác chỉ cần hướng dẫn cách ly tại nhà và yêu cầu họ tự test, liên hệ với y tế cơ sở qua các ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với người nghi nhiễm thứ phát cấp 2 mà chúng ta quen gọi là F2, cần nắm chắc nguyên tắc: Nếu F1 đã âm tính tại thời điểm sau khi tiếp xúc với F2 thì nguy cơ bị nhiễm bệnh của F2 là không có. Chính vì không hiểu chuyên môn, sợ trách nhiệm nên rất nhiều người đã bị cách ly một cách vô lý, thậm chí lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung…
Dưới đây là một số đề xuất của tôi:
1. Bỏ cách gọi F1, F2, F3… chỉ nên dùng thuật ngữ người nhiễm bệnh và người nghi nhiễm.
2. Cách xác định người nghi nhiễm cần phải dựa trên các tiêu chuẩn dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc không phòng hộ, tiếp xúc trực tiếp đối diện, thời gian tiếp xúc dài hoặc nhiều lần…
3. Phân loại nhóm người nghi nhiễm có nguy cơ trở bệnh nặng như chưa tiêm vaccine, người già, phụ nữ có thai, bệnh nền, béo phì… Nếu số lượng lớn, cần tăng cường nhân viên y tế tại chỗ, tăng số lượng test và hướng dẫn phổ biến kiến thức y khoa đến từng người dân trong nhóm này.
4. Cần lưu ý nhóm có khả năng lây nhiễm làm việc trong môi trường nếu phát tán virus sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng (trong bệnh viện, bộ phận phòng chống dịch, các cơ sở sản xuất hàng thiết yếu như oxy, điện nước…). Nhóm này cũng phải khẩn trương xác định khẳng định là có nhiễm hay không bằng cách xét nghiệm liên tục và cách ly tại chỗ tạm thời.
5. Đóng cửa các khu cách ly tập trung người nghi nhiễm (F1,F2…), đặc biệt các khu cách ly đợi kết quả khẳng định PCR. Rất nhiều phát sinh rắc rối, những trường hợp vô cùng đáng tiếc đã và đang xảy ra ở những nơi như vậy.