Nguyễn Phước Hậu (30 tuổi, tại TP HCM).
LTS: "Cơn lốc" dịch bệnh đã càn quét qua Thành phố Hồ Chí Minh, biến nơi hoa lệ bậc nhất thành nơi chìm trong bóng đen mang tên Covid-19. Nơi đây, đã có những mất mát, hy sinh, người sống, người mất… và những nỗi đau khó có thể xóa nhoà.
Nhưng dù Covid-19 có khốc liệt tới đâu, nó cũng không quật ngã được ý chí của con người. Dịch bệnh có khủng khiếp bao nhiêu thì tình người, lòng ham sống sẽ mãi "bất diệt". Người TP HCM vẫn luôn tin họ sẽ chiến thắng được "kẻ thù" SARS-CoV-2.
"Má ơi đưa con đi, con chịu hết nổi rồi"
Là một người trẻ lại làm trong lĩnh vực về thời trang, Nguyễn Phước Hậu (30 tuổi, tại TP HCM) thích một lối sống sôi động. Dịch bệnh bỗng dưng ập tới và rồi người thân của chàng thanh niên trẻ cũng qua đời.
"Sự mất mát quá đột ngột, việc cậu mất do mắc Covid-19 là một đòn tâm lý giáng mạnh vào cả gia đình tôi. Tôi biết mình không thể chủ quan với con virus bé nhỏ này được, dù mình là người trẻ đi chăng nữa", Hậu tâm sự.
3 tháng thành phố giãn cách, Hậu ở nhà ăn cơm ba má nấu, không đi bất cứ đâu ngoài 2 lần ra đường để vì đi tiêm vắc xin. Ngày 1/8, Hậu đi tiêm phòng vắc xin cho bản thân, đến ngày 10/8 thì chàng thanh niên trẻ đưa bố đi tiêm vắc xin.
Nghĩ rằng với sức khoẻ cộng thêm việc đã tiêm 1 mũi vắc xin thì virus 'khó có cửa' để gây bệnh, nhưng không, sau 2 ngày đưa ba đi tiêm vắc xin về, Hậu bắt đầu ho và ngứa cổ. Chàng trai trẻ không hề nghĩ đó là triệu chứng đã mắc Covid-19 vì lâu nay anh vẫn bị viêm xoang nên cũng thường ho, ngứa cổ như vậy.
Hậu vui vẻ sau khi đã khỏi Covid-19 - Ảnh NVCC.
"Bước sang ngày thứ 2, tôi bắt đầu ho rất nhiều và có cảm giác mệt lừ đừ. Tôi vẫn nghĩ chắc cơ thể chỉ mệt xíu thôi nên tôi đã đi tập thể dục. Trong lúc tập thể dục tôi bị hụt hơi khi hít thở bằng mũi và thở miệng. Tôi cũng bắt đầu nghi ngờ mình mắc Covid-19, nhưng sự nghi ngờ đó không lớn. Vì tôi nghĩ mình khoẻ mạnh, siêng thể thao, ở nhà suốt này sao mà mắc bệnh được", Hậu nói.
Đến buổi tối Hậu có giúp chị mang bình hoa từ trên lầu xuống dưới nhà. Việc làm đơn giản này trước đây chẳng bao giờ làm khó chàng trai trẻ nhưng hôm nay Hậu bị toát hết mồ hôi. Bữa ăn tối hôm đó Hậu không còn ngửi thấy mùi của thức ăn.
Hậu vẫn nghĩ rằng đang bị viêm xoang hành chứ chưa nghĩ các triệu chứng đó là do mắc Covid-19. Tối hôm đó, Hậu đi lên phòng nghỉ sớm sau bữa cơm và anh cảm thấy người bắt đầu nóng lên, đo nhiệt độ đã gần 38 độ. "Tôi chợt nghĩ, xong rồi, lẽ nào mình mắc Coid-19" – Hậu tự nói với chính mình.
Hậu đã nhờ người nhà mua test nhanh và kết quả dương tính. Không tin vào mắt mình và test thêm 1 cái nữa kết quả vẫn 2 vạch rõ ràng. Tới ngày thứ 5, Hậu bắt đầu khó thở và phải thở bằng bình oxy lớn và thấy dễ chịu hơn.
"Tôi nghĩ mọi chuyện đã ổn nhưng chỉ khoảng 45 phút sau, tôi đứng dậy người xây xẩm không nhìn thấy đường. Tôi phải ngồi xuống ngay tức khắc và người cứ ngả từ từ xuống một cách vô thức. Tôi gọi điện video cho má ở dưới tầng, má động viên con phải mạnh mẽ lên đừng cho nó đánh gục con.
Lúc đó, cả người tôi đã tím tái, không còn sức lực. Tôi nói: "Má ơi đưa con đi bệnh viện, con chịu hết nổi rồi"".
Nếu vào viện chậm nửa ngày nữa sẽ tử vong
Hậu được xe cấp cứu trở tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng suy hô hấp nặng, rối loạn đông máu, phổi đã trắng. Bác sĩ nói nếu chậm vào viện nửa ngày thì sẽ tử vong, khi nghe thông tin đó cả nhà Hậu rất lo lắng.
Tôi còn nhớ khi tôi được đưa vào phòng cấp cứu, tôi cầm tay bác sĩ vào nói: "Bác sĩ ơi! Làm ơn cứu em sống để em về chăm sóc cho mẹ em, mẹ em lớn tuổi. Bác sĩ nói với tôi nhất định em sẽ được về nhà.
Thời điểm tôi nhập viện không chỉ mắc Covid-19 nặng mà tôi còn bi bất ổn về tâm lý. Tôi vào viện không hiểu vì sao cứ khóc hoài, giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu vì sao nước mắt mình lại nhiều tới thế. Lúc đó, tôi nhớ tới cậu tôi đã mất vì Covid-19 đau đớn vô cùng. Sự ra đi quá bất ngờ của cậu là cú sốc tâm lý, khi tôi vào cấp cứu tôi sợ mình sẽ chết.
3 ngày đầu tiên vào viện tôi khóc cả ngày khiến cho điều dưỡng cũng áp lực. Đặc biệt, tôi luôn có cảm giác khó thở và phải liên tục gọi điều dưỡng. Một đêm tôi phải gọi điều dưỡng tới cả chục lần. Nỗi sợ khó thở khiến tôi còn không dám nhắm mắt ngủ", Hậu nói.
Ba ngày đó đối với Hậu thực sự là một sự khủng khiếp nhất trong cuộc đời của mình. Cậu không nghĩa 'cửa tử' lại gần tới vậy. Chàng trai trẻ liên tục được sử dụng oxy liều cao nhưng Hậu vẫn cảm thấy khó thở.
Bác sĩ nói với Hậu: "Nếu em không cố gắng thở để nồng độ oxy trong máu tăng lên thì chị bắt buộc phải can thiệp mở nội khí quản".
Nghe nói vậy, Hậu sợ quá, cố gắng lật qua, lật lại để tìm cách cố gắng có thể thể được.
Rồi chàng trai trẻ cũng bừng tỉnh không còn khóc, cũng chẳng còn sợ trước nhưng câu nói của một nữ điều dưỡng trẻ tuổi: "Anh là một người quá may mắn vì có rất nhiều bệnh nhân F0 không kịp vào viện điều trị. Anh đang ở bệnh viện rồi hãy cứ yên tâm vào bác sĩ".
Sau đó, nữ điều dưỡng có xin Zalo của tôi và nhắn nhủ: "Khi nào anh cảm thấy bế tắc có thể nhắn tin nói chuyện".
"Câu nói đó đã giúp tôi cảm thấy ấm lòng. Rồi tôi bừng tỉnh tự nói với bản thân: "Trơi ơi! Một bé điều dưỡng nhỏ tuổi hơn mình mà rất lạc quan, vì sao mình lại không lạc quan được như vậy". Tôi suy nghĩ tích cực, mở lòng, ngừng khóc và nói chuyện với mọi người xung quanh", Hậu chia sẻ.
Khi mở lòng, Hậu thấy được tình cảm của mọi người quan tâm chăm sóc cho mình từ điều dưỡng cho đến các bệnh nhân cùng phòng. Khi Hậu khó thở đều được mọi người vỗ lưng giúp cho dễ thở.
Ám ảnh khó thở và thiếu oxy
Nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của mọi người, chàng trai lần đã dần bình phục Hậu bắt đầu thở được. 8 ngày thở oxy liều cao, Hậu đã dần dần hạ mức thể từ 18 lít xuống 16 lít rồi 10 lít và dần dần xuống mức oxy gọng.
Tuy nhiên, Hậu lại gặp phải sự ám ảnh. "Tôi không dám tháo oxy gọng khỏi mũi vì từng trải qua những ngày cấp cứu khó thở nhất nên đã trở thành sang chấn tâm lý. Tôi cứ bị ám ảnh suy thở, không thở được, người trở nên không có sức sống.
Bác sĩ nói với tôi: "Anh thấy em ổn rồi, ngày mai anh sẽ tháo oxy cho em nha. Mình phải cai oxy từ từ để có thể ra viện". Tôi quay ra năn nỉ bác sĩ khoan hãy tháo oxy vì chưa chuẩn bị tâm lý và xin được thở thêm 1 ngày".
Giai đoạn khó khăn nhất của bệnh Covid-19 trôi qua, Hậu nhận ra được tình yêu thương của những người F0 xung quanh mình.
"Nhưng tôi cảm nhận được sự yêu thương từ tất cả những người xung quanh, cả những người mà tôi không quen biết xích lại gần nhau hơn. Mắc bệnh giúp tôi có thêm nhiều người bạn mới. Lần mắc bệnh này tôi như được tái sinh... giúp tôi được sinh ra một lần nữa.
Nhờ có lần mắc bệnh này tôi nhìn cuộc sống trở nên tích cực hơn. Nếu như trước đây tôi chỉ lên mạng đọc các tin tiêu cực, giờ tôi thích nhưng thông tin tích cực.
Tôi nhận ra được một điều quan trọng, tiền không mua được cuộc sống, sức khoẻ. Thời gian nằm viện tôi dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được đi làm từ thiện và cảm thấy rất hạnh phúc. Trước đây, tôi là người luôn ham tiền lắm, tôi tìm mọi cách kiếm tiền, ít dành thời gian cho gia đình.
Giờ tôi đã suy nghĩ khác, tiền không còn quan trọng và tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn", Hậu xúc động nói.