Tấn công Iran: "Cánh cửa địa ngục" mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á?

DK |

Quyết định của ông Trump về một hành động quân sự nhằm vào Iran có thể khiến 31.000 quân Mỹ và NATO mắc kẹt trong một cuộc xung đột với hai đối thủ: Taliban và Iran.

Kế hoạch rút quân bế tắc, 31.000 lính Mỹ-NATO mắc kẹt

Khi Hoa Kỳ và Taliban tiến gần hơn tới việc đạt được thỏa thuận trong nỗ lực mang lại hòa bình ở Afghanistan, các chiến binh của lực lượng này đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công trên khắp đất nước bao gồm cả thủ đô Kabul.

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 trong một loạt các cuộc tấn công do Taliban nhận trách nhiệm, trong đó có một lính Mỹ (đưa số lính Mỹ thiệt mạng trong năm nay ở Afghanistan lên 17) và một binh sĩ Rumani.

Thỏa thuận liên quan đến việc Mỹ rút quân từ 5 căn cứ ở Afghanistan để đổi lấy việc lực lượng này không cho phép các chiến binh nước ngoài sử dụng Afghanistan làm bàn đạp cho các cuộc tấn công toàn cầu.

Khoảng 14.000 lính Mỹ và khoảng 17.000 từ 39 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO đang ở trong lãnh thổ Afghanistan, đa phần họ thực hiện các nhiệm vụ không tham chiến.

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 1.

Mỹ đang có kế hoạch giảm từ 13.000 quân xuống 8.000 quân nếu thỏa thuận hòa bình với Taliban thành công. Tuy nhiên lính Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thương vong với việc thỏa thuận bị đổ vỡ.

Nhưng vào ngày 1/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong một loạt tweet rằng ông đã "hủy bỏ" các cuộc đàm phán hòa bình và "hủy bỏ" một cuộc họp bí mật với "các nhà lãnh đạo chính" của Taliban tại một khu vực ở trại David, Maryland, Hoa Kỳ.

Ông Trump cũng cho biết rằng ông đã lên kế hoạch gặp Tổng thống Afghanistan.

Cuộc chiến giữa Taliban và Mỹ đã nổ ra từ năm 2001 khi các lực lượng Mỹ và NATO xâm lược Afghanistan, lật đổ chính phủ của Taliban. 18 năm chiến tranh diễn ra với khoảng 2.400 lính Mỹ, hàng chục nghìn binh sĩ Afghanistan và hơn 50.000 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng.

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 2.

Lính Mỹ tuần tra sau một cuộc tập kích của Taliban nhằm vào lực lượng chính phủ Afghanistan.

Iran được gì và mất gì khi hỗ trợ Taliban?

Theo tờ Foreign Policy, đường lối "diều hâu" của Washington đối với Iran hiện tại là một sai lầm lớn vì không chỉ làm chia rẽ Mỹ và các thành viên NATO khác, mà còn làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và bất ổn ở một khu vực rộng lớn bao gồm Bán đảo Arab, Trung Đông và Trung Á.

Đối với Iran, việc ủng hộ Taliban là một cách tương đối dễ tiếp cận để trả đũa cho bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ. Đáng chú ý hơn là cũng như trường hợp của lực lượng Houthi ở Yemen, bản chất bí mật của sự hỗ trợ mang lại cho Tehran một "bàn tay sạch".

Việc tài trợ cũng sẽ củng cố ảnh hưởng của Iran đối với Taliban, một chiến lược phòng ngừa nếu binh lính Mỹ rời khỏi Afghanistan. Ngoài ra, nó cũng giúp củng cố năng lực của Taliban trong việc tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là đối thủ của Iran và Taliban.

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 3.

Bản đồ cho thấy các khu vực do Taliban kiểm soát và có ảnh hưởng (trắng và xanh) chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan nếu so với chính phủ (đen) và IS (viền đỏ).

Ý tưởng hợp tác Iran-Taliban có vẻ kỳ lạ. Iran là một quốc gia theo Hồi giáo Shia trong khi Taliban là những chiến binh Hồi giáo Sunni. Tehran có ảnh hưởng khá lớn với người Shia ở Afghanistan, Taliban coi là đối thủ chính trong cuộc nội chiến vào những năm 1990.

Năm 1998, sau khi 9 nhà ngoại giao Iran thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào lãnh sự quán ở thành phố Mazar-e-Sharif của Afghanistan, Iran đã huy động 200.000 binh sĩ và hai nước (lúc này Taliban đang cầm quyền) đã ở trên bờ vực chiến tranh.

Tehran cũng đã làm việc chặt chẽ với chính phủ Afghanistan ở Kabul. Năm 2016, hai nước đã ký một thỏa thuận với Ấn Độ để phát triển một hành lang giao thông mới từ cảng Chabahar ở miền nam Iran qua Afghanistan tới Ấn Độ.

Tuy nhiên, tất cả những khác biệt ở trên không ngăn được Teheran và Taliban có mối quan hệ lâu dài, một kẻ thù chung là người Mỹ đủ để đưa hai bên xích lại gần nhau.

Iran từ lâu đã lo sợ Hoa Kỳ sẽ sử dụng Afghanistan làm "bàn đạp" cho một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của mình.

Một quyết định tấn công của chính quyền Trump đối với Iran không những không làm nhụt chí mà làm sâu sắc thêm những lo lắng của Tehran về sự hiện diện của lính Mỹ ở phía đông.

Khi Mullah Mansour lãnh đạo Taliban bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào năm 2016 ở Pakistan, ông ta đang trên đường trở về căn cứ sau chuyến đi tới Iran, nơi Taliban mở văn phòng đại diện vào năm 2012.

Lực lượng Taliban di chuyển tại Tỉnh Baghlan, xe Humvee và xe bán tải lực lượng này có được từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng đa phần từ các chợ đen vũ khí.

Nếu Mỹ đáp trả quân sự nhằm vào Iran, Taliban sẽ mở "cánh cửa địa ngục"?

Cuộc tập kích ngày 14/9 vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi được cho là "giọt nước làm tràn ly" và là một hành động cần phải có một sự đáp trả quân sự tương xứng.

Hiện tại, căng thẳng xung quanh cáo buộc chống lại Iran có thể kích hoạt các hành động quân sự của Mỹ nhằm chứng minh cho Arab Saudi thấy rằng họ không đơn độc trong vòng vây của "các lực lượng ủy nhiệm Iran".

Một cuộc tấn công nhằm vào Tehran cũng có thể khiến "cuộc chiến không hồi kết" của Mỹ ở Afghanistan, nước láng giềng phía đông của Iran, leo thang trở thành một "địa ngục đẫm máu".

Trong những năm qua, lực lượng NATO đã liên tục chặn các chuyến hàng vũ khí xuất phát từ Iran tới tay Taliban.

Vào năm 2015, theo các quan chức Afghanistan và phương Tây cáo buộc, Iran đã tăng cường cung cấp vũ khí cho Taliban, đồng thời với việc tài trợ và huấn luyện các chiến binh.

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 7.

Một lô vũ khí hạng nhẹ của Taliban bị chính phủ Afghanistan thu được tại tỉnh Ghazi cuối năm 2018 và cáo buộc là do Iran viện trợ (Iran đã bác bỏ cáo buộc nói trên).

Vào tháng 7/2018, một thành viên cao cấp của Taliban tiết lộ với tờ Times of London rằng ngay khi ông Trump chuẩn bị rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Taliban đã đạt được một thỏa thuận với Tehran để gửi các chiến binh tới các học viện quân sự của Iran để được đào tạo nâng cao trong vòng 6 tháng.

Sự hỗ trợ của Iran dành cho Taliban rất rõ ràng ở tỉnh Farah phía tây giáp với biên giới Iran. Các quan chức địa phương cho biết họ đã liên tục tịch thu vũ khí do Iran sản xuất.

Ngày 6/9, lực lượng Taliban đã tiến hành một cuộc tấn công dữ dội ở Farah. Hàng chục chiến binh đã thâm nhập thành phố thủ phủ tỉnh, kiểm soát một trung tâm huấn luyện và gây thương vong lớn và rút lui khi lực lượng chính phủ được tăng viện.

Farah là một nơi hợp lý để Iran tăng cường hỗ trợ Taliban và là một hành động phản ứng lại nếu một cuộc tập kích của Mỹ diễn ra. Trong trường hợp xấu nhất, đó có thể là việc Iran giúp Taliban chiếm được thủ phủ của tỉnh.

Sự hỗ trợ của Iran khiến cho Taliban vốn đã nguy hiểm, nay thậm chí còn trở thành một "mối đe dọa thật sự" khi các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh với Mỹ lâm vào thế bế tắc. Sự hỗ trợ quân sự của Iran cho Taliban được cho là sẽ đến vào "thời điểm không thể tồi tệ hơn".

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 8.

Lính Mỹ tuần tra tại Afghanistan.

Iran sẽ biến Taliban thành một Hezbollah mới?

Tất nhiên sự hỗ trợ của Iran đối với Taliban tồn tại hạn chế. Những người Shia Iran sẽ không thể biến Taliban theo Sunni thành lực lượng ủy nhiệm mới nhất của mình, theo mô hình của Hezbollah và Houthi.

Sự gia tăng các cuộc tấn công của Taliban ở các khu vực Shia của tỉnh Ghazni cũng sẽ khiến Iran phải thận trọng trong nỗ lực vũ trang Taliban.

Hậu quả khôn lường của một dòng người tị nạn Afghanistan gây bất ổn đã mang lại cho Tehran lý do chính đáng để tiếp tục hợp tác với Chính phủ Kabul để thúc đẩy sự ổn định.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, sự hỗ trợ tương đối khiêm tốn của Iran hiện tại dành cho Taliban là một vấn đề lớn đối với nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ. Các nỗ lực này đã thất bại trong việc phá vỡ thế bế tắc chiến trường và kiềm chế một lực lượng mạnh lên từng ngày.

Tấn công Iran: Cánh cửa địa ngục mở ra với 31.000 quân Mỹ-NATO mắc kẹt ở Trung Á? - Ảnh 10.

Chiến binh Taliban.

Hiện tại chính quyền của ông Trump không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy việc giảm bớt áp lực nhằm vào Iran. Các phương án sử dụng vũ lực nhằm trả đũa giúp đồng minh Arab Saudi cũng đã được "đặt lên bàn".

Trong gần 18 năm, người Mỹ đã đổ máu để chế ngự Taliban và rộng hơn để đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh ở Afghanistan.

Quyết định của ông Trump về một hành động quân sự nhằm vào Iran có thể khiến những mục tiêu đó sụp đổ và gần 31.000 quân Mỹ và NATO có thể mắc kẹt trong một cuộc xung đột với hai đối thủ, Taliban và Iran.

Một video được đăng lên Mạng xã hội VK của Nga hôm 21/7 cho thấy một nhóm Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ bị Taliban phục kích tại Afghanistan và phải tháo chạy bằng trực thăng Mi-17.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại