Mới đây, tờ Forbes đã đăng bài "Five Options For A U.S. Military Response To Iran" (tạm dịch: 5 phương án phản ứng quân sự của Mỹ nhằm vào Iran" của nhà phân tích Mark Cancian.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ và đồng minh đang tiếp tục cáo buộc Iran là "hung thủ" tập kích vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi và các biện pháp trả đũa đang được lên kế hoạch, chúng tôi xin lược dịch bài viết cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đã "locked and loaded" (khóa mục tiêu và đạn đã lên nòng), sẵn sàng tấn công trả đũa Iran sau vụ tập kích vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi cuối tuần trước mà Tehran bị cáo buộc là "chủ mưu".
Phản ứng quân sự của Hoa Kỳ sẽ diễn ra như thế nào? Dưới đây là 5 phương án được tập hợp từ hành động mà các Tổng thống Mỹ từng thực hiện trong các tình huống tương tự.
Mặc dù các nhà ngoại giao đang nỗ lực tìm giải pháp, và TT Mỹ nói rằng ông không thích chiến tranh. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, tôi (Mark Cancian) tin rằng Iran sẽ vượt "lằn ranh đỏ" và người Mỹ sẽ phải hành động.
Mảnh vỡ bị cáo buộc là UAV của Iran sau các vụ tập kích nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi.
Phương án 1: Tăng cường phòng không tại các đô thị và cơ sở dầu mỏ của Saudi
Bằng cách trực tiếp bảo vệ Saudi trước các cuộc tập kích tương tự trong tương lai, phương án này không bao gồm việc tấn công Iran và được cho là phương án ít "khiêu khích" nhất.
Mặc dù Saudi có khả năng phòng không của riêng họ, nhưng vương quốc này quá rộng để các hệ thống phòng không phát huy tối đa năng lực. Mỹ có thể gửi các hệ thống Patriot PAC-3 để giúp đỡ và chắc chắn sẽ phải có một số radar cảnh giới nhìn vòng nhằm cảnh báo sớm những cuộc tập kích.
Các hệ thống mới cũng sẽ bổ sung cho các hệ thống Patriot PAC-3 vốn đã được Mỹ đưa tới Saudi vào tháng 5/2019 (chủ yếu để bảo vệ các căn cứ của Hoa Kỳ), tạo thành một "lưới lửa" an toàn hơn cho các lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Hệ thống phòng không Patriot PAC-3.
Một điểm yếu của phương án này là các hệ thống phòng không của Mỹ và Arab Saudi, bao gồm MIM-104 Patriot và MIM-23 Hawk, được thiết kế để chống máy bay và tên lửa đạn đạo chứ không phải để bắn UAV.
Hành trình khó xác định, bay thấp và tương đối chậm của UAV cũng như chi phí rất cao cho mỗi phát bắn đã khiến các hệ thống tên lửa này gần như vô dụng trước đòn tập kích của đối phương.
Mỹ đang phát triển các hệ thống chống lại các mối đe dọa nói trên, nhưng chúng chưa hoàn toàn sẵn sàng để được đưa vào trực chiến.
Tuy vậy, quân đội Mỹ đã thường xuyên đưa các tổ hợp phòng không đến các điểm nóng để thể hiện quyết tâm và tăng cường phòng thủ mà không bị đánh giá là hành động khiêu khích.
Ví dụ như giai đoạn 2013-2015, Hoa Kỳ và NATO đã triển khai Patriot đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại các mối đe dọa từ Syria. Hay vào năm 2017, hệ thống THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) đã đến Hàn Quốc trước đe dọa của tên lửa Triều Tiên.
Hệ thống phòng không MIM-23 Hawk.
Phương án 2: Tập kích bằng tên lửa hành trình vào các cơ sở quân sự Iran
Với phương án này, Mỹ sẽ sử dụng các tên lửa tầm xa phóng từ máy bay (AGM-158 JASSM-ER) hoặc tàu chiến (BGM-109 Tomahawk) để tấn công các căn quân sự Iran như sân bay và các quân cảng.
Mỹ thường xuyên lựa chọn phương án này như khi nhằm vào các lực lượng của Nhà lãnh đạo Saddam Hussein ở Iraq và al-Qaeda ở Afghanistan.
Ông Trump cũng là người đã quyết định sử dụng tên lửa hành trình vào năm 2017 và 2018 để tập kích các mục tiêu của Quân đội Syria (SAA). Đây cũng là phương án mà TT Trump rõ ràng đã chuẩn bị thực hiện sau vụ bắn rơi UAV trinh sát RQ-4A Global Hawk trước khi ông quyết định hủy bỏ tấn công Iran vào phút chót.
Ưu điểm là một cuộc tập kích như vậy là một "thông điệp cứng rắn" gửi tới Iran rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục leo thang, nhưng cũng hạn chế được việc kích hoạt chiến tranh toàn diện.
Nhược điểm là nó sẽ gây ra một số thương vong cho dân thường ở Iran và có thể vượt quá giới hạn. Hơn nữa, không có bằng chứng rõ ràng nào chỉ một cuộc tập kích tên lửa răn đe như vậy sẽ giúp "thay đổi hành vi" của Iran.
Tên lửa BGM-109 Tomahawk khai hỏa vào mục tiêu của Syria (Ảnh Getty Images).
Phương án 3: Tập kích ồ ạt bằng tên lửa và không quân nhằm vào nhiều mục tiêu cùng lúc ở Iran
Phương án thực hiện những cuộc tập kích liên tục và diễn ra trong thời gian ngắn sẽ vượt khỏi giới hạn mục tiêu quân sự, phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, cầu đường và mạng lưới thông tin.
Đây sẽ là "thông điệp chiến tranh" gửi tới giới lãnh đạo quân sự và dân sự và cả người dân Iran để khiến họ phải ngay lập tức ngồi vào bàn đàm phán.
Máy bay ném bom B-1B Lancer phóng một tên lửa AGM-158 JASSM.
Phương án 4: Chiến dịch "không kích mở rộng"
Một chiến dịch "không kích mở rộng" sẽ vượt ra ngoài ranh giới của một cuộc tập kích, nó có thể diễn ra vài ngày hoặc thậm chí trong vài tuần.
Nếu 3 phương án ở trên nhằm mục đích "gửi thông điệp" thì mục tiêu chiến dịch của phương án này là tấn công và làm giảm khả năng quân sự của Iran tới mức buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Các cụm tác chiến tàu sân bay có thể sẽ tham gia, nhưng một số máy bay sẽ cần phải xuất phát từ các căn cứ trên đất liền vì chỉ có như vậy mới đảm bảo được đồng bộ tác chiến điện tử, tiếp nhiên liệu trên không, trinh sát và khả năng phục vụ liên tục với tần suất cao nếu cuộc không kích kéo dài.
Saudi, và có thể các nước Vùng Vịnh khác, sẽ phải hỗ trợ các căn cứ như vậy.
Mỹ đã tiến hành một chiến dịch không kích tương tự nhằm vào Serbia vào năm 1999. Nó diễn ra trong vòng 79 ngày (lâu hơn nhiều so với dự kiến) trước khi Serbia nhượng bộ. Tuy nhiên trong lịch sử, các chiến dịch "trừng phạt" như vậy nếu kéo dài quá lâu sẽ nhận được phản ứng trái chiều của giới lãnh đạo và ngay cả người dân Mỹ.
"Siêu pháo đài bay" B-52 stratofortress khai hỏa một tên lửa AGM-86B.
Phương án 5: Chiến dịch phong tỏa
Phương án này kết hợp với các biện pháp quân sự chủ động và thụ động bằng cách thiết lập một "khu vực cách ly" với việc phong tỏa các cảng của Iran hoặc "nhẹ nhàng" hơn là ngăn chặn các tàu hàng ra vào vùng biển Iran với các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt.
Biện pháp này sẽ đe dọa nền kinh tế Iran, một cuộc phong tỏa sẽ đe dọa sự ổn định của Iran.
Mô hình được lấy làm ví dụ ở đây là Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Hoa Kỳ tuyên bố "kiểm dịch" Cuba. (Hoa Kỳ đã sử dụng cụm từ "cách ly kiểm dịch" vì một cuộc phong tỏa, thực tế là một hành động chiến tranh theo luật pháp quốc tế).
Ở thời điểm đó, các tàu chở tên lửa Liên Xô đã quay trở lại nơi xuất phát và không tiếp tục thách thức cuộc phong tỏa, trao cho các nhà ngoại giao một cơ hội để giải quyết căng thẳng.
Máy bay của Hải quân Hoa Kỳ bên cạnh tàu chở tên lửa của Liên Xô trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Các đồng minh của Mỹ liệu có hỗ trợ các phương án quân sự?
Tất cả các phương án nói trên sẽ cần sự tham gia của các đồng minh của Hoa Kỳ, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại những sự tham gia "nhiệt tình" đó dường như không khả thi.
Mặc dù NATO "không thoải mái" với thái độ của Iran, nhưng họ đổ lỗi cho ông Trump là người đã kích động cuộc khủng hoảng bằng cách đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngay cả đồng minh lâu năm là Anh quốc cũng phát đi thông điệp tương tự.
Các quốc gia vùng Vịnh có thể tham gia sẽ miễn cưỡng tham gia, nhưng họ không muốn tham dự các hành động quân sự trực tiếp do lo ngại sức mạnh của Iran trong khu vực. Thay vào đó, họ sẽ chỉ tham gia gián tiếp bằng cách cung cấp hậu cần và các căn cứ.
Ngoài 5 phương án nói trên, còn có nhiều lựa chọn "tích cực" hơn, ví dụ như tiến chiếm các đảo Iran ở Vịnh Ba Tư. Hoa Kỳ từ lâu đã có kế hoạch cho các hoạt động như vậy, nhưng chúng vượt xa những phương án có thể vào thời điểm hiện tại.
Iran được cho là đã dành chiến thắng và có năng lực răn đe với các nước trong khu vực sau các cuộc xung đột ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen với sự phát triển của các lực lượng ủy nhiệm địa phương.
Ông Trump sẽ chọn phương án nào?
Việc ông Trump chọn phương án nào là rất khó đoán. Ông đã nói rằng "có vẻ như" Iran đã tiến hành các cuộc tấn công và kết luận tình báo sẽ sớm được tiết lộ, nhưng cũng lưu ý rằng Saudi là "người bị hại" chứ không phải Mỹ.
Rốt cuộc, "lằn ranh đỏ" của ông Trump dường như là thương vong của người Mỹ và cho đến nay, Iran đã "rất cẩn thận" để không gây ra bất kỳ sự cố nào như vậy.
Để thực hiện Phương án 2 và 3, Hoa Kỳ vẫn có đủ khả năng tại chỗ trong khu vực bởi ở đây họ đã có sẵn Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và nhóm đặc nhiệm ném bom B-52. Tuy nhiên, nếu lựa chọn Phương án 4 và 5, họ sẽ cần tăng cường lực lượng.
Gần đây, lực lượng bổ sung cũng đã được tăng cường, ví dụ như các phi đội F-15C của Không quân Mỹ tới những căn cứ ở Saudi và Qatar hay việc điều thêm máy bay ném bom tới căn cứ Diego Garcia trên Ấn Độ Dương.
Một điều đáng lo ngại là Iran có lực lượng đặc biệt và ủy nhiệm lớn (lên tới hàng trăm nghìn chiến binh) trong khu vực và trên thế giới, họ có thể được sẽ sử dụng trong các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Quân đội Mỹ cần cung cấp thêm an ninh tại các vị trí được coi là "lợi ích" của Hoa Kỳ trong khu vực và đây là một điều tối cần thiết trước khi bất kỳ phương án nói trên nào được thông qua.
Mark Cancian là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC.
Trước khi gia nhập CSIS, Mark Cancian đã phục vụ hơn 30 năm trong Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đã tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, 2 cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh và làm việc tại Lầu Năm Góc.
Mark Cancian tốt nghiệp loại giỏi và nhận bằng học giả của trường Đại học Harvard, ông cũng là giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins (từ năm 2000).
Cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln hiện cùng với nhóm đột kích B-52 chờ đợi mệnh lệnh tiếp theo của ông Trump.