Tại sao phương Tây lo ngại pháo tự hành Akatsia của Nga?

Lê Ngọc |

Pháo tự hành Akatsia phiên bản hiện đại hóa 2S3M3 có hỏa lực chiến đấu vượt trội và giá thành rẻ.

Sứ mệnh lịch sử

Sau Thế chiến II, trong trang bị quân đội Liên Xô có một số pháo tự hành tấn công và chống tăng được thiết kế để bắn trực tiếp nhưng số lượng không nhiều.

Lợi thế của pháo tự hành (tiếng Nga - cамоходная артиллерийская установка - САУ (SAU), cамоходка, hay aртсамоход) so với pháo kéo rất rõ ràng, vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực tham gia vào việc phát triển pháo tự hành mới.

Các nhà thiết kế kỹ thuật quân sự Liên Xô cũng vào các cuộc, nhưng sau khi nhà lãnh đạo Khrushchev lên nắm quyền, mọi công việc theo hướng này đã bị đình chỉ.

Ông này tin rằng tương lai thuộc về tên lửa, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, súng, pháo sẽ không cần thiết nhưng sai lầm của quan điểm này sớm được minh chứng, các cuộc xung đột cục bộ vào thập niên 50 và 60 cho thấy, pháo vẫn là phương tiện chính để đánh bại kẻ thù, và vẫn là “vị thần chiến tranh”.

Tuy nhiên, việc phát triển các hệ thống pháo binh mới chỉ bắt đầu sau khi Khrushchev rời khỏi vị trí lãnh đạo.

Tổ hợp pháo tự hành là một khẩu pháo được tích hợp trên khung gầm có thể tự vận động và từ các vị trí kín chi viện hỏa lực trực tiếp cho xe tăng và bộ binh trong trận đánh.

Tổ hợp pháo tự hành 2S3 Akatsia (2С3 «Акация») là một loại pháo tự hành cỡ nòng 152mm, được phát triển ở Liên Xô vào cuối những năm 60 - thời điểm Mỹ đã có pháo tự hành M109 155mm, có khả năng bắn đạn hạt nhân - để tiêu diệt sinh lực và xe bọc thép của địch, các đầu mối chỉ huy và thông tin liên lạc, trấn áp pháo binh và súng cối địch.

Tại sao phương Tây lo ngại pháo tự hành Akatsia của Nga? - Ảnh 1.

Pháo binh và đặc biệt là pháo tự hành vẫn chứng tỏ được vai trò quan trọng của nó trong chiến tranh hiện đại; Nguồn: gods-of-war.pp.ua

Trước khi bắt đầu thiết kế, kinh nghiệm sử pháo tự hành trong các cuộc chiến trước đó đã được phân tích kỹ lưỡng và xu hướng phát triển mới nhất của loại vũ khí này đã được tham khảo. Viện Nghiên cứu Khoa học số 100 (ВНИИ-100) từ 1963 đến 1965 đã nghiên cứu sơ bộ về diện mạo, cấu hình và quyết định phát triển pháo tự hành mới trên cơ sở mẫu pháo xe kéo D-20 152mm. Cấu trúc pháo và đạn dược được giữ nguyên.

Khung gầm của pháo tự hành đã được cân nhắc giữa “Object 124” (ПУ ЗРК «Круг» - SAM Krug) và khung gầm của xe tăng hạng trung “Object 432”. Tính rằng, bố trí động cơ phía trước phù hợp hơn với pháo tự hành, khung gầm của hệ thống SAM Krug, cùng động cơ diesel V-59U hình chữ V 12 xi-lanh, công suất 520 mã lực, đã được chọn. Hai nguyên mẫu đã được sản xuất vào năm 1968, và 1969 đã được thử nghiệm; sự ô nhiễm quá mức của khoang chiến đấu khi khai hỏa đã được khắc phục.

Năm 1971, pháo tự hành mới với định danh 2S3 Akatsia đã được đưa vào trang bị cho các trung đoàn pháo binh, các phân đội tăng và bộ binh cơ giới, thay thế pháo 152mm D-1, D-20 và ML-20. Akatsia được sản xuất tại Nhà máy chế tạo các phương tiện vận tải Ural với số lượng khoảng 4.000 khẩu, được cung cấp cho quân đội của các nước thành viên Hiệp ước Warsaw, các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á.

Thực chiến

Thử lửa nghiêm túc đầu tiên mà Akatsia tham gia là cuộc chiến ở Afghanistan - nơi các pháo tự hành này hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị tấn công. Để chống lại súng máy hạng nặng DShK, thân và tháp pháo của pháo tự hành được treo các hộp đựng cát.

Kể từ năm 1984, 2S3 bắt đầu được sử dụng để hộ tống các đoàn xe, thường bị phiến quân bắn. Akatsia cũng được các lực lượng Iraq tích cực sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Là cơ sở của các sư đoàn pháo binh, tuy nhiên, chống lại các lực lượng của liên minh quốc tế vào năm 1991, pháo tự hành của Iraq tỏ ra không hiệu quả.

Akatsia đã tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột phát sinh sau khi Liên Xô sụp đổ - xung đột Pridnectrov, cuộc chiến ở Abkhazia, các chiến dịch ở Chechen và Ossetia. Hiện tại, pháo tự hành 2S3 được cả hai bên tham chiến ở miền đông Ukraine sử dụng; được quân đội chính phủ Syria sử dụng để chống lại phiến quân. Mặc dù tuổi đời cao, Akatsia vẫn được quân đội các nước yêu thích vì sự đơn giản và độ tin cậy cao của nó.

Tại sao phương Tây lo ngại pháo tự hành Akatsia của Nga? - Ảnh 2.

2S3 Akatsia đã tham gia thực chiến ở Afganistan, Trung Đông và châu Phi; Nguồn: gods-of-war.pp.ua

Mặc dù thực tế là trong kho vũ khí của quân đội Liên Xô có số lượng lớn Akatsia, chúng rất hiếm khi được xuất khẩu. Các quốc gia sở hữu Akatsia là Iraq - 180, tiếp theo là Syria - 50, và Libya - 36 chiếc.

Trong thời gian chiến sự mới đây nhất ở Libya, người ta đã nhìn thấy pháo tự hành này của Nga nhã đạn. Nhiều khả năng, nó sẽ có trong biên chế quân đội Nga và quân đội nhiều nước khác trong một thời gian dài và khó có thể tìm được một sự thay thế tương đương.

Hiện đại hóa

2S3 Akatsia có bố cục tháp kinh điển với vị trí của động cơ phía trước xe. Lớp giáp phía trước của tháp và thân xe có độ dày 30mm, hai bên - 15mm. Akatsia dài 6,97m, rộng 3,25m, cao 2,53m, nặng 27,5 tấn, kíp xe 4 thành viên, tốc độ tối đa 63km/h, dự trữ hành trình 500km, có thể leo dốc 300, vượt chướng ngại cao 0,7m, vượt mương nước rộng 2,5m.

Ngoài pháo chính rãnh xoắn cỡ nòng 152,4mm có chiều dài bằng 28 lần cỡ nòng, với góc tầm -4 đến +600, góc hướng 3600, xe được trang bị một khẩu súng máy 7.62mm để bắn các mục tiêu trên không. Đạn chính của pháo tự hành bao gồm đạn nổ mảnh (tầm bắn trên 17km), tên lửa dẫn đường như Krasnopol và Centimet. Ngoài ra, pháo tự hành có thể bắn đạn hóa học, chiếu sáng, đạn chùm, đạn đạn tích lũy và xuyên giáp.

Giống như hầu hết các hệ thống pháo cỡ nòng 152mm, để bắn, đầu tiên, đầu đạn được nạp vào nòng, sau đó là vỏ đạn chứa thuốc súng. Nhằm thuận tiện cho công việc nạp đạn, xe được trang bị thiết bị điện cơ. Vị trí xạ thủ được trang bị hai kính ngắm - toàn cảnh để bắn từ các vị trí được che khuất và kính ngắm OP5-38 để bắn trực tiếp. Tại vị trí chỉ huy, có thiết bị ngắm TKN-3A, và lái xe được trang bị các thiết bị quan sát và thiết bị nhìn đêm. Akatsia được trang bị đài liên lạc R-123, tầm hoạt động 28km.

Vào đầu những năm 1970, 2C3 Akatsia đã được hiện đại hóa cơ cấu nạp đạn và bố trí khoang chiến đấu, cho phép nâng cơ số đạn từ 40 lên 46 viên; một đài liên lạc mới đã được trang bị cho pháo tự hành và được gọi 2C3M, được sản xuất loạt vào năm 1975. Năm 1987, phiên bản nâng cấp 2C3M1 được trang bị máy ngắm 1P5, thiết bị liên lạc nội bộ mới, đài liên lạc tiên tiến hơn. Ngoài ra, nó còn được trang bị thiết bị nhận thông tin từ người chỉ huy khẩu đội.

Tại sao phương Tây lo ngại pháo tự hành Akatsia của Nga? - Ảnh 3.

Akatsia được cho sẽ có trong biên chế quân đội nhiều nước trong một thời gian dài; Nguồn: soldiering.ru

Hiện đại hóa tiếp theo được thực hiện sau khi Liên Xô sụp đổ và nhận được tên gọi 2S3M2 với một hệ thống dẫn bắn tự động 1V514-1 "Mekhanizator-M" và hệ thống tạo màn khói ngụy trang mới. Với lần hiện đại hóa mới nhất, pháo 2A33 cỡ nòng 152mm được thay thế bằng pháo 2A33M có cùng cỡ nòng nhưng mạnh hơn, cho phép tăng tầm bắn và mở rộng chủng loại đạn có thể sử dụng; cài đặt trang thiết bị điện tử tiên tiến hơn và được gọi là 2C3M3.

Tại sao phương Tây lo ngại Akatsia của Nga?

Trong suốt 44 năm, ở Mỹ, người ta không chú ý nhiều đến pháo tự hành của Nga, vì tính năng của nó không vượt quá pháo tự hành M-109 Palladin của nước này.

Pháo tự hành Akatsia của Nga, vốn là cơ sở hỏa lực pháo binh của cấp lữ đoàn và đơn vị sư đoàn của quân đội Nga, đang khiến các chuyên gia phương Tây bất an. Cụ thể, các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ("Research ANd Development" - RAND) đã đi đến kết luận rằng, lực lượng pháo binh mặt đất của Mỹ kém hơn đáng kể so với Nga.

"Mối quan ngại" của đối thủ tiềm năng của Nga bắt đầu tăng lên khi phiên bản 2C3M3 được tạo ra tại Nhà máy chế tạo các phương tiện giao thông Ural, và tất cả các Akatsia có trong biên chế quân đội Nga bắt đầu được nâng cấp. Điều đáng chú ý là những cải tiến mới nhất về cơ bản đã thay đổi sức mạnh hỏa lực và cơ cấu tự hành của pháo. Tầm bắn của Akatsia đã tăng gần gấp đôi từ 17 đến 30km.

Ngoài ra, các pháo tự hành 2S3M3 được bổ sung bằng đạn Krasnopol có độ chính xác cao, bắn trúng mục tiêu đang di chuyển bằng phát bắn đầu tiên với xác suất 90%; tốc độ bắn tăng lên 9-10 thay vì 7 viên mỗi phút; cơ số đạn tăng lên từ 40 lên 46 viên; đặc biệt, 2S3 Akatsia có thể sử dụng đạn hạt nhân công suất 1kT với tầm bắn 17,4km.

Tổng thể, về tính năng, pháo tự hành Akatsia vượt trội hơn hẳn so với Palladin của Mỹ, nhưng nó được sản xuất không phải từ đầu, mà là kết quả của quá trình hiện đại hóa với chi phí tương đối rẻ. Phiên bản mới nhất của Paladin M109A7 có giá 7,5 triệu USD, trong khi 2S3M3 Akatsia, gần như vượt trội 25% về khả năng chiến đấu, có giá dưới 3 triệu USD./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại