Mỹ-Iran có dấu hiệu leo thang căng thẳng
Ngày 14/5/2020, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif đã lên tiếng chỉ trích lời đe dọa mới đây của Mỹ về việc đơn phương khôi phục mọi lệnh cấm vận trước đây của Liên hợp quốc đối với quốc gia Hồi giáo nếu Hội đồng Bảo an không gia hạn lệnh cấm vũ khí chống Tehran, qua đó đẩy căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục rơi vào vòng xoáy xung đột.
Trước đó một ngày (13/5), Đặc phái viên Mỹ về Iran, ông Brian Hook khẳng định về kế hoạch trên trong bài viết đăng trên báo Wall Street Journal, hai tuần sau khi một quan chức Mỹ giấu tên cho hay chính quyền Mỹ đã thông báo với các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) về thông tin này.
Đồng thời, ông cho biết, Mỹ sẽ đảm bảo lệnh cấm vận vũ khí vẫn được duy trì "bằng cách này hay cách khác".
Mỹ đã soạn thảo một Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ thúc đẩy việc thông qua văn bản này "bằng biện pháp ngoại giao và tạo dựng sự ủng hộ".
Đáp trả động thái đó, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố những phát biểu của các quan chức Chính phủ Mỹ "không có gì mới" và "không đáng ngạc nhiên" trong khi Mỹ không còn tham gia Thỏa thuận hạt nhân mang tên "Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA), vốn được Iran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.
Chính phủ Mỹ đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận của Liên hợp quốc dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10/2020 theo JCPOA.
Theo nhận định của giới chuyên gia, căng thẳng Mỹ-Iran đã kéo dài trong nhiều năm qua, đặc biệt gia tăng nhanh kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào thàng 5 năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran.
Về kinh tế, Mỹ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, tìm cách làm cho chính quyền Hồi giáo của nước này rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính (trừng phạt ngành dầu mỏ Iran và các quan chức Chính phủ nước này).
Hải quân Mỹ ra cảnh báo nóng, nều tàu chiến Iran áp sát dưới 100m sẽ tiêu diệt.
Về ngoại giao, Mỹ xây dựng khuôn khổ an ninh các nước Arab (MESA) với hạt nhân là Saudi Arabia ở Trung Đông để kiềm chế sự nổi lên của "vùng trăng lưỡi liềm Shiite".
Về quân sự, Mỹ bổ sung thêm binh lính và vũ khí; tăng cường răn đe quân sự và gây sức ép tối đa đối với chính quyền Iran.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Iran từng bước dừng thực hiện một số nội dung của Thỏa thuận JCPOA nhằm gây sức ép buộc các nước phương Tây (châu Âu) phải kiếm tìm giải pháp hỗ trợ Iran chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc thuyết phục Tổng thống Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt, vốn được áp dụng thường xuyên thời gian qua.
Sự thù địch giữa Mỹ - Iran đột ngột gia tăng vào đầu tháng 01/2020 sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ giết chết tướng Qassem Soleimani (thủ lĩnh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - IRGC) tại sân bay Baghdad (Iraq).
Iran đáp trả bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa vào hai căn cứ quân sự có quân Mỹ đồn trú tại Iraq . Mặc dù không có thương vong nhưng sau đó trên 100 lính Mỹ ở đây bị phát hiện có biểu hiện chấn thương não. Sau cuộc tấn công này, cả hai phía đã có những bước lùi nhất định nhằm làm giảm căng thẳng.
Tháng 4/2020, quân đội Mỹ cho rằng đã có 11 tàu của Iran liên tục tiến hành "tiếp cận nguy hiểm" và quấy rối đối với các tàu hải quân và tàu cảnh sát biển trong vùng Vịnh, có tàu chỉ còn cách tàu Cảnh sát biển Mỹ chỉ khoảng 10 mét.
Ngay sau đó, Tổng thống Trump đe dọa cho phép "bắn chìm và phá hủy mọi tàu chiến của Iran có hành động quấy rối tàu của Mỹ trên biển". Cùng ngày với lời đe dọa đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố đã tiến hành phong thành công vệ tinh quân sự đầu tiên lên vũ trụ (24/4).
Bộ Quốc phòng Mỹ coi vệ tinh Iran không phải là một mối đe dọa nguy hiểm, nhưng quan ngại về các tên lửa mà Iran sử dụng để phóng vệ tinh, cho rằng đây có thể là sự che đậy của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran trong khi điều đó vi phạm một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi Iran kiềm chế trong các hoạt động liên quan tên lử đạn đạo.
Mỹ và Iran đều đang cùng hướng tới lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10. Mỹ đang thúc đẩy việc gia hạn trong khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani thề sẽ đáp trả mãnh liệt nếu Mỹ thành công trong việc gia hạn lệnh cấm vận này.
Một động thái đáng chú ý gần đây, ngày 7/5/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang tiến hành chuyển 02 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (PAS) cùng khoảng 300 nhân viên quân sự ra khỏi Saudi Arabia, chỉ để lại 02 hệ thống.
Mỹ đã chuyển 02 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ra khỏi Saudi Arabia
04 hệ thống này đã được Mỹ triển khai để đối phó với các mối đe dọa từ Iran sau cuộc tấn công ngày 14/9/2019 vào 02 tàu chở dầu của Nhật Bản và Na Uy trên eo biển Hormuz mà cả Mỹ và Saudi Arabia đều cáo buộc Iran tiến hành.
... song khó vượt quá giới hạn
Giới quan sát quốc tế cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ-Iran sẽ còn tiếp tục lâu dài. Sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), nước này bị đẩy vào tình thế không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từng bước từ bỏ các điều khoản trong thỏa thuận và khôi phục chương trình hạt nhân của mình và Mỹ không bao giờ chấp nhận điều này.
Mặc dù giải pháp "đối thoại trực tiếp" giữa Mỹ và Iran càng ngày càng khó diễn ra do hai bên tỏ ý không muốn nhìn mặt nhau, nhưng các động thái gần đây của cả hai bên đều cố gắng "không để vượt quá giới hạn", nhất là sự kiềm chế của hai bên sau mỗi đợt gia tăng căng thẳng, cụ thể:
Thứ nhất, Mỹ tuyên bố rút bớt 02 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khỏi Saudi Arabia khi các hệ thống này được triển khai nhằm đối phó với Iran...); điều này cho thấy Mỹ đánh giá các mối đe dọa từ Iran không còn quá trực tiếp.
Thứ hai, cả Mỹ và Iran đều là các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên đều phải tập trung chống dịch, tiếp đó là phục hồi nền kinh tế và ngăn ngừa dịch bệnh quay trở lại, vì thế những hành động gây chiến là hoàn toàn không phù hợp vào thời điểm này.
Thứ ba, ông Donald Trump hiện phải tập trung nhiều trí lực cho chiến dịch tái cử nhiệm kỳ 02 (sẽ diễn ra vào tháng 11/2020), trong đó lời hứa không tham gia vào các cuộc chiến ở nước ngoài và rút quân đội Mỹ ở nước ngoài về nước là những điểm nhấn quan trọng, có thể tạo điểm cộng lớn dành cho ông.
Do đó, chắc chắn, trong quan điểm của ông Trump không muốn xảy ra một cuộc chiến ủy nhiệm mới tương tự kịch bản "Cách mạng màu" - bị coi là rơi "vũng lầy" của Mỹ, tại chiến trường Afghanistan, Syria, Libya trong suốt thời gian qua.
Ngay cả trong vụ"khiêu khích" mới nhất khi Iran điều 5 tàu dầu chở nhiên liệu tới Venezuela, dù đe dọa sẽ "xử" nhưng trên thực tế các tàu dầu Iran không hề gặp bất cứ sự cản trợ nào trong suốt hành trình.
Tàu dầu Iran được chào đón nồng nhiệt ở Venezuela.
Tất cả những điều đó cho thấy, tuy Tổng thống Trump phủ quyết Nghị quyết của Quốc hội Mỹ để giữ lại "quyền tiến hành tấn công Iran" nhưng ít có khả năng của xảy ra một cuộc chiến tranh quân sự giữa Mỹ và Iran trong tương lai gần.
Giới quan sát quốc tế nhận định TT Trump đã rất khôn ngoan khi phản ứng hạn chế trước những hành động và tuyên bố cứng rắn của Iran. Việc dùng những biện pháp tổng hợp cả chính trị, ngoại giao và quân sự để trừng phạt Iran chính là đòn hiểm sau thất bại ngăn tàu chở dầu Iran tới Venezuela.