Tàu dầu Iran tới Venezuela, "cú tát thẳng mặt" vào Mỹ
Hôm nay, 01/06/2020, tàu dầu Iran mang tên Clavel, đi cuối trong "hạm đội" 5 chiếc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Venezuela và được chiến hạm và máy bay tiêm kích hiện đại nước chủ nhà hộ tống bảo vệ để tới cảng an toàn.
Trước đó, tàu dầu Fortune, chiếc đi tiên phòng đã giải phóng xong toàn bộ số nhiên liệu trong khoang và khởi hành về nước. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến vào ngày 07/06 tới đây, con tàu dầu Iran này sẽ về tới quê nhà.
Như vậy, toàn bộ 5 tàu dầu Iran đều đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt tới Venezuela, giúp quốc gia Nam Mỹ vốn có trữ lượng dầu mỏ thuộc loại lớn nhất thế giới nhưng lại đang lâm vào khủng hoảng nhiên liệu cực kỳ nghiêm trọng.
Những thùng nhiên liệu quý giá tới từ Iran được chào đón hết sức nồng nhiệt. Thể hiện sự trân quý, Quân đội Venezuela không những điều động lực lượng tàu chiến, máy bay hiện đại đi hộ tống bảo vệ mà còn giống như là một nghi thức chào đón chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia.
Hình ảnh biên đội 5 tiêm kích Su-30MK2 và F-16 Không quân Venezuela bay theo đội hình duyệt binh cực đẹp ngay trên đầu tàu dầu và thậm chí là sát mặt boong là minh chứng sắc nét nhất.
Tiêm kích Su-30MK2 Venezuela bay cực thấp, bảo vệ tàu dầu Iran
Hãng thông tấn Tasnim của Iran đã đăng bài xã luận nhấn mạnh rằng Mỹ đã thất bại khi không ngăn cản được các tàu dầu Iran cập cảng Venezuela bất chấp những lời đe dọa. Trong đó có đoạn:
"Sự kiện tàu dầu Iran cập cảng Venezuela là chiến thắng chống lại Mỹ cùng lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran... Đây là cú tát vào mặt chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, là bằng chứng cho thấy chính sách bao vây Venezuela của Mỹ đang sụp đổ".
Trước đó, Mỹ đã đe dọa có thể sẽ chặn bắt những tàu dầu Iran, đáp lại Tehran đe dọa sẽ trả đũa nhằm vào tàu dầu của Mỹ trên vịnh Ba Tư nếu Washington có bất cứ hành động nào với tàu dầu Iran trên đường tới Venezuela.
Trên thực tế, dọc hải trình từ Iran, qua kênh đào Suez, vượt biển Địa Trung Hải, lướt qua eo biển Gibralta rồi rẽ sóng Đại Tây Dương tới Venezuela, không có bất cứ tàu chiến Mỹ nào ngăn cản hay có hành động khiêu khích với các tàu dầu này.
Tàu dầu Iran được chào đón nồng nhiệt ở Venezuela.
Iran tính tung thêm "cú đấm bồi"
Sau khi các tàu dầu Iran tới Venezela an toàn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi tuyên bố Tehran sẵn sàng cử thêm nhiều chuyến tàu chở nhiên liệu tới Venezuela nếu Caracas có yêu cầu. Ông nói:
"Iran đã thực hiện quyền tự do thương mại với Venezuela và chúng tôi sẵn sàng cử thêm tàu nếu Caracas yêu cầu những chuyến hàng tương tự từ Iran".
Đồng thời ông cũng cảnh báo Iran sẵn sàng đáp trả thẳng tay nếu Mỹ chặn bắt những tàu dầu nước này vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Venezuela trên đường về nước: "Nếu Mỹ có bất cứ hành động nào cản trở hoặc khiêu khích các tàu dầu của chúng tôi, chắc chắn họ phải đối mặt với cái giá rất đắt, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả".
Những lo sợ về đụng độ quân sự giữa Washington và Tehran cuối cùng đã không diễn ra khi các tàu dầu Iran rốt cuộc đã đến được Venezuela mà không gặp cản trở gì từ phía hải quân Mỹ. Dường như chính điều này khiến Iran tự tin hơn cho rằng Mỹ sẽ không "xuống tay" với các tàu dầu của họ nên tính tung thêm những cú đấm bồi.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng cái gì cũng có giới hạn, "chơi dao sẽ có ngày đứt tay" nếu Iran không biết lằn ranh đỏ nằm ở đâu.
Một khi Washington nổi giận, rất có thể sự việc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát bởi sẽ là sai lầm nếu cho rằng Tổng thống Mỹ Trump chịu chấp nhận ở thế yếu, nhất là với một hành động được ví von là Tehran đang chở căng thẳng tới sát cửa ngõ của Mỹ.
Nhóm tác chiến Hải quân Mỹ gồm 4 tàu hiện đại hoạt động ở biển Caribe.
Có thể trong hành trình trở về nước của 5 tàu dầu Iran nói trên Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục "mắt nhắm mắt mở" cho qua, chập nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt" nhưng rất có thể họ sẽ ra tay trước hành động "được đằng chân lân đằng đầu" của Tehran khi tiếp tục có đợt giao hàng tiếp theo.
Cơn khát nhiên liệu của Venezuela đã tạm thời được giải tỏa nhưng số hàng mà 5 tàu dầu Iran chở theo chỉ đáp ứng được nhu cầu của quốc gia Nam Mỹ này trong vài tuần mà thôi, sau đó nếu các nhà máy lọc dầu trong nước chưa hoạt động trở lại, có thể họ sẽ lại cầu cứu Iran một lần nữa. Lúc này thì không ai đoán trước được điều gì.
Tuy nhiên, Mỹ đang siết chặt "vòng kim cô" khi tăng cường trừng phạt cả Iran và Venezuela sau vụ buôn bán dầu "gây mất mặt" trên, đồng thời họ sẽ tìm cách gây áp lực lên các cường quốc khác, để bóp nghẹt Iran trong một phạm vi lớn hơn.
Cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn còn ở phía trước, chỉ cần một bên không giữ được cái đầu lạnh, vượt qua lằn ranh đỏ hay ngưỡng chịu đựng của bên kia, rất có thể tình huống xấu nhất sẽ xảy ra.
Cả thế giới, tất nhiên, sẽ không thích điều này, đại dịch Covid đang hoành hành đã là quá đủ rồi, đừng có thêm bất cứ xáo trộn gì thêm nữa!