Sốt xuất huyết năm nay gia tăng cả số ca mắc và tử vong: Cảnh báo đáng ngại về chu kỳ dịch

Mộc Trà |

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết đang vào mùa nên người dân cần đề cao cảnh giác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

22 ca tử vong trong 6 tháng đầu năm

Theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 22 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó các trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).

Bộ Y tế cảnh báo hiện đang là cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo số ca mắc trong khoảng thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số ca mắc và ca tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Trường hợp thoát cửa tử sau 47 ngày điều trị, anh Trần Đình Ph. (sinh năm 1986, trú tại quận Gò Vấp, TP HCM) nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng bị sốt xuất huyết mức độ nặng, sốc, tổn thương đa cơ quan.

Bệnh nhân được cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán: Dengue xuất huyết mức độ nặng, sốc, tổn thương đa cơ quan (hô hấp, gan, thận, rối loạn đông máu - DIC) ngày thứ 5, điều trị hồi sức tích cực: thở máy, kiểm soát dịch, chống sốc, lọc máu liên tục, thay huyết tương cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng sốc Dengue của bệnh nhân tiếp tục tiến triển nặng, suy đa cơ quan nặng, bệnh nhân đã được can thiệp, đồng thời sử dụng ECMO, lọc máu liên tục và thay huyết tương cùng các biện pháp tích cực khác.

Sốt xuất huyết năm nay gia tăng cả số ca mắc và tử vong: Cảnh báo đáng ngại về chu kỳ dịch - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết đang vào mùa.

Theo Thượng tá, BSCKII Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175, trải qua 47 ngày điều trị, bệnh nhân đã phải duy trì chạy ECMO 10 ngày, lọc máu liên tục 12 lượt, thay huyết tương cấp cứu 14 lượt với tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị huyết tương. Đồng thời, bệnh nhân được truyền thêm hồng cầu lắng, tủa lạnh, số lượng lớn tiểu cầu (20 đơn vị). Trong quá trình điều trị, khó khăn đặt ra là tình trạng diễn biến phức tạp do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm tụy, nhiễm trùng cơ hội.

PGS.TS.BSCKII Trương Đình Cẩm - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đây là một ca bệnh đặc biệt, đầy thách thức nhưng các bác sĩ, điều dưỡng và gia đình đều quyết tâm, nỗ lực cứu tính mạng của bệnh nhân, mặc dù có những thời điểm hi vọng khá mong manh. Bệnh viện đã huy động tất cả sức lực và công nghệ, trang thiết bị hiện đại nhất, cùng sự tận tình hết mình của đội ngũ y bác sĩ, cộng với nghị lực sống mãnh liệt, bệnh nhân đã dần hồi phục chức năng gan, thận, hô hấp. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định về mặt lâm sàng và cải thiện về các xét nghiệm, được ra viện và tiếp tục theo dõi, quản lý điều trị tại nhà.

Cảnh báo đáng ngại về chu kỳ dịch

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sự lơ là sốt xuất huyết trong vòng 3 năm (2019 - 2022) chống dịch COVID-19 đã khiến số ca sốt xuất huyết tăng vọt, bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.

Sốt xuất huyết năm nay gia tăng cả số ca mắc và tử vong: Cảnh báo đáng ngại về chu kỳ dịch - Ảnh 2.

Thời điểm giao mùa nhiều người dễ mắc sốt xuất huyết nhất.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 7.039 ca mắc); trong đó, số ca mắc nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Phân tích số liệu cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có số ca mắc tăng cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng ghi nhận 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Các chuyên gia nhận định thông thường chu kỳ của một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh là từ 3 - 4 năm. Lần gần đây nhất, sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Việt Nam là năm 2019 với khoảng hơn 300.000 ca bệnh; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 ca. Do đó, có khả năng năm 2022 có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch sốt xuất huyết mới.

Các bác sỹ khuyến cáo vào mùa mưa, khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2 - 3 ngày, cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sau khi xác định mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như sốt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại