Bệnh truyền nhiễm mùa hè tăng: Dấu hiệu báo động đỏ cần nhập viện và các quan niệm cực sai

PV |

Kính mời quý độc giả cùng đón xem livestream của chương trình "Chuyện khó có bác sĩ" với sự tham gia tư vấn của TS.BS. Đỗ Thiện Hải, PGĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi TW.

Mùa hè không chỉ là mùa của nắng, nóng mà còn là mùa của rất nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở trẻ em.

Mùa hè năm nay cũng đã bắt đầu với các đợt bùng phát dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết,... ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, trong đó đã ghi nhận các ca biến chứng nặng, thậm chí tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Chương trình Chuyện khó có bác sĩ ngày hôm nay sẽ cùng thảo luận chủ đề "Bệnh truyền nhiễm mùa hè gia tăng: Làm gì để phòng tránh?".

Chương trình đang được phát sóng trực tiếp trên fanpage của Soha.vn. Chương trình có sự tham gia tư vấn của TS.BS. Đỗ Thiện Hải, PGĐ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình ở video dưới đây.

Một số nội dung của chương trình:

1. Thực trạng bệnh truyền nhiễm mùa hè

Hỏi: Vì sao mùa hè lại là mùa của các bệnh truyền nhiễm?

Đáp: Việt Nam là nước nhiệt đới với điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Bệnh truyền nhiễm tăng, giảm theo mùa và nhiệt độ sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn hoặc vật trung gian truyền bệnh phát triển.

Thời tiết hiện tại, khi có nhiều mưa rào là điều kiện thuận lợi cho muỗi - vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản - phát triển. Thêm vào đó, đây cũng là điều kiện để virus gây bệnh tay chân miệng - một căn bệnh thường lây lan ở trẻ nhỏ độ tuổi mẫu giáo - phát triển mạnh. 

Hỏi: Căn bệnh truyền nhiễm nào thường phổ biến trong thời gian gần đây ở bệnh viện Nhi Trung ương? 

Đáp: Trong 10 năm trở lại đây, ở thời điểm giao mùa từ xuân sang hè, 4 căn bệnh mà giới chuyên môn luôn cảnh giác là sốt xuất huyết (SXH), viêm não Nhật Bản, tay chân miệng (TCM) và cúm. Đây là những bệnh rất dễ lây lan và có thể tạo thành dịch ở quy mô khá lớn.

Hiện tại, số ca mắc TCM đang tăng khá cao. Mỗi ngày, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đều tiếp nhận từ 15-30 ca mắc TCM. Có một điều cần đặc biệt lưu ý đó là số bệnh nhân nhập viện này chỉ chiếm 20% trong tổng số bệnh nhân tới viện khám và được chẩn đoán bệnh. Một số trường hợp cũng được chẩn đoán bệnh nhưng được chỉ định về nhà theo dõi hoặc chuyển về các tuyến tỉnh để điều trị. 

Hỏi: Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng so với cùng kỳ các năm trước thì năm nay, một số bệnh truyền nhiễm tăng cao đáng kể. Vì sao lại có hiện tượng này? 

Đáp: Qua các thống kê dịch tễ chúng tôi thấy rằng theo chu kỳ từ 4-5 năm, số ca mắc SXH lại tăng lên. Năm 2017 đã ghi nhận số ca mắc SXH rất cao và năm nay cũng rơi vào chu kỳ này. Do đó, chúng tôi cũng đang rất lo ngại dịch SXH năm nay.

Hỏi: Sốt xuất huyết (SXH) có thể nguy hiểm tới mức nào? Dấu hiệu nào là dấu hiệu cảnh báo đỏ đối với bệnh này?

Đáp: Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhập viện, đặc biệt ở những trường hợp mắc SXH khi cơ thể đang có sẵn một tình trạng bệnh nào đó hoặc những người đang phải sử dụng thuốc corticoid. 

SXH là một tình trạng gây rối loạn đông máu và suy tuần hoàn. Do đó, khi được chẩn đoán mắc SXH, nếu bệnh nhân đang có sẵn các bệnh nền, đặc biệt là bệnh liên quan tới tình trạng rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng các thuốc có ảnh hưởng tới đông máu thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị.

Bệnh truyền nhiễm mùa hè tăng: Dấu hiệu báo động đỏ cần nhập viện và các quan niệm cực sai - Ảnh 2.

Chăm sóc trẻ SXH cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu từ ngày thứ 3 đến thứ 7, kể cả khi nhiệt độ cơ thể giảm. Ảnh minh hoạ.

Những trường hợp mắc bệnh nếu đáp ứng với thuốc hạ sốt, đồng thời vẫn chơi và sinh hoạt bình thường thì có thể ở nhà theo dõi, điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì nhất định cần tới viện để khám.

Đặc biệt, ở ngày thứ 3 đến thứ 7 khi mắc bệnh SXH, nếu bệnh nhân cảm thấy mệt hoặc không ăn, không chơi mặc dù nhiệt độ cơ thể đã hạ (đặc biệt ở trẻ nhỏ), đây là những dấu hiệu rất sớm cho thấy cần đưa người bệnh nhập viện.

Đặc điểm của SXH là có thể gây rối loạn đông máu. Tuy nhiên, một số người khi chăm sóc trẻ bị SXH thường cố gắng hạ sốt cho trẻ bằng cách sử dụng đồng thời cả thuốc hạ sốt paracetamol và ibuprofen. 

Tuy nhiên, khi mắc SXH, chúng ta chỉ được phép sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol. Bởi SXH bản chất là có thể gây tổn thương gan. Sử dụng paracetamol không đúng chỉ định cũng có thể gây viêm gan, cộng thêm việc sử dụng cả ibuprofen thì nguy cơ rất cao sẽ gây chảy máu ồ ạt. Đây là điểm rất khác trong việc chăm sóc bệnh nhân SXH và bệnh nhân mắc bệnh sốt virus thông thường.

Do đó, chúng ta cần cố gắng chẩn đoán SXH sớm vì bệnh có cách chăm sóc khác.

Bổ sung đủ nước khi mắc SXH là một điều cực kỳ quan trọng để ngăn bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, một sai lầm khi điều trị SXH đó là bệnh nhân trông chờ vào việc truyền dịch. Ở trẻ nhỏ, việc bù nước khó khăn hơn do trẻ quấy khóc và thường không tự uống. Nếu cha mẹ không chú ý bù đủ nước cho con thì nguy cơ chuyển nặng sẽ rất cao.

Hỏi: Phân biệt triệu chứng của tay chân miệng (TCM) và đậu mùa khỉ

Đáp: Trên thực tế, đậu mùa khỉ có biểu hiện bệnh là xuất hiện các mụn nước trên da. Bệnh TCM cũng có thể có dấu hiệu này. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. 

Thêm vào đó, dấu hiệu phát ban đặc hiệu ở bệnh TCM là các nốt phát ban ở các vị trí đặc biệt như vòm họng, lòng bàn tay/chân, đầu gối, mông; các ban có thể là các vết dát đỏ hoặc mụn nước. Còn đối với đậu mùa khỉ, mụn nước có thể xuất hiện ở toàn thân. 

Bệnh truyền nhiễm mùa hè tăng: Dấu hiệu báo động đỏ cần nhập viện và các quan niệm cực sai - Ảnh 3.

Dấu hiệu phát ban đặc hiệu ở bệnh TCM là các nốt phát ban ở các vị trí đặc biệt như vòm họng, lòng bàn tay/chân, đầu gối, mông. Ảnh minh hoạ.

Hỏi: Khi con bị TCM có nhất thiết phải nhập viện điều trị không? Dấu hiệu nào của bệnh TCM được coi là dấu hiệu nguy hiểm?

Đáp: Mùa dịch năm 2011 - 2012, chúng tôi đã thống kê được hơn 3.000 bệnh nhân mắc TCM tới khám tại viện. Tuy nhiên, số nhập viện chỉ là ⅕ - ⅓  số trường hợp mắc TCM. 

Chúng ta cần chú ý tới dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chứ đừng chờ tới khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm. Đối với bệnh SXH và TCM, khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sẽ rất khó để xử lý.

Đối với các virus thông thường hoặc bệnh SXH, nếu trẻ vẫn ăn uống, chơi và hạ sốt thì chúng ta có thể theo dõi, điều trị bệnh cho con tại nhà.

Tuy nhiên, nếu thấy trẻ quấy khóc, mệt, đặc biệt là quấy khóc dai dẳng thì cần đưa bé tới viện điều trị ngay lập tức. Có một sai lầm mà nhiều mẹ mắc phải đó là nghĩ rằng con quấy khóc là do đau miệng, bởi trong miệng có các vết loét. Tuy nhiên, quấy khóc kéo dài là dấu hiệu của trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh.

Ở TCM, bệnh chuyển độ rất nhanh. Cứ mỗi 6-12 tiếng là trẻ có thể chuyển cấp độ bệnh nặng hơn. Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu bệnh để xử trí kịp thời.

Hỏi: Viêm não Nhật Bản là căn bệnh cũng đang vào mùa, làm thế nào để phát hiện? 

Đáp: Viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ lớn. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng vaccine Viêm não Nhật Bản hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, một sai lầm mà cha mẹ thường mắc đó là chỉ theo dõi sổ tiêm chủng của con trong 2 năm đầu tiên, những năm sau này lại lơ là.

Các dấu hiệu sớm khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là đau đầu, cơn đau tăng dần lên. Biểu hiện rối loạn ý thức sớm nhất là ngủ nhiều. Biểu hiện muộn hơn là buồn nôn và nôn khan. Do đó, khi thấy con có các dấu hiệu này, đặc biệt là ở trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ cần đặc biệt cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh truyền nhiễm mùa hè tăng: Dấu hiệu báo động đỏ cần nhập viện và các quan niệm cực sai - Ảnh 4.

Muỗi là vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh hoạ.

2. Phòng bệnh truyền nhiễm mùa hè

Hỏi: Làm thế nào để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm mùa hè?

Đáp: Cơ thể khoẻ mạnh là điều đầu tiên để phòng chống không chỉ bệnh truyền nhiễm mà còn chống những căn bệnh khác.

Cha mẹ cần cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo chế độ ăn khoa học để con phát triển thể chất và tăng đề kháng. Cha mẹ nên tham khảo thông tin về chế độ dinh dưỡng cho con qua các trang web của các cơ quan chính thống như Viện dinh dưỡng Quốc gia hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thêm vào đó, đây là thời điểm nghỉ hè, là thời điểm muỗi sinh sôi, phát triển. Do đó, cha mẹ cần dọn sạch những chỗ có muỗi trú ngụ như những nơi nước đọng. Giữ môi trường sạch sẽ là vấn đề quan trọng nhất để phòng bệnh SXH.

Đối với TCM, cách tốt nhất là rửa tay thường xuyên cho con. Khi lớp học có trẻ mắc TCM, cha mẹ cần báo cho nhà trường để vệ sinh, khử khuẩn lớp học.

Một vấn đề nữa đó là người lớn có thể mang các virus gây bệnh truyền nhiễm, có thể lây cho trẻ em nhưng người lớn lại không bị phát bệnh. Do đó, cha mẹ nên hạn chế tiếp xúc với trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, ví dụ như đi thăm trẻ bị bệnh, một phần để tránh lây truyền cho trẻ đó thêm các bệnh khác, phần nữa là để tránh lây nhiễm bệnh của trẻ mà mình đang đến thăm ra ngoài cộng đồng.

Với viêm não Nhật Bản, cha mẹ nên có thói quen kiểm tra sổ tiêm chủng của con vào một thời điểm nhất định nào đó trong năm để tiêm bổ sung kịp thời cho con các mũi tiêm cần thiết. Viêm não Nhật Bản số ca mắc không nhiều nhưng tỷ lệ di chứng lại rất cao, nhất là các di chứng về tâm thần.

Hỏi: Khi trẻ sống trong môi trường đã có người bị bệnh, cha mẹ nên làm gì để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho con?

Đáp: Đối với các bệnh như cúm, COVID thì nên cho trẻ cách ly hẳn với người bị bệnh. Đối với bệnh TCM, cũng cần cách ly hoàn toàn trẻ bị bệnh với trẻ chưa mắc bệnh, đồng thời thường xuyên vệ sinh tay cho con.

Đối với SXH thì nên dọn sạch môi trường sống, đặc biệt tránh bị muỗi đốt.

Hỏi: Nhiều cha mẹ nghĩ rằng con chỉ ở nhà sẽ không có nguy cơ mắc tay chân miệng, do đó chỉ cho con chơi trong nhà. Điều này có đúng không?

Đáp: Giữ em bé ở nhà không phải là biện pháp tốt để em bé có sức khoẻ tốt. Em bé vẫn cần có các hoạt động nhưng đảm bảo các phương pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh như tránh muỗi đốt, vệ sinh tay sau khi đi chơi cùng các trẻ khác.

Vận động giúp cơ thể khỏe mạnh, tâm lý vui vẻ, thoải mái và nâng cao thể trạng.

Bệnh truyền nhiễm mùa hè tăng: Dấu hiệu báo động đỏ cần nhập viện và các quan niệm cực sai - Ảnh 5.

Vận động giúp sức khoẻ của trẻ tốt hơn. Ảnh minh hoạ.

Hỏi: Có rất nhiều quan điểm truyền miệng rằng nên kiêng gió, kiêng nước cho người mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có tay chân miệng. Điều này có đúng không?

Đáp: Đây là quan điểm truyền thống cần được thay đổi. Chúng tôi đã từng tiếp nhận 1 bé sơ sinh mắc bệnh TCM mà chưa hề tắm trong vòng 1 tháng.

Thực tế, nếu trẻ bị nhiễm lạnh khi đang mắc bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ suy hô hấp, rối loạn tiêu hoá rất cao.

Tuy nhiên, kiêng tắm cho con có thể khiến trẻ có các biến chứng như nhiễm trùng ngoài da hoặc ngứa ngáy hơn, khó chịu hơn. Do đó, cha mẹ vẫn có thể tắm cho con nhưng nhớ tắm trong phòng kín gió, tắm nhanh bằng cách tắm từng phần và giữ ấm cho con sau khi tắm.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại