Vì sao nắng nóng có thể giết chết bất kì ai?

Phúc Mai |

Những ngày nắng nóng cao điểm, số người tử vong và đột quỵ liên quan đến nắng nóng ngày càng tăng cao thậm chí có trường hợp đột tử vì đưa con đi dự thi kỳ thi Quốc gia năm nay.

Đột tử vì nắng

Buổi sáng ngày thi đầu tiên (01/7), tại cụm thi số 23 đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Trong khi chờ con thi, phụ huynh B.V.T, 56 tuổi, (trú tại Tổ 12, phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình) đã đột tử.

Ông B.V.T là phụ huynh của thí sinh B.T.P.A, tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015 tại điểm thi THCS Tân Bình - thuộc cụm thi số 23 trường ĐH Y Dược Thái Bình.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết quá nắng nóng. Ngay sau khi đột quỵ, ông B.V.T đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, ông B.V.T bị tai biến mạch máu não, cơ thể không điều hòa được với môi trường khắc nghiệt mùa hè.

Sĩ tử đang tham gia thi, phụ huynh đứng tránh nắng nên phòng say nắng.

Tại khoa Hồi sức Cấp Cứu Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho anh N.V.N (47 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) bị hôn mê do say nắng khi đang đi gặt thuê.

Còn tại khoa Quốc tế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiều người đến khám bệnh với triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, trong đó có nhiều trường hợp kiệt sức vì nắng nóng.

Chị Vũ Thị Hải trú tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội gương mặt mệt mỏi cho biết mấy ngày nay nắng nóng chị đi làm ngoài trời nhiều khiến cơ thể mất nước, tối về đau đầu không ngủ được dù có điều hòa.

Chị lo lắng khi thấy đầu đau và xuất hiện buồn nôn khan. Dù không nôn được nhưng chị vẫn lo có thể hậu quả của nắng nóng, sợ bị viêm não...

Dù trời nắng nóng rất nhiều, chị Hải chọn khoa Quốc tế với hi vọng khám bệnh nhanh, khu vực ngồi chờ mát mẻ.

Nếu nóng quá, chắc chị không dám đi ra ngoài nữa. Bác sĩ đã cho chị đi thử máu, điện tim, chụp Xquang phổi. Chưa hết, chị Hải muốn CT não để kiểm tra sức khỏe luôn.

Nắng nóng có thể giết chết bất cứ ai

Bác sĩ Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời tiết 40 độ C như hiện nay thì say nắng có thể xảy ra với bất cứ ai đi đường.

Triệu chứng rõ ràng nhất là hoa mắt, khó chịu, buồn nôn... Lúc này, mọi người nên dừng lại nghỉ trong bóng mát. Như thế cũng là cách sơ cứu say nắng.

Những ngày này người già, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị say nắng nhất nhưng với những người khỏe mạnh thì cũng có thể sốc nhiệt khi nhiệt độ lên cao.

Theo bác sĩ, chính say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt bạn nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức và tổ chức sơ cứu nạn nhân cho tới khi nhân viên y tế tới.

Sốc nhiệt (say nắng) có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng nó cũng rung một hồi chuông cảnh báo đối với các vận động viên trẻ khỏe.

Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng).

Nhưng sốc nhiệt cũng có thể tấn công/biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước.

Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.

Định nghĩa y học của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C (1050F) với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Khi gặp người có triệu chứng bị sốc nhiệt, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.

Nếu có thể được, đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể xuống 38,33 – 38,88 độ C (101 - 1020F). Nếu không có nhiệt kế, không do dự tiến hành sơ cứu.

Làm mát nạn nhân với quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước, áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân.

Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

Khi bị say nắng, nạn nhân thường rất nhạy cảm với nhiệt độ trong một thời gian vì thế trong giai đoạn này bệnh nhân nên nghỉ ngơi, tránh lao động nặng và tránh ra nắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại