Mặc dù Bộ Y tế đã lên tiếng trấn an người dân rằng: Dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp là bình thường và không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tuy nhiên, Bộ lại khẳng định: 2 hộp dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp tại Quảng Ngãi là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thêm vào đó, thực nghiệm giữa 3 loại dầu cá Omega-3 của Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ lại cho thấy: Quá trình ăn mòn của mỗi loại với miếng xốp khác nhau. Điều này khiến người dùng không khỏi băn khoăn.
Nên chọn loại dầu cá Omega-3 nào cho mình? Làm sao để biết đó là hàng giả? Đó là câu hỏi đang thường trực của nhiều chị em phụ nữ sau vụ việc vừa qua.
PV đã làm một buổi khảo sát nhanh tại các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội thì thực tế cho thấy: Có rất nhiều loại dầu cá Omega-3 có nguồn gốc xuất xứ khác nhau và mỗi nơi một giá.
Dân Việt chuộng Omega-3 nội vì giá rẻ
Tại quầy thuốc Tư nhân số 36B- B1 Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua dầu cá Omega- 3, người đàn ông ngoài 40 tuổi, tự xưng là chủ hiệu thuốc giới thiệu:
Cửa hàng có bán 2 loại: 1 loại dầu cá của Việt Nam với mức giá chỉ 13.000 VNĐ/hộp và một loại dầu cá được sản xuất từ Mỹ có giá 160.000 VNĐ/hộp.
Giải thích cho việc tại sao Omega-3 Mỹ lại đắt gấp hơn 10 lần so với Omega-3 của Việt Nam, vị chủ quán phân bua: Do hàm lượng Omega-3 bào chế trong mỗi loại dầu cá nhiều hay ít.
“Ví dụ, dầu cá có nguồn gốc Trung Quốc có đến 80 – 100% nhưng của Việt Nam chỉ có 20-30% thôi.
Uống mấy viên dầu cá của Mỹ này, nó rất tanh nhưng uống mấy viên của Việt Nam thì nó sẽ không tanh” – Vừa nói, ông chủ quán vừa chỉ tay vào mấy hộp Omega-3 Mỹ đang bày bán trên kệ của mình.
Trong khi đó, nhiều hiệu thuốc khác trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết: Thông thường, họ bán cho sinh viên và bệnh nhân ở các bệnh viện, vì vậy, những loại ít tiền, giá rẻ (thường là hàng nội) sẽ được mua nhiều và ưa chuộng hơn.
Hiệu thuốc Huyền Anh (đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ bán 2 loại thực phẩm chức năng Omega-3 của Việt Nam, một loại được sản xuất tại Đống Đa (HN), một loại của công ty ở Hoàng Mai (HN).
“Cả 2 loại đều có giá 135.000 VND/hộp bởi thành phần cũng giống nhau chứ không khác nhau là mấy. Thường nhà em sẽ lấy thuốc theo khách hàng muốn, chứ không lấy nhiều về sẽ không bán được” – cô nhân viên bán hàng đon đả tư vấn.
Chia sẻ với chúng tô, vị chủ quán của quầy thuốc trên đường Tôn Thất Tùng (Hà Nội) nhận xét: Giá cả Omega-3 hiện nay rất bát nháo. Trên thị trường bây giờ có tới hơn 30 loại Omega-3 với nhiều nguồn gốc khác nhau: Canada, Úc, New Zealand…
Giá cả cao – thấp phụ thuộc vào từng vùng phân phối, tùy vào mức “hét giá” của người chủ cửa hàng.
“Làm gì có giá niêm yết trên thị trường. Niêm yết là chính chủ thuốc thôi và tôi cũng niêm yết luôn chứ không phải của công ty niêm yết” – chủ hiệu thuốc nói.
Thừa nhận điều này, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cũng nhắn nhủ: “Omega-3 là giống nhau, của Trung Quốc, Úc hay Mỹ, Omega-3 đều là Omega-3, chỉ khác nhau về giá thôi”.
Ông Đáng nhấn mạnh: “Công nghệ sản xuất là như nhau chỉ có công ty bán đắt hay bán rẻ”.
Vàng thau lẫn lộn
Nhận định về thực phẩm chức năng dầu cá Omega-3, ông Đáng cho rằng: Cơ quan quản lý thị trường (Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công thương) đang quản lý khá lỏng lẻo vẫn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện.
Nguyên nhân việc này, theo ông Đáng là do: Các quy định pháp luật còn lỏng lẻo và không phù hợp.
“Thế nào là “thực phẩm giả”? Không có định nghĩa, phải lấy định nghĩa “hàng giả” của gạch, ngói, xi măng làm tiêu chí chung. Ngay cả định nghĩa cũng không có thì làm sao kiểm soát được” – ông Đáng bất bình.
Lo sợ về hàng giả, hàng nhái, trong vai một người mua hàng, khi PV hỏi một quầy thuốc ở Cầu Giấy (Hà Nội) về cách phân biệt, nhân viên ở đây “mách nước”: Chỉ cần kiểm tra mã vạch trên hộp là biết ngay hàng thật hay giả.
“Nhưng các trường hợp mua ở ngoài chợ thì khó phân biệt hơn, còn mua ở hiệu thuốc, các hộp luôn đi kèm dấu đỏ kiểm chứng nên yên tâm” – nhân viên này rỉ tai.
Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý muốn chụp hình lại các thông tin trên vỏ hộp Omega-3 mà quầy thuốc mang ra chào mời khách thì nhanh như cắt, nhân viên bán hàng đã giấu nhẹm hộp thuốc đi và giải thích: “Ở đây không được chụp ảnh”?!
Một chủ tiệm thuốc khác ở quận Đống Đa (Hà Nội), chuyên bán hàng dầu cá xuất xứ từ Mỹ lại thành thật: Một số loại dầu cá Omega-3 trên bao bì có chữ hướng dẫn và ghi sản xuất của Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc.
“Việt Nam chỉ nhập nguyên viên về đóng gói thôi, chứ không phải nhập cả hộp”, với cách lập lờ này, chủ đích của các hãng sản xuất là đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam sau hàng loạt những lo ngại về thực phẩm bẩn ở Trung Quốc.
Trong buổi họp báo về dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lưu ý: Khi thị trường có nhu cầu nhiều về mặt hàng sản phẩm nào thì sản phẩm đó càng dễ làm giả.
Thị trường đang có nhu cầu lớn về thực phẩm chức năng, chính vì vậy xuất hiện nhiều mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc xách tay từ nước ngoài về. Với các sản phẩm này, Cục khuyến cáo: Người dân không nên mua sử dụng.
Ông Phong cho biết: Bản chất của sản phẩm xách tay là chưa được phép lưu hành. “Nhà nước cho mang theo hàng xách tay là để người dùng mang theo bên người, nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân, không được phép bán ra ngoài.
Vì vậy, việc kinh doanh, quảng cáo bán hàng xách tay là vi phạm pháp luật”.